MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau con số 1.000 tỷ USD tháo chạy khỏi Trung Quốc

29-01-2016 - 10:21 AM | Tài chính quốc tế

Năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã phải chứng kiến 1.000 tỷ USD tháo chạy khỏi nước này. Hiện nay, câu hỏi trong tâm trí các nhà đầu tư toàn cầu là chính xác thì đội ngũ kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ làm gì trước hiện tượng trên.

Có một lựa chọn là xây dựng một bức trường thành bao quanh nền kinh tế hơn 10 nghìn tỷ USD này bằng các biện pháp kiểm soát vốn mới và toàn diện. Điều này giống như là tự mình phá cửa kính rồi nhấn chuông báo động vậy, và nhiều yếu nhân đang ủng hộ giải pháp này. Một người như thế là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda, người là tâm điểm chú ý của Diễn đàn Davos hồi tuần trước khi ông hối thúc Trung Quốc áp đặt các kiểm soát vốn để ngăn dòng tiền mặt tháo chạy.

Trung Quốc đang nhận được vô số lời khuyên không cần thiết. Các đối tác thương mại của nước này, gồm Nhật Bản và các nhà sản xuất hàng hóa trên thế giới có liên quan mật thiết đến quá trình chuyển đổi của Trung Quốc từ nền kinh tế xuất khẩu tốc độ cao sang mô hình ổn định hơn tập trung vào dịch vụ và tiêu dùng.

Nhưng sự chuyển đổi này không hề êm ả. Trung Quốc đang tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990 và các thị trường chứng khoán trong nước ở Thượng Hải và Thâm Quyến đã trải qua những đợt bán tháo lớn và liên tiếp trong tháng một mà đã làm bốc hơi 1,8 nghìn tỷ USD. Không có bất cứ giải pháp tình thế nào cho giới chức Trung Quốc, vốn đã ban hành những quy định nghiêm ngặt về luân chuyển vốn.

Ngừng giao dịch thương mại?

“Không có nhiều giải pháp cho Trung Quốc, chỉ còn nước ngừng toàn bộ giao dịch thương mại,” Andrew Collier, một nhà phân tích độc lập về Trung Quốc và là cựu chủ tịch Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc ở Hoa Kỳ cho biết.

Dòng vốn tháo chạy cũng phản ánh các cơ hội đầu tư tốt hơn ở nước ngoài, và đó không hẳn là một chuyện xấu. Năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chi con số kỷ lục 61 tỷ USD để mua các công ty nước ngoài có thể giúp họ xâm nhập các thị trường mới và tiến lên nấc thang cải tiến trong những năm tới. Tháng này, Haier Group Corp. đã thông báo kế hoạch sử dụng cổ phiếu được bán ở Thượng Hải để thâu tóm bộ phận kinh doanh đồ điện gia dụng của General Electric với giá 4,5 tỷ USD.

Cảnh cáo Soros

Nhiều người tiết kiệm Trung Quốc đang chuyển tiền của mình ra khỏi nước này do lo ngại sự phá giá đột ngột của đồng nhân dân tệ và bất an về ý định của chính phủ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã nhấn mạnh cơ quan này không dự định thay đổi nhiều trong chính sách tiền tệ. Năm ngoái, ngân hàng này đã chi một khoản lớn trong dự dữ ngoại hối của Trung Quốc để giữ giá đồng nhân dân tệ. Truyền thông nhà nước đã cảnh báo các nhà đầu cơ, gồm cả tỷ phú George Soros, phải lùi bước và không bán khống đồng tiền của nước này.

Nhưng giá đồng nhân dân tệ thì cứ tiếp tục giảm, xuống mức thấp nhất trong 5 năm vào hồi đầu tháng này và đã mất 5% giá trị trong chưa đầy 1 tháng. PBOC không hoạt động hoàn toàn độc lập và đôi khi phải chiều theo ý của chính phủ, nơi mà một số quan chức có thể muốn thúc đẩy khu vực xuất khẩu bằng cách hạ giá đồng tiền xuống thấp hơn nữa.

Những lựa chọn chính sách khó khăn phía trước sẽ làm xói mòn niềm tin của người tiết kiệm Trung Quốc hơn nữa. Nếu chính phủ nghiêm túc trong việc duy trì đồng nhân dân tệ và ngăn chặn các nhà đầu cơ, họ có thể phải nhờ đến kho dự trữ ngoại hối trị giá 3,3 nghìn tỷ USD nhiều hơn nữa.

Các nhà phân tích lo ngại rằng kho dự trữ này có thể không có tính thanh khoản cao như vẻ ngoài hoặc có thể được cam kết một phần để cấp vốn cho các dự án của chính phủ. Theo Bloomberg, khối tài sản dự trữ này có thể xuống thấp đến mức không mong muốn vào giữa năm nay.

“Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhưng ở lãi suất hiện nay hoặc cao hơn, tính thanh khoản sẽ không cao trong nhiều tháng, không phải nhiều năm,” Victor Shih, giáo sư chuyên ngành chính trị và tài chính Trung Quốc ở Đại học California ở San Diego (Mỹ) cho biết.

Yu Yongding, cựu cố vấn của PBOC cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần ngừng can thiệp vào thị trường tiền tệ và duy trì dự trữ ngoại hối.

Còn có những biện pháp mạnh tay hơn như tăng lãi suất hoặc cho phép đồng tiền phá giá sâu một lần. Nhưng các biện pháp như này đi kèm với nhiều rủi ro lớn trong một nền kinh tế đang giảm tốc và cần tái cơ cấu sâu rộng các ngành công nghiệp quốc doanh chìm trong nợ nần.

Lựa chọn khó khăn nhất trong tất cả - áp đặt kiểm soát toàn diện mới lên dòng chảy vốn, sẽ phải đối mặt với các cam kết cải cách khu vực tài chính trong quá khứ.

“Chúng tôi không dự đoán các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt vì chính phủ sẽ không muốn gây rủi ro cho tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và tự do hóa tài khoản vốn,” Viện Tài chính Quốc tế cho biết trong một tuyên bố.

Trong khi đó, áp lực vẫn chưa giảm bớt. Các dòng vốn chảy ra đã tăng vọt trong tháng 12, khép lại năm 2015 với thất thoát tổng cộng 1 nghìn tỷ USD, một con số kỷ lục kể từ năm 2006 theo dữ liệu của Bloomberg.

Có một cách khách để thấy được quy mô vấn đề mà Trung Quốc đang gặp phải: Nếu chỉ 5% trong dân số 1,3 tỷ người của nước này gửi tối đa 50.00 USD được cho phép ra khỏi đất nước, số tiền dự trữ 3,3 nghìn tỷ USD sẽ bốc hơi hoàn toàn. Công dân Trung Quốc thường xuyên tìm cách lách luật, từ góp chung hạn ngạch cho đến sử dụng các ngân hàng ngầm.

Không đến nỗi nghiêm trọng

Phải nói rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều sức mạnh. Nền kinh tế ngầm đang cho thấy dấu hiệu của sự dẻo dai, đặc biệt ở khu vực tiêu dùng và dịch vụ. Và không phải tất cả tiền mặt chảy ra nước ngoài đều được gọi là dòng vốn tháo chạy: một số được dùng để trả nợ nước ngoài hoặc cấp vốn cho các khoản đầu tư ra nước ngoài.

Tôi không nghĩ dòng vốn tháo chạy của Trung Quốc bây giờ là nghiêm trọng,” Derek Scissors, một học giả chuyên về kinh tế Trung Quốc của Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington cho biết. “Rõ ràng là nếu Trung Quốc có hai năm trong tình trạng này hoặc nhiều hơn, thì nước này mới gặp vấn đề.”

Tuy nhiên, quy mô của vấn đề đã được vạch trần hôm 26-1 khi dữ liệu cho thấy khoảng cách giữa kim ngạch xuất khẩu sang Hồng Kông do Trung Quốc công bố và khối lượng giao dịch đăng ký theo lãnh thổ đã nới rộng ra vào tháng 12 năm ngoái. Điều này cho thấy các biến động trên thị trường tiền tệ đã thổi bùng lên hoạt động làm hóa đơn thương mại giả. “Các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc thẩm tra tính hợp pháp của các giao dịch,” Collier nói.

Các diễn biến khác trong tuần nay đã nêu bật thách thức mà cả nhà đầu tư trong và ngoài nước phải đối mặt khi đánh giá sức mạnh của nền kinh tế nước này. Vương Bảo An, giám đốc Cục Thống kê Trung Quốc là quan chức cấp cao mới nhất bị nhắm đến trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, một tuyên bố của chính phủ cho hay chỉ vài giờ sau khi ông Vương phát biểu về tình hình kinh tế.

Sẽ là sai lầm khi xem vụ điều tra này là bằng chứng mới về sự thiếu chân thực trong dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, “truyền thông về vụ điều tra là bằng chứng về sự nhạy cảm của Trung Quốc khi phải đối phó với các biến động thị trường,” hai kinh tế gia của Bloomberg Tom Orlik và Fielding Chen viết trong một báo cáo cho biết.

Khi mà có quá ít các lựa chọn tốt, có lẽ giải pháp khả thi nhất là tiếp tục dùng tất cả những gì có thể như can thiệp, thuyết phục và thắt chặt vốn nhằm ngăn chặn dòng chảy vốn ra ngoài. Về cơ bản, để khắc phục vấn đề cần phải khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu về triển vọng kinh tế và tính minh bạch trong các tuyên bố của chính phủ Trung Quốc.

“Công khai cho nhà đầu tư biết Trung Quốc định làm gì tiếp theo sẽ là bước đầu tiên,” Scissors nói.

Long Nam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên