MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân Trung Quốc nghĩ gì về vụ xét xử Bạc Hy Lai?

22-08-2013 - 15:16 PM | Tài chính quốc tế

Theo phóng sự của kênh CNN (Mỹ), một số người dân bày tỏ sự ủng hộ đối với Bạc Hy Lai trong khi người khác cho rằng vụ án thực chất là kết quả của đấu tranh chính trị nội bộ.

Vụ “ngã ngựa” của cựu chính trị gia Bạc Hy Lai với những tình tiết của một vụ giết người, của tham nhũng và của sự phản bội – là vụ bê bối chính trị lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Trong suốt vụ xét xử, dự kiến nhân vật có sức lôi cuốn và đầy tranh cãi này sẽ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông bị tước mọi vị trí trong Đảng hồi tháng 4/2012.

Hôm nay (22/8), phiên tòa xét xử cựu chính trị gia Bạc Hy Lai bắt đầu tại Tòa án thành phố Tế Nam.

Theo CNN, với tầm ảnh hưởng và sự kịch tính của vụ bê bối này, có vẻ như các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã quyết định chọn Tế Nam - một trong những thành phố yên bình nhất để tiến hành xét xử. Tế Nam là thành phố cách thành phố Trùng Khánh, nơi ông Bạc từng làm Bí thư thành ủy, 1.200km và cũng cách xa những nơi khác mà ông từng làm lãnh đạo. Được biết chủ tọa phiên tòa là một quan chức đáng tin cậy và có nhiều kinh nghiệm dưới con mắt của Bắc Kinh.

Hôm qua, một ngày trước khi vụ xét xử diễn ra, những người ủng hộ ông Bạc xuất hiện trước tòa án Tế Nam mặc cho một lực lượng cảnh sát dày đặc có mặt ở đây. Những người này có mặt từ sáng sớm và cùng với những người qua đường và những người kiến nghị, mỗi người đều có lời phàn nàn của riêng mình nhưng tựu chung đều sẵn lòng dùng cơ hội này để chia sẻ câu chuyện của mình với các phóng viên nước ngoài có mặt ở đây.

“Trong suốt thời kỳ của Chủ tịch Mao, mọi người đều bình đẳng và chúng tôi không thấy có vụ tham nhũng nào”, bà Li, 66 tuổi, nói, ám chỉ tới chiến dịch khôi phục lại lý tưởng Mao Trạch Đông và trấn áp tội phạm của ông Bạc.

“Ông ấy không phải là thánh hay là con người hoàn hảo nhưng đa số người dân ủng hộ ông ấy. Họ không thể nào chỉ ra sức lên án ông ấy được. Tôi muốn ông ấy được xét xử công bằng”, bà Li nói.

“Có gì phải thắc mắc đâu? Ông Bạc là nạn nhân của đấu tranh chính trị nội bộ mà thôi”, ông Liu, 62 tuổi ngồi cạnh bà Li, nói.

Đám đông bắt đầu lớn dần và ồn ào hơn và cảnh sát quyết định can thiệp, xua bớt những người làm cản trở giao thông và yêu cầu các phóng viên đứng bên trong khu vực dành cho báo chí.

Các cột mốc chính trong diễn biễn vụ bê bối chính trị của Bạc Hy Lai.

Ngày 6/2/2012:Sau khi bất ngờ bị giáng chức, Vương Lập Quân, giám đốc công an Trùng Khánh, đến Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô và ở lại đó 24 giờ và tiết lộ về vụ doanh nhân người Anh Neil Heywood bị sát hại và bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai là nghi can.

Ngày 7/2/2012:Vương bị dẫn độ về Bắc Kinh, bắt đầu vụ bê bối chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ của Trung Quốc.

Ngày 15/3/2012: Bạc Hy Lai bị cách chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh

Ngày 9/8/2012:Phiên tòa xét xử bà Cốc Khai Lai với tội danh giết người (doanh nhân Neil Heywood) bắt đầu. Phiên tòa kết thúc nhanh chóng và bà Cốc bị tuyên án tử hình hoãn thi hành.

Ngày 18/9/2012:Cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bị xét xử tại tòa án nhân dân Thành Đô và bị kết án 15 năm tù.

Ngày 4/11/2012:Bạc Hy Lai chính thức bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc

Ngày 22/8/2013:Vụ án xét xử cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bắt đầu

Một số hình ảnh bên ngoài tòa án Tế Nam, nơi diễn ra phiên tòa xét xử cựu chính trị gia Bạc Hy Lai.


Tòa án nhân dân thành phố Tế Nam.



An ninh được thắt chặt trước cổng tòa án.



Hàng rào an ninh được lắp đặt bên ngoài Tòa án Tế Nam.



Bản thông báo về phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai bên ngoài Tòa án Tế Nam.



Cảnh sát dẫn người biểu tình ra khỏi trụ sở tòa án Tế Nam.



Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình phản đối phiên tòa xét xử cựu chính trị gia Bạc Hy Lai.

Theo Lê Dung

huongnt

Infonet

Trở lên trên