MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đế chế kinh doanh bí mật của cựu Thủ tướng Anh

10-04-2013 - 08:36 AM | Tài chính quốc tế

Kể từ khi thôi chức, Blair và các công ty của ông đã kiếm được ít nhất 90 triệu USD (gần 1.900 tỷ VNĐ).

Đế chế của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nay đóng đô tại một văn phòng ở Quận Mayfair, London. “Nếu bạn thành Thủ tướng và rời ghế ở tuổi ngoại ngũ tuần, thì bạn sẽ làm gì? Chơi golf à? Tôi nghĩ đến mà chết khiếp,” Blair nói.

Năm nay mới 59 tuổi, Blair hiện là một nhà đàm phán, một nhà từ thiện hàng đầu. Ông kiểm soát một mạng lưới các công ty và quỹ từ thiện hoạt động ở trên 20 nước, với nguồn vốn hoạt động lấy từ các nguồn cả công lẫn tư.

Kể từ năm 2007, Blair và các công ty của ông đã kiếm được ít nhất 59 triệu Bảng (90 triệu USD). Các quỹ từ thiện của ông đã quyên góp được 25,5 triệu Bảng. Năm ngoái, công ty Winrush Ventures đạt doanh thu kỷ lục 16 triệu USD.

Chỉ riêng ngân hàng JPMorgan Chase đã trả vị cựu TTg Công đảng ít nhất 10 triệu Bảng kể từ tháng 1/2008.

Kỳ nghỉ hưu của Tony Blair

Từ ngai vàng mới của mình, những vị trí lương bổng hậu hĩ của Blair khiến người Anh chẳng mấy hài lòng, nhất là khi họ vốn không ưa gì đường lối ngoại giao phiêu lưu của ông thời còn tại nhiệm.

Kể từ năm 2007, Blair và các công ty của ông đã kiếm được ít nhất 90 triệu USD.

Blair là cố vấn được trả lương của Abu Dhabi Executive Affairs Authority, tổ chức do Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan làm Chủ tịch. Ông đang giúp dàn xếp các thương vụ của quỹ tài sản nhà nước China Investment.

Blair cũng đang tư vấn cho Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev với giá 8 triệu Bảng/năm kể từ mùa xuân năm 2011, bao gồm cả phí trả cho công ty PR Portland Communications do cựu Phó Thư ký báo chí Tim Allan thành lập.

Năm 2012, Blair ký hợp đồng với Thống đốc bang Sao Paulo, Brazil, ông Geraldo Alckmin, để lập mội đội tư vấn giúp hiện đại hóa các dịch vụ công của bang này.

Tới giữa tháng 3, Blair sắp ký mới một hợp đồng tư vấn nữa với chính phủ Kuwait và đang thương thảo một số hợp đồng tương tự với các nước Châu Á và Mỹ Latin.

“Tốt cho ông ta thôi,” Thượng nghị sỹ Công đảng Meghnad Desai nói. “Tôi thà nhìn cựu Thủ tướng làm cái gì đó hữu dụng còn hơn ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón khi mà chả ai cần tới ông ta,” ông nói thêm.

Những mối quan hệ ở tầm cao cùng tài thương thuyết sắc bén của Blair khiến ông trở thành “hàng hot” trong một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ: tài chính.

Tài chính mù mờ

Trong mạng lưới các công ty của Blair, giữ vị trí trung tâm là hai công ty hợp danh vốn không phải công bố thông tin tài chính theo luật Anh: Windrush Ventures No. 3 và Firerush Ventures No. 3.

Vì Blair không muốn công khai, nên khó biết ông thực sự kiếm được bao nhiêu tiền kể từ khi rời nhiệm sở.

Tiền chuyển từ công ty này sang công ty khác vì những lý do không thể nào hiểu nổi đối với người ngoài cuộc. Ví dụ như tới ngày 30/4/2012, Firerush Ventures đã vay 822.000 Bảng Anh từ Windrush Ventures theo một hợp đồng vay nợ có hoán đổi cổ phần.

Cùng năm, Firerush Ventures còn nhận 1,6 triệu Bảng Anh “phí dịch vụ quản lý” từ Firerush Ventures No. 2 và tới cuối năm có 1,2 triệu Bảng trong ngân hàng.

“Chẳng có lý do gì phải làm mọi thứ phức tạp lên đến thế trừ khi bạn muốn giảm thuế hoặc che dấu thứ gì đó,” cựu thanh tra thuế Adrian Huston nói.

Blair nhún vai nở nụ cười khi có người gợi ý có phải ông đang cố trốn thuế không.

“Nhận được khoản nào là tôi nộp đủ 50% thuế khoản đó,” ông nói.

Không như giới nhà giàu Anh Quốc kiếm tiền ở ngoài nước và tìm cách né thuế bằng cách ở lại luôn nước ngoài, Blair nói ông luôn là cá nhân cư trú tại Anh cho mục đích tính thuế.

Lý do có những giao dịch phức tạp kể trên thật đơn giản, ông nói.

“Chúng tôi muốn mọi thứ thật bí mật. Có những dạng phóng viên luôn đi theo sau bất kỳ ai có liên hệ với tôi.”

Đến nay, công chúng chỉ biết các công ty của ông đã ghi nhận hơn 45 triệu Bảng doanh thu kể từ tháng 12/2007. Bên cạnh đó, ông còn được trả 13 triệu Bảng trong 5 năm qua để làm tư vấn cho JPMorgan và Zurich Insurance Group.

Tony Blair còn nhận tiền phí tư vấn từ Khosla Ventures. Công ty này do nhà sáng lập Sun Microsystems, ông Vinod Khosla, thành lập năm 2004 chuyên để đầu tư vào công nghệ sạch.

Tại JPMorgan, mỗi năm Blair nhận 2 triệu Bảng tiền phí để làm nhiệm vụ “giới thiệu” và tư vấn chính trị cho CEO Jamie Dimon khi ngân hàng này cố mở rộng ra nước ngoài.

Với Zurich Insurance, ông kiếm 500.000 Bảng mỗi năm “để đưa ra những lời hướng dẫn về xu hướng phát triển trong môi trường chính trị quốc tế và các hệ quả tiềm năng đối với chiến lược kinh doanh của Zurich,” phát ngôn viên của công ty nói.

Blair là một diễn giả được trả rất hậu, dù ông chưa bao giờ xác nhận số tiền mình được trả. Trong hội nghị các quỹ đầu cơ tại resort Fontainebleau ở Miami, Florida ngày 31/1 vừa qua, ông được trả tới 300.000 USD chưa kể chi phí ăn ở đi lại.

Hương Giang

tuannm

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên