MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau quyết định cho phép xuất khẩu dầu thô của Mỹ

03-01-2015 - 19:41 PM | Tài chính quốc tế

Kỹ thuật khai thác dầu từ đá phiến đã giúp nước Mỹ “lật ngược thế cờ”.

Từ lâu nay, xuất khẩu dầu thô ra bên ngoài nước Mỹ vẫn là hành động được quy định là lạm phát. Thậm chí nhiều người coi nước Mỹ xuất khẩu dầu là điều không thể xảy ra trong bối cảnh sản lượng trong nước suy giảm trong suốt nhiều thập kỷ và nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như “nghiện” dầu nhập khẩu.

Tuy nhiên, điều này đã không còn đúng nữa. Kỹ thuật khai thác dầu từ đá phiến đã giúp nước Mỹ “lật ngược thế cờ”. Lần đầu tiên kể từ năm 1988, trong năm 2013 Mỹ đã sản xuất được nhiều dầu hơn so với lượng nhập khẩu. Mỹ kỳ vọng đến năm 2015 sẽ vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

               

Bối cảnh

Trước đây, Mỹ cấm xuất khẩu hầu hết các loại dầu thô – sản phẩm vừa được khai thác từ lòng đất và chưa được chuyển hóa thành xăng, khí đốt hay một vài sản phẩm hữu dụng khác. Chính sách này được thực hiện kể từ năm 1975, sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab tạo ra một cú sốc đối với kinh tế Mỹ.

Năm 2013, trung bình nước Mỹ sản xuất được 7,4 triệu thùng dầu mỗi ngày và con số được dự báo sẽ tăng lên mức 9,3 triệu thùng tính đến cuối năm 2015 – cao nhất kể từ năm 1972.

Điều này khiến giá trong nước giảm xuống mức thấp hơn so với ở các thị trường nước ngoài. Theo ước tính của Bộ Năng lượng Mỹ, trung bình 1 thùng dầu WTI sẽ có giá 62,75 USD trong năm 2015, trong khi giá dầu thô biển Bắc ở mức 68,08 USD/thùng. Mặc dù các công ty lọc dầu được hưởng lợi từ việc chi phí đầu vào thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài, các nhà sản xuất cũng muốn tiếp cận với mức giá cao hơn từ các người mua nước ngoài.

Tháng 6, Mỹ đã “hé mở cánh cửa” khi Bộ Thương mại nước này cho phép công ty năng lượng Pioneer Natural Resources xuất khẩu một lượng nhỏ khí ngưng tụ (condensate – sản phẩm chủ yếu được sử dụng để sản xuất xăng, dung môi công nghiệp và làm nguyên liệu cho tổ hợp hóa dầu). Đến tháng 12 vừa qua, chính phủ cho phép các công ty xuất khẩu khí ngưng tụ mà không cần đến giấy phép đặc biệt.

Có vẻ không hợp lý khi nói về việc xuất khẩu dầu trong khi Mỹ vẫn đang nhập khẩu hơn 7 triệu thùng dầu mỗi ngày – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, dầu thô không phải là loại hàng hóa hoàn toàn có thể thay thế được. Dầu được khai thác từ các vùng khác nhau sẽ có chất lượng khác nhau. Chi phí vận chuyển dầu thô qua các đường ống, đường sắt hay bằng tàu cũng có thể tạo ra những nút thắt cổ chai.

Mỹ đã tăng mạnh sản lượng nhưng phần lớn trong số đó là dầu đá phiến nhẹ, nhưng rất nhiều nhà máy lọc dầu được xây dựng để lọc các loại dầu nặng hơn từ Nam Mỹ và Trung Đông. Sự chênh lệch này tạo ra tình trạng thặng dư đối với dầu nhẹ khai thác được ở trong nước kể cả khi nhập khẩu vẫn đang tăng lên. Các nhà máy lọc dầu ở vùng Vịnh, bờ Đông và Canada sẽ trở nên bão hòa trong nửa đầu năm 2015, theo dự báo của Goldman Sachs. Tại điểm này Mỹ sẽ phải mở rộng nhà máy, cắt giảm sản lượng hoặc tăng xuất khẩu.

Tranh cãi

Các nhà sản xuất muốn bán dầu ở mức giá cao hơn lập luận rằng cứ giữ lệnh cấm xuất khẩu sẽ khiến giá trong nước giảm xuống cho tới khi hoạt động khoan dầu không còn thu được lợi nhuận và ảnh hưởng đến mục tiêu độc lập về năng lượng của Mỹ. Các nhà máy lọc dầu ủng hộ lệnh cấm vì muốn duy trì lợi thế về chi phí, giúp họ bán được lượng xăng ký lục ở nước ngoài.

Ngược lại, các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và châu Á sẽ hưởng lợi khi được tiếp cận với nguồn dầu thô của Mỹ. Một vài chính trị gia (như Thượng nghị sĩ Ron Wyden của đảng Dân chủ và Robert Menendez của bang New Jersey) lập luận cho phép xuất khẩu sẽ dẫn đến hoạt động khai thác và tiêu dùng các nhiên liệu có hại cho môi trường bùng nổ. Tương tự như vậy, các công ty hóa chất cũng phản đối chính sách cho phép xuất khẩu vì họ sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu và do đó phải chịu thiệt khi giá trong nước tăng lên.

Trong khi cuộc tranh luận đang nóng lên, ngành dầu khí Mỹ vẫn đang tìm cách thích nghi với chính sách mới. Xuất khẩu tới Canada trong tháng 10 đã tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm trước, lên 351.000 thùng/ngày. Các công ty cũng đang mua thêm thiết bị xử lý dầu khai thác được từ đá phiến để có thể xuất khẩu ngay khi sản phẩm này được phép xuất khẩu ra bên ngoài. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên