MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là quốc gia khốn khổ nhất thế giới?

23-12-2015 - 17:06 PM | Tài chính quốc tế

Tạp chí Business Insider hằng năm tổng kết các quốc gia khốn khổ nhất thế giới, dựa trên số liệu thống kê từ CIA World Factbook. Chỉ số càng cao thì quốc gia càng khốn khổ.

Chẳng gì khổ hơn khi bị mất việc trong khi chi phí sinh hoạt lại tăng vùn vụt. Đó là nhận xét rút ra từ chỉ số khốn khổ mà nhà kinh tế học Arthur Okun đã xây dựng dựa trên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát.

Trong khi có nhiều chỉ trích cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ảnh hưởng đến hạnh phúc nhiều hơn lạm phát (tức sự gia tăng giá cả tiêu dùng), thì vẫn có nhiều quan điểm ủng hộ Arthur Okun.

Tạp chí Business Insider hằng năm tổng kết các quốc gia khốn khổ nhất thế giới, dựa trên số liệu thống kê từ CIA World Factbook. Chỉ số càng cao thì quốc gia càng khốn khổ.

Sau đây là danh sách 18 quốc gia khốn khổ nhất thế giới xếp theo chỉ số khốn khổ.

18. Tunisia

Chỉ số khốn khổ: 20.1%

Tỷ lệ lạm phát: 4.9%

Tỷ lệ thất nghiệp : 15.2%

Tunisia đã từng được mệnh danh là tấm gương thành công tại châu Phi và Trung Đông, nhưng hiện nay quốc gia này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức kể từ sau cách mạng 2011. Gánh nặng lớn nhất của chính phủ là xoa dịu tâm lý bất an của doanh nghiệp và nhà đầu tư, kiểm soát thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai.

17. Jamaica

Chỉ số khốn khổ: 20.7%

Tỷ lệ lạm phát: 7.1%

Tỷ lệ thất nghiệp: 13.6%

Nền kinh tế Jamaica chủ yếu dựa vào ngành dịch vụ trong đó có du lịch. Nhưng không may, Jamaica là quốc gia có tỷ lệ tội phạm cao, tham nhũng tràn lan và tỷ lệ thất nghiệp cao có khả năng sản sinh ra nhiều tội phạm hơn.

Chính phủ quốc gia này đang phải vật lộn với “con rắn hai đầu”. Một đầu là kỷ luật tài chính được mong đợi thực hiện trong tương lai để chi trả nợ công. Đầu kia là các loại tội phạm nguy hiểm cần phải xử lý.

16.Croatia

Chỉ số khốn khổ: 20.8%

Tỷ lệ lạm phát: -0.2%

Tỷ lệ thất nghiệp: 21%

Croatia là một trong những nước Cộng hòa Nam Tư giàu có cũ, nhưng nước này từng trải qua đợt suy giảm trong khủng hoảng tài chính 2008 và đến nay chưa bao giờ hồi phục trọn vẹn. Vấn đề trọng tâm trong dài hạn là phát triển không đồng đều, môi trường đầu tư nhiều thách thức và tỷ lệ thất nghiệp luôn cao một cách “bướng bỉnh”.

15. Ukraine

Chỉ số khốn khổ: 20.9%

Tỷ lệ lạm phát: 12.1%

Tỷ lệ thất nghiệp: 8.8%

Nền kinh tế Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt khủng hoảng tài chính và cuối cùng cũng phục hồi vào năm 2010, sau đó lại nổ tung khi Nga sát nhập Crimea. (GDP giảm 6,8% trong năm 2014).

Tham nhũng và những cải cách không hiệu quả ngăn cản quốc gia này phát triển.

14. Mông Cổ

Chỉ số khốn khổ: 21.7%

Tỷ lệ lạm phát: 12.9%

Tỷ lệ thất nghiệp: 8.8%

Nền kinh tế Mông Cổ đang đứng trước những rủi ro ngắn hạn vì chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng của Chính phủ khiến lạm phát tăng cao. Đồng thời hoạt động xuất khẩu cũng diễn biến không thuận lợi.

13. Ai Cập

Chỉ số khốn khổ: 23.5%

Tỷ lệ lạm phát: 10.1%

Tỷ lệ thất nghiệp: 13.4

Nền kinh tế Ai Cập suy giảm từ năm 2011 sau khi chính trị - an ninh có nhiều biểu hiện bất ổn. Ngành du lịch và sản xuất trong nước cũng bị thương nhẹ. Thêm vào đó, doanh thu ngoại hối hạn chế và tốc độ phát triển yếu làm chao đảo tài chính công.

Gần đây, một mỏ khí đốt khổng lồ được phát hiện ở khu vực bờ biển Ai Cập.

12. Tây Ban Nha

Chỉ số khốn khổ: 24.1

Tỷ lệ lạm phát : -0.2%

Tỷ lệ thất nghiệp: 24.3%

Tình hình đang trở nên sáng sủa hơn ở Tây Ban Nha. Trong khủng hoảng tài chính,Tây Ban Nha đã ở trong tình trạng giảm phát nhưng giá tiêu dùng đang tăng trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhanh nhất lịch sử. Chi phí cho vay hiện đang thấp đáng kể so với mức đỉnh năm 2013.

11. Hy Lạp

Chỉ số khốn khổ: 25.5

Tỷ lệ lạm phát: -1.3%

Tỷ lệ thất nghiệp: 26.8%

Mùa hè vừa qua, Hy Lạp là cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở châu Âu khi mà Chính quyền Syriza đấu tranh với các chủ nợ châu Âu để dành gói cứu trợ tài chính.

Mặc dù vậy, tương lai bấn ổn của Hy Lạp trong khối Eurozone vẫn không thể nào làm an lòng các nhà đầu tư.

10. Iran

Chỉ số khốn khổ: 26.1

Tỷ lệ lạm phát: 15.8%

Tỷ lệ thất nghiệp: 10.3%

Iran hiện nay bị coi là kẻ hoang dã trên trường quốc tế. Các biện pháp trừng phạt tiềm năng được dỡ bỏ có thể mang lại nhiểu cơ hội kinh tế. Đặc biệt đối với một đất nước trẻ như Iran, dân số được giáo dục tương đối tốt và quy mô thị trường rộng lớn. Hơn nữa, dầu mỏ Iran sẽ quay lại thị trường trong thời gian tới.

9. Serbia

Chỉ số khốn khổ: 27.8

Tỷ lệ lạm phát: 1.7%

Tỷ lệ thất nghiệp: 26.1%

Serbia đang phải đối mặt với hàng tá thách thức kinh tế có tính dài hạn, trong đó có nhu cầu giải quyết việc làm, chi tiêu chính phủ ở mức cao (lương, trợ cấp và chương trình chăm sóc sức khỏe), nợ công và nợ tư nước ngoài đang tăng cao, và vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bên cạnh đó, vấn đề tham nhũng và dân số già hóa cũng đang ở trong tình trạng báo động.

8. Macedonia

Chỉ số khốn khổ: 27.9

Tỷ lệ lạm phát: -0.1%

Tỷ lệ thất nghiệp: 28%

Sau khi dành độc lập, Macedonia đã tiến khá xa nhưng quốc gia này vẫn thất bại trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài cụ thể là những người láng giềng vùng Ban-căng. Thêm vào đó, tham nhũng và hệ thống luật lỏng lẻo là hai vấn đề bóp nghẹt nền kinh tế trong dài hạn.

7. Nam Phi

Chỉ số khốn khổ: 31.1

Tỷ lệ lạm phát: 6.1%

Tỷ lệ thất nghiệp: 25%

Nam Phi là một trong những tên tuổi tiêu biểu nhất trong các thị trường mới nổi, là chữ cái viết tắt cuối cùng trong cụm BRICS. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong những năm gần đây, thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng là những vấn đề tồn đọng trong dài hạn.

6. Lesotho

Chỉ số khốn khổ: 32

Tỷ lệ lạm phát: 3.9%

Tỷ lệ thất nghiệp: 28.1%

Nền kinh tế này phụ thuộc vào ngành sản xuất dệt may, nông nghiệp và kiều hối. Điều đáng nói là khai thác kim cương đã phát triển trong những năm gần đây. Các nhà kinh tế tin rằng điều này có thể đóng góp tới 8,5% vào GDP cuối năm nay.

5. Yemen

Chỉ số khốn khổ: 35.2

Tỷ lệ lạm phát: 8.2%

Tỷ lệ thất nghiệp: 27%

Yemen là quốc gia có mức thu nhập thấp, chủ yếu dựa vào nguồn dầu mỏ đang ngày một giảm.

Hơn nữa, nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều vấn đề dài hạn bao gồm nguồn nước suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao và lương thực khan hiếm nghiêm trọng. Trên hết Yemen đang trong giai đoạn nội chiến.

4. Argentina

Chỉ số khốn khổ: 44.1

Tỷ lệ lạm phát : 36.4%

Tỷ lệ thất nghiệp: 7.7%

Nền kinh tế Argentina đang phải vật lộn với thâm hụt tài khóa đang gia tăng và bất ổn. Một nền kinh tế trì trệ, lạm phát cực kỳ cao và bạo lực do tệ nạn ma túy trở nên phổ biến.

Một mùa bầu cử mới cũng sắp đến ở Argentina.

3. Djibouti

Chỉ số khốn khổ: 62.9

Tỷ lệ lạm phát: 2.9%

Tỷ lệ thất nghiệp: 60%

Djibouti phụ thuộc chủ yếu vào trợ cấp nước ngoài nhằm hỗ trợ cán cân thanh toán và có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 60%.

Lạm phát mặc dù không phải là vấn đề nhưng vì đồng franc Djiboutian neo với đồng USD nên đồng franc Djiboutian tăng giá đã làm tổn thương cán cân thanh toán của quốc gia này.

2. Syria

Chỉ số khốn khổ: 67.8

Tỷ lệ lạm phát: 34.8%

Tỷ lệ thất nghiệp: 33%

Nền kinh tế Syria tiếp tục giảm sút. Sau các biện pháp trừng phạt quốc tế năm 2014, quốc gia này bị tổn thương nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng bị tàn phá trên diện rộng, sản xuất và tiêu thụ suy giảm. Trên hết, mỗi ngày có hàng nghìn tị nạn Syria tháo chạy khỏi quốc gia.

1. Venezuela

Chỉ số khốn khổ: 70

Tỷ lệ lạm phát: 62.2%

Tỷ lệ thất nghiệp: 7.8%

Theo Helima Croft đến từ RBC Capital Market, “Venezuela có vẻ như đi từ thất bại này đến thất bại khác.”

Giá dầu sụt giảm từ cuối năm 2014 kết hợp với cơn suy thoái đã nghiền nát nền kinh tế Venezuela. Lạm phát đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát đến mức giá của 1 chiếc iPhone 6 đã lên tới gần 47.700 USD. Hiện nay Venezuela đang tìm kiến đồng minh bên ngoài khối OPEC với hy vọng ổn định giá dầu.

Thảo Trang

Business Insider

Trở lên trên