MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến lượt Royal Bank of Scotland bị điều tra giao dịch với Iran

22-08-2012 - 08:11 AM | Tài chính quốc tế

Theo thông tin được đăng tải trên Financial Times, Mỹ đang tiến hành điều tra ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) vì nghi ngờ ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.

Theo 1 số nguồn tin thân cận, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tư pháp đang tiến hành điều tra RBS sau khi ngân hàng đến từ nước Anh tự nguyện cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng Mỹ và Anh cách đây 18 tháng.  

Cũng theo nguồn tin trên, RBS đã thực hiện thanh tra nội bộ không lâu sau khi CEO hiện nay - Stephen Hester – lên nắm quyền cách đây 3 năm. Cuộc thanh tra này vẫn đang diễn ra và chính là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của giám đốc quản lý rủi ro. 

Cuộc điều tra này cũng là sự vụ mới nhất trong số các vấn đề mà RBS gặp phải trong thời gian gần đây bao gồm sự cố công nghệ thông tin, sai sót trong việc bán các sản phẩm tài chính phục vụ doanh nghiệp nhỏ và thâu tóm lãi suất Libor. 

2 năm trước, RBS cũng phải nộp phạt 500 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ sau khi thú nhận rằng ABN Amro, ngân hàng mà RBS mua lại hồi năm 2007, đã vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, Libya, Sudan và Cuba.

RBS từ chối bình luận về sự việc này. Tuy nhiên, trong báo cáo 6 tháng đầu năm, RBS cho biết đang có những thảo luận bước đầu với giới chức Anh và Mỹ về việc tuân thủ các qui định luật pháp, trong đó có lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ. RBS cũng bổ sung răng chi phí điều tra hoặc những nghĩa vụ phát sinh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tài sản ròng, kết quả kinh doanh và dòng tiền của tập đoàn này trong 1 thời gian nhất định. 

Như vậy, đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi sự kiện các ngân hàng của Anh, châu Âu và Nhật Bản bị các cơ quan chức năng điều tra do thực hiện giao dịch đồng USD với Iran và vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Mới tuần trước, Standard Chartered đã đồng ý nộp phạt 340 triệu USD cho Phòng quản lý tài chính New York (DFS). 

Tuy nhiên, không giống như Standard Chartered, RBS không bị điều tra bởi Benjamin Lawsky, người đứng đầu DFS và cũng là người phản ứng gay gắt nhất trong vụ việc của Standard Chartered. 

Thu Hương

huongnt

FT

Trở lên trên