MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đặt cược vào sự thay đổi trong xã hội Nhật

12-08-2014 - 08:59 AM | Tài chính quốc tế

“Nếu thực sự có một nửa dân số không có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế mặc dù họ cũng muốn làm điều đó, rõ ràng Nhật Bản có tiềm năng tăng trưởng rất lớn”.

CNBC đăng tải chùm bài viết có chủ đề “Asia tomorrow” (tạm dịch: Tương lai của châu Á) trả lời cho các câu hỏi: Châu Á đối mặt với những thay đổi chưa từng có tiền lệ như thế nào? Các nhà hoạch định chính sách châu Á đang làm gì và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư? Chúng tôi xin lược dịch series này với mong muốn đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích.

Bài viết này nói về womenomics - chính sách thúc đẩy nữ giới tham gia vào thị trường lao động  nhằm khai thác tối đa tiềm năng tăng trưởng kinh tế mà Nhật Bản đang thực hiện.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với dân số già và tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội trong kế hoạch thu hút lao động nữ tham gia vào thị trường lao động mà chính phủ Nhật đang thực hiện.

Bà Miyuki Kashima – người đứng đầu bộ phận đầu tư vào chứng khoán Nhật Bản tại công ty quản lý quỹ BNY Mellon – cho rằng bất chấp những dự đoán dân số Nhật sẽ sụt giảm mạnh trong vài thập kỷ tới, triển vọng của đất nước mặt trởi mọc vẫn rất tích cực do sẽ có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. 
“Nếu thực sự có một nửa dân số không có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế mặc dù họ cũng muốn làm điều đó, rõ ràng Nhật Bản có tiềm năng tăng trưởng rất lớn”, bà nói. 

Tăng số lao động nữ trong lực lượng lao động đã trở thành một trong những chiến lược chính của kế hoạch cải tổ kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe đang thực hiện nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi nhiều thập kỷ trì trệ. 


Ông Abe muốn Nhật Bản thay đổi lối suy nghĩ quá nghiêng về nam giới. Theo kế hoạch của ông, ít nhất 30% công chức làm việc cho chính phủ sẽ là phụ nữ. Đi kèm với kế hoạch này, Nhật Bản cũng đang tìm cách cải thiện các cơ sở chăm sóc trẻ em trên khắp đất nước. 

Kashima nhận xét rằng ông Abe đang đi đúng hướng. “Chúng ta thật sự cần sự tham gia của lao động nữ để chiến lược tăng trưởng có thể thành công. Nhật Bản đã bắt đầu dự án này bằng cách cải thiện các cơ sở chăm sóc trẻ em”. 

BNY Mellon đang triển khai một quỹ với mục đích tận dụng cơ hội đầu tư từ xu hướng này. Quỹ tập trung vào một số công ty, trong đó có các công ty sử dụng và trao cơ hội thăng tiến cho lao động nữ, các công ty trực tiếp hưởng lợi từ việc phụ nữ chi tiêu nhiều hơn và cả các công ty hưởng lợi gián tiếp như cung cấp dịch vụ chăm sóc người già. 

Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking cũng vừa có động thái tương tự. 

Theo số liệu năm 2013 của World Bank, hiện nay chỉ có 63% phụ nữ Nhật tham gia vào thị trường lao động trong khi tỷ lệ đối với nam giới là 85%. Nhật Bản xếp thứ 79 trong số 136 nước trong bảng xếp hạng của World Bank về chênh lệch giới tính trên thị trường lao động. 

Dân số già hóa cũng là nguyên nhân buộc Nhật phải gia tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. 31,86 triệu dân, tương đương 1/4 dân số, ở độ tuổi từ 65 trở lên. 


Theo tính toán của Goldman Sachs, nếu tỷ lệ tham gia của lao động nữ bằng với nam giới, GDP của Nhật Bản có thể tăng thêm tới 12,5%. 

Goldman cũng nhìn thấy những cơ hội đầu tư tốt. Ngân hàng này cho rằng các ngành được hưởng lợi bao gồm  thương mại điện tử, du lịch, thức ăn đóng hộp, nhà hàng, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và các công ty sản xuất đồ trẻ em cũng như các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc người già và trẻ em. 


Thu Hương

huongnt

CNBC

Trở lên trên