MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau số liệu tăng trưởng GDP đầy ấn tượng của Trung Quốc

08-09-2010 - 15:27 PM | Tài chính quốc tế

Chỉ trong khoảng thời gian 1 thế hệ, Trung Quốc đã chuyển từ nước công bằng sang nước thiếu công bằng nhất tại châu Á xét đến phân phối thu nhập.

Theo chuyên gia John Lee, kinh tế Trung Quốc chuẩn bị hướng tới thời kỳ giống như Nhật, tuy nhiên ông cảnh báo quá trình này sẽ không diễn ra từ từ hay êm thấm.

Hiện nay, khi kinh tế Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật để đứng vị trí thứ 2 trên thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc và Mỹ như ông Wu Jinglian và John Makin cho rằng Trung Quốc có thể trải qua “thập kỷ mất mát” giống Nhật bởi nước này sẽ đương đầu với nhiều vấn đề tương tự Nhật.

Xét đến tương đồng giữa 2 mô hình tăng trưởng, ý tưởng cho rằng những gì đang diễn ra tại Nhật hiện tại cho người ta thấy phần nào đó về tương lai kinh tế của Trung Quốc có thể tin cậy được.

Sự đi xuống của kinh tế Nhật, đối với phần lớn người Nhật và chính phủ nước này, diễn ra từ từ và không quá khó chịu. Tuy nhiên, với chính phủ và người dân Trung Quốc, việc đi theo hướng của Nhật sẽ khó khăn hơn nhiều.

Trước khi có bằng chứng cho thấy kinh tế Nhật đang trong giai đoạn trì trệ kéo dài, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo về rủi ro của việc nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư cố định để tăng trưởng. Nhìn chung, Nhật vẫn có nhiều lợi thế hơn so với các hệ thống tại Đông Á.

Ví dụ, không giống như truyền thống các đảng thay nhau lên lãnh đạo chính quyền, sự thống trị của Đảng Dân chủ tự do tại Nhật suốt từ năm 1955 đến năm 2009 cho phép các nhà hoạch định chính sách có thể định hướng dài hơi.

Ngoài ra, với lực lượng lao động thông minh, có trách nhiệm và làm việc chăm chỉ, Nhật hoàn toàn có thể điều chỉnh tốt quá trình chuyển sang mô hình tăng trưởng ổn định hơn.

Trung Quốc không có ý định dập khuôn bất kỳ mô hình nào thế nhưng có nhiều điểm tương đồng với cách tiếp cận của Nhật. Giống Nhật thập niên 1970 và 1980, Trung Quốc đang dần đến giai đoạn cuối của sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư cố định để tăng trưởng. Để làm được điều này, họ cần tránh hy sinh quyền lợi trong dài hạn vì những lợi ích trong ngắn hạn.

Thế nhưng, nhìn từ những biện pháp mà chính phủ Trung Quốc đưa ra để ứng phó với khủng hoảng tài chính (tín dụng ngân hàng tăng trưởng nhảy vọt, từ 750 tỷ USD năm 2008 lên 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2009), có thể thấy Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều hơn, chứ không phải ít đi, vào mô hình thiếu ổn định để tăng trưởng kinh tế.

Tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng nội địa vào kinh tế thực tế đang giảm. Thập niên 1980, tiêu dùng đóng góp 50% vào kinh tế Trung Quốc, đến đầu thế kỷ này tỷ lệ đóng góp chỉ còn 40%.

Tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng nội địa vào nền kinh tế thấp chưa từng có

Thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, 36% kinh tế Trung Quốc đến từ tiêu dùng nội địa. Hiện nay, tỷ lệ đang ở mức chỉ hơn 30%, thấp chưa từng có trong lịch sử kinh tế hiện đại.

Mô hình tương tự sẽ dẫn đến những vấn đề tương tự bởi vấn đề nhân khẩu tại Trung Quốc cũng sẽ sớm giống như Nhật. Tệ hại hơn, sự khác biệt giữa 2 thể chế chính trị có thể không mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Khi Nhật bắt đầu đương đầu với nhiều vấn đề kinh tế, Nhật đã có nền tảng vững: pháp quyền, luật sở hữu và hệ thống chính trị ổn định.

Năm 2009, khi Đảng Dân chủ tự do thua cuộc, quá trình chuyển giao quyền lực đã diễn ra suôn sẻ, minh chứng rõ nhất của hệ thống chính trị ổn định chính là đây.

Dù mô hình phát triển của Nhật thường được coi như chịu sự chi phối chủ yếu của nhà nước, lĩnh vực tư nhân thường nhận được khoảng ¾ lượng vốn. Sự thịnh vượng được chia ra rộng rãi trong những năm tăng trưởng. Ngay cả khi sự đi xuống về cấu trúc đang diễn ra, phần lớn người Nhật vẫn có cuộc sống tốt, giàu có trước khi họ bước vào tuổi già.

Ngược lại, các yếu tố trên tại Trung Quốc chưa phát triển nhiều, ngay cả sau nhiều thập kỷ cải cách. Hơn thế nữa, mô hình phát triển của Trung Quốc đã đẩy vai trò của nhà nước lên mức cao chưa từng có.

Dù nhóm doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp 1/4 đến 1/3 tổng sản lượng, họ nhận tới 75% vốn. Thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng, nhóm doanh nghiệp nhà nước nhận được hơn 90% tổng lượng vốn, nhóm doanh nghiệp tư nhân chỉ nhận được chưa đầy 5% vốn. Sự thiên vị đối với nhóm doanh nghiệp nhà nước trở nên rõ ràng trong 10 năm đầu cải cách (1979-1989).

Sự thiếu công bằng lên cao nhất tại châu Á

Sự đối xử không công bằng của chính phủ Trung Quốc đối với các nhóm doanh nghiệp không phải chỉ ở việc phân chia vốn dù điều đó đang gây áp lực lớn lên sự ổn định của mô hình kinh tế.

Bởi quá nhiều tài sản của Trung Quốc tập trung vào khoảng 120 nghìn doanh nghiệp nhà nước và các chi nhánh nhưng thực chất chỉ một nhóm rất nhỏ trên đây hưởng lợi còn lại cơ hội kiếm tiền không dành cho số đông.

Ví dụ, thu nhập của các hộ gia đình đã tăng từ 2% đến 3%/năm từ năm 2000, trong khi đó lương của người lao động trong lĩnh vực nhà nước tăng với tốc độ 2 con số. Bất chấp số liệu tăng trưởng GDP ấn tượng, thập kỷ qua, thu nhập ròng của khoảng 400 triệu người Trung Quốc không tăng hoặc thậm chí giảm.

Theo số liệu chính thức, số người trưởng thành không biết chữ tại Trung Quốc tăng, từ mức 85 triệu vào năm 2000 lên 114 triệu vào năm 2005. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy vào năm 2001, thu nhập của nhóm 10% người nghèo nhất tại Trung Quốc giảm 2,4%/năm. GDP vẫn tăng trưởng với tốc độ 2 con số nhưng đói nghèo cùng cực tăng lên.

Không còn nghi ngờ gì nữa. Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chỉ trong khoảng thời gian 1 thế hệ, Trung Quốc đã chuyển từ nước công bằng sang nước thiếu công bằng nhất tại châu Á xét đến phân phối thu nhập.

Sự thật là phần lớn người Trung Quốc đã không được hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế, hậu quả không nhỏ.

Trung Quốc cần tăng trưởng GDP 8%/năm để có thể đảm bảo được ổn định. Không giống Nhật, phần lớn người Trung Quốc không bao giờ có thể giàu được. Như vậy chúng ta đang chứng kiến sự nổi lên của một cường quốc khá mong manh.

Ông John Lee là giáo sư nghiên cứu về chính sách nước ngoài tại Trung tâm nghiên cứu độc lập và ngoài ra còn tham gia nghiên cứu tại viện Hudson tại Washington. Ông là tác giả của cuốn sách: “Liệu Trung Quốc có sụp đổ (Will China Fail?)

Ngọc Diệp
Theo Businessweek

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên