MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đạo luật trả lương công bằng tại Mỹ

28-09-2015 - 07:50 AM | Tài chính quốc tế

Cơ quan lập pháp bang California (Mỹ) đã đưa ra dự luật về trả lương công bằng. Đó là kết quả của cả một quá trình đấu tranh lâu dài.

Cơ quan lập pháp bang California (Mỹ) đã đưa ra dự luật về trả lương công bằng. Đó là kết quả của cả một quá trình đấu tranh lâu dài.

Người ta hy vọng khi có được chữ ký của Thống đốc Jerry Brown, dự luật “trả lương công bằng” sẽ phát huy hiệu lực mạnh mẽ trong việc lấp đi hố sâu về tiền lương giữa phụ nữ và nam giới.

Vụ kiện của Ellen Pao

Cuộc bỏ phiếu trong Thượng viện bang California đối với dự luật trả lương công bằng diễn ra sau vụ kiện của chị Ellen Pao. Bị đơn là công ty kinh doanh vốn rủi ro Kleiner Perkins Caufield & Byers. Ellen Pao là người của Kleiner Perkins Caufield & Byers từ năm 2005 đến năm 2012. Tháng 5-2012, chị đệ đơn ra tòa án bang ở San Francisco kiện Ajit Nazre, một cựu đối tác đầu tư của công ty, đã có hành động quấy rối tình dục.

Mặc dù trưng ra các bằng chứng về những trò ve vãn, quấy rối của Ajit Nazre nhưng Pao vẫn bị tòa bác đơn. Trong đơn kiện, Pao cũng cáo buộc ở công ty nơi chị làm việc, một số nữ nhân viên thường bị loại ra khỏi các cuộc họp do các đồng nghiệp nam tổ chức. Phía Kleiner Perkins đã phản ứng lại. Christina Lee, người phát ngôn của công ty, cho rằng công ty rất tiếc khi vụ việc bị đưa ra tòa, hy vọng hai bên có thể đạt được một sự hòa giải nào đó. Sau đó, Pao kiện công ty đã ngăn chặn cơ hội thăng tiến của chị và trả đũa bằng cách sa thải chị. Trong đơn, Pao đòi được bồi thường thiệt hại kinh tế, trong đó có khoản được cho là trả lương chậm, tiền bồi thường phân biệt đối xử vì giới tính.

Thế nhưng tháng 3 năm nay, sau một quá trình kiên trì theo đuổi vụ kiện, Pao lại bị tòa bác đơn. Pao phải trả 276.000 USD án phí. Trả lời báo chí, Pao cho biết chị chấp nhận dừng kiện tụng đơn giản vì chị không đủ khả năng để tiếp tục. Tuy nhiên, theo một số tờ báo của Mỹ, vụ kiện của Pao đã làm rung động không ít người trên đất Mỹ. “Tôi cảm thấy hài lòng khi vụ kiện của tôi đã khuyến khích những người khác lên tiếng về nạn phân biệt đối xử. Tôi cảm thấy được an ủi khi nhiều người đã dám kiện các công ty vì phân biệt đối xử với phụ nữ và các nhóm thiểu số” - Pao trả lời tạp chí phố Wall.

Quả thật, vụ kiện của Pao đã làm dấy lên một làn sóng chú ý đến vấn đề của phụ nữ trong các công ty, đặc biệt các lĩnh vực vai trò phụ nữ thường bị mờ nhạt. Tuy bác đơn của Pao nhưng HĐXX cũng thừa nhận các công ty thuộc ngành công nghệ và kinh doanh vốn rủi ro thiên vị đàn ông đến nỗi thiếu nhân công nữ. Theo một nghiên cứu của Trường ĐH Babson năm 2014, chỉ có 6% nhân công của các công ty kinh doanh vốn rủi ro là phụ nữ. Tờ Usa today viết: “Phán quyết của tòa làm tiêu tan hy vọng của Pao nhưng phiên tòa đã phơi bày việc Pao và những phụ nữ khác bị đối xử tồi tệ tại các công ty”. Vụ kiện của Ellen Pao đã tác động mạnh đến những lá phiếu thuận trong Thượng viện bang California đối với dự luật trả lương công bằng.

Thống đốc Jerry Brown sẽ đi vào lịch sử lập pháp của bang California khi ông ký thông qua dự luật. Ảnh: MARKETPLACE
Thống đốc Jerry Brown sẽ đi vào lịch sử lập pháp của bang California khi ông ký thông qua dự luật. Ảnh: MARKETPLACE

Những con số biết nói

Trong quá trình soạn thảo dự luật, cơ quan lập pháp đã tìm hiểu, thu thập được những bằng chứng, con số khiến nhiều người giật mình. Aileen Rizo, 40 tuổi, một chuyên viên phụ trách môn toán tại cơ quan quản lý giáo dục hạt Fresno hồi năm 2012 đã phát hiện ra một đồng nghiệp nam nhận được mức lương cao hơn chị 12.000 USD một năm mặc dù anh này được tuyển dụng vào làm việc sau chị bốn năm.

Aileen Rizo đã đệ đơn khiếu nại và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vì thế chị đã đến trụ sở cơ quan lập pháp của bang để bày tỏ sự ủng hộ dự luật trả lương công bằng. “Chúng tôi rất phấn khởi và hạnh phúc. Chị em được tăng cường công cụ về luật để chống lại sự phân biệt đối xử về tiền lương” - Rizo nói.

Một nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy y tá nam có tiền lương cao hơn đồng nghiệp nữ 11.000 USD/năm. Trong khi 50% các trường hợp chênh lệch này được giải thích bằng sự khác biệt về kinh nghiệm, chuyên môn thì 50% còn lại chỉ có thể được lý giải bằng việc phân biệt đối xử giữa nam và nữ.

Năm ngoái, tác giả của dự luật trả lương công bằng, thượng nghị sĩ Hannah-Beth Jackson, trích dẫn một số nghiên cứu để chỉ ra rằng: Tại bang California, tính trung bình một người đàn ông nhận 1 USD thì phụ nữ chỉ được nhận 84 xu (tỉ lệ này trên toàn nước Mỹ là 76%). Khoảng cách này còn lớn hơn ở phụ nữ da màu. Chẳng hạn, phụ nữ gốc Latin chỉ nhận mức lương bằng 44% so với đàn ông da trắng. Tổng thể, mỗi năm công nhân nữ ở bang California nhận được ít hơn đồng nghiệp nam 33,6 tỉ USD. Tính trên toàn nước Mỹ, phụ nữ chỉ được trả lương ở mức 78% so với đàn ông.

Người lao động phấn khởi

Theo các nhà làm luật, dự luật trả lương công bằng đảm bảo người lao động nam và nữ làm những công việc như nhau sẽ được trả mức lương công bằng, ngay cả khi tên công việc không giống nhau. Bên cạnh đó, người lao động có quyền đàm phán lương trên cơ sở so sánh với đồng nghiệp mà không bị bất kỳ ai trả đũa như trường hợp của Pao.

“Điều mà dự luật này làm được chính là làm rõ khái niệm về sự công bằng trong tiền lương” - Hina Shah, Chủ nhiệm bộ môn quyền về việc làm của phụ nữ thuộc khoa Luật của Trường ĐH Golden Gate, nhận định. Đạo luật nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng lớn và thậm chí còn được Phòng Thương mại bang California tán thành. Phòng Thương mại bang California cho biết họ tin rằng sự tường minh của luật sẽ khiến chủ các công ty sẽ phải “thay đổi cấu trúc, chế độ tiền lương của họ” và “tránh tranh chấp không cần thiết” khi đối xử với nhân viên nữ.

Mặc dù đạo luật trả lương công bằng khiến ai nấy đều phấn khởi, đặc biệt là phụ nữ nhưng theo Noreen Farrell, Giám đốc điều hành Tổ chức Ủng hộ quyền bình đẳng và là người đồng đỡ đầu dự luật, phải mất một thời gian dài nữa để bộ luật mới về trả lương công bằng phát huy hiệu quả thật sự tại California.

Ngoài phụ nữ, còn nhiều người chờ đợi

Đạo luật trả lương công bằng khiến không ít người lao động phấn khởi, tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng luật chưa mang tính toàn diện. Phân hội California của Tổ chức Phụ nữ Quốc gia Mỹ (NOW) cho rằng đạo luật phải bổ sung thêm một số đối tượng khác trong xã hội, như những người đồng tính, lưỡng tính, những người chuyển giới, người tàn tật và những người bị phân biệt đối xử do chủng tộc, sắc tộc.

Theo bà Patricia Bellasalma, Chủ tịch NOW, dự luật chưa đưa ra những điều khoản đề cập đến đàn ông da màu, những người đang đối mặt với tình trạng bất bình đẳng về tiền lương. Thượng nghị sĩ Jackson cho biết bà hy vọng sẽ có những thay đổi được tạo ra khi đạo luật trả lương công bằng ra đời. “Đây là một bước đi đầu tiên rất tốt và rất lớn lao” - bà nói. Vị này cho biết thêm: “Tôi tin tưởng một khi chúng ta khiến những nhà lãnh đạo các công ty phải dựa vào luật pháp để xem xét trả lương, công nhân sẽ được đền đáp một cách công bằng với những gì họ phải bỏ ra, cống hiến hết mình cho công ty”.

Bà Jackson nói rằng luật này khi được ban hành sẽ được thi hành bởi Cục Thi hành tiêu chuẩn lao động của bang, nơi giải quyết những yêu sách về tiền lương và điều tra những khiếu kiện về phân biệt đối xử. Sắp tới, người lao động có thể nộp đơn tại đây, Cục Thi hành tiêu chuẩn lao động sẽ điều tra nhưng giữ kín danh tính người khiếu kiện. Nếu có yêu cầu chính đáng, người lao động sẽ được đáp ứng theo đạo luật trả lương công bằng.

 

 

 

 

 

 

 

Theo ĐẶNG NGỌC HÙNG

Pháp luật T.p Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên