MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Davos hoài nghi về QE của châu Âu

23-01-2015 - 15:12 PM | Tài chính quốc tế

Châu Âu cần đến chương trình nới lỏng định lượng nhưng sẽ không thể khôi phục tăng trưởng và việc làm nếu chỉ trông chờ vào QE.

Các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đang tham dự hội nghị thường niên lần thứ 45 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho rằng châu Âu cần đến chương trình nới lỏng định lượng nhưng sẽ không thể khôi phục tăng trưởng và việc làm nếu chỉ trông chờ vào QE.

“Tất cả mọi người đều trông chờ vào nới lỏng định lượng ở châu Âu, nhưng chừng đó sẽ là không đủ”, Lawrence H. Summers, giáo sư đến từ ĐH Harvard nhận định. Summers cho rằng QE ở châu Âu sẽ không hiệu quả bằng ở Mỹ bởi lãi suất ở châu Âu đã ở mức quá thấp. Các ngân hàng châu Âu cũng bị hạn chế trong khả năng chuyển đổi dòng tiền được bơm thêm thành tăng trưởng kinh tế. Ông hối thúc châu Âu hãy tập trung vào kích thích tài khóa.

Trong khi đó, Gary D. Cohn, Chủ tịch kiêm COO của ngân hàng Goldman Sachs, cho rằng thế giới đang rơi vào chiến tranh tiền tệ. Kinh tế Mỹ đã khỏe mạnh nhưng sự yếu ớt của nhiều phần còn lại của thế giới khiến Fed khó có thể nâng lãi suất. Ông nhận định đồng USD mạnh – vốn đang có tác động tiêu cực lên kinh tế Mỹ - cũng sẽ khuyến khích cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của nước Mỹ giữ lãi suất ở mức thấp. “Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tiền tệ. Cách dễ dàng hơn là kích thích nền kinh tế để làm đồng nội tệ yếu đi”.

Ray Dalio, Chủ tịch kiêm CIO của quỹ đầu cơ Bridgewater Associates, nói một đồng tiền yếu hơn sẽ là một giải pháp khả dụng cho các vấn đề của châu Âu, xét trong bối cảnh rất nhiều nước có sức cạnh tranh khá yếu. “QE và cải cách mạnh mẽ (trong đó có điều chỉnh tiền tệ) là những gì cần thiết”. Dailo cũng bày tỏ lo ngại rằng các NHTW ở châu Âu đã mất đi công cụ truyền thống để kích thích kinh tế khi lãi suất quá thấp. “Giờ đây chính sách tài khóa phải thống nhất với chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ giúp tài trợ vốn cho thâm hụt ngân sách là một con đường đáng để xem xét”.

“Tây Ban Nha là một mô hình đáng để học tập về tái cấu trúc. Tăng trưởng thường đi kèm với các quốc gia cải cách thành công, giống như Trung Quốc trong quá khứ’, Dalio bổ sung thêm.

Cùng chung quan điểm này, Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde cũng biểu dương quá trình cải cách của Tây Ban Nha. Bà cho rằng liên minh tiền tệ ở châu Âu còn khá non trẻ nhưng cũng đã hành động khá nhanh trong 5 năm vừa qua. “Tôi tin tưởng rằng châu Âu có thể hoàn thành kế hoạch về liên minh tài khóa và liên minh ngân hàng”, bà nói.

>>> 5 điều cần biết về QE "theo kiểu ECB"

Thu Hương

Thu Hương

World Economic Forum

Trở lên trên