MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Detroit phiên bản Trung Quốc

05-08-2013 - 15:19 PM | Tài chính quốc tế

Thành phố Trung Quốc nào sẽ trở thành “đứa con ốm yếu” khi quả bom nợ địa phương trị giá nhiều tỷ USD nổ tung?

Thành phố nào của Trung Quốc sẽ giống với Detroit? Trước đây, câu trả lời cho câu hỏi này sẽ là một danh sách các thành phố có ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh. Tuy nhiên, kể từ khi Detroit nộp đơn phá sản ngày 18/7, câu hỏi trên đã biến thành: thành phố Trung Quốc nào sẽ trở thành “đứa con ốm yếu” khi quả bom nợ địa phương trị giá nhiều tỷ USD nổ tung?


Năm 2010, Văn phòng kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NAO) thông báo các chính quyền địa phương Trung Quốc có số nợ lên tới 1.730 tỷ USD với phần lớn là các khoản vay phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn theo công ty chứng khoán Huatai, nợ địa phương sẽ tăng lên mức 2.630 tỷ USD vào cuối năm nay, tương đương với 29% GDP. Đợt kiểm toán được thực hiện năm 2012 tại 36 địa phương cho thấy số nợ 624,6 tỷ USD. Như vậy, có một vài thành phố Trung Quốc có số nợ bằng (hoặc thậm chí lớn hơn) con số 18 tỷ USD đã nhấn chìm Detroit. 


Nợ của các địa phương vốn là vấn đề đã được nhắc đến khá nhiều ở Trung Quốc trong một vài năm gần đây. Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần kể từ khi Detroit nộp đơn xin phá sản, cách đánh giá đã thay đổi. Bị ảnh hưởng một phần bởi những hình ảnh về một Detroit ngày càng mục nát, truyền thông Trung Quốc tỏ rõ sự lo lắng về khối nợ khổng lồ. 

Hầu hết các nhà phê bình đều cẩn trọng nêu lên những điểm khác biệt trong nguyên nhân và hệ quả của cuộc khủng hoảng nợ ở cả hai đất nước. JollyRoger398 – một tài khoản trên  Sina Weibo – cho rằng do hệ thống chính phủ của Mỹ và Trung Quốc là khác nhau, các quan chức Trung Quốc sẽ không bao giờ phải chịu trách nhiệm nếu một địa phương vỡ nợ. 

Bên cạnh đó, phần lớn nợ địa phương ở Trung Quốc được nắm giữ bởi các doanh nghiệp nhà nước. Không giống như các chủ nợ của Detroit, các tổ chức này không cần được hoàn trả. Một tài khoản khác trên Sina Weibo viết: “Các chính quyền địa phương giống như những công ty trách nhiệm vô hạn. Cho dù số tiền vay nợ lớn đến đâu, không ai có trách nhiệm hoàn trả. Kết quả là vấn đề chìm nghỉm. Không ai biết thực sự thì rủi ro lớn đến đâu và cách giải quyết là gì”. 

Cây bút Mao Xiaogang của tờ Beijing Daily đưa ra những nhận định tương tự trong bài viết có tiêu “Detroit’s bankruptcy is a warning to us as well” (tạm dịch: Detroit vỡ nợ là một lời cảnh báo đối với chúng ta). Mao Xiaogang cẩn trọng lưu ý rằng sự phát triển của thị trường bất động sản đóng một vai trò quan trọng trong xu hướng bùng nổ nợ ở địa phương: 

“Vấn đề nợ địa phương của Trung Quốc hoàn toàn khác so với Mỹ". Ví dụ, nợ của Detroit xuất phát từ gánh nặng lương hưu, chi phí chăm sóc y tế và trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, nợ của Trung Quốc xuất phát từ việc cố gắng tăng GDP bằng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, văn phòng, khách sạn và các tòa nhà chính phủ. Phúc lợi xã hội chỉ là thứ yếu. 

Tuy nhiên, cả hai nước đều có một kết cục chung là thâm hụt ngân sách. Nếu như bong bóng nợ địa phương vỡ, cả Trung Quốc và Mỹ đều phải đối mặt với những hệ lụy không lường trước được. 

Trong khi đó, nhiều người Trung Quốc rút ra được bài học thực tế hơn: kinh tế địa phương cần phải đa dạng hóa. Theo Lu Shangbin – giáo sư đến từ đại học Wuhan – nhận định sẽ là rất nguy hiểm nếu như chỉ dựa vào duy nhất một ngành công nghiệp. “Thành phố ô tô”, “thành phố than đá”, “thành phố dầu mỏ”, “thành phố đồng”, “thành phố thép” có thể sẽ phải đối mặt với kịch bản tồi tệ hơn nhiều so với Detroit nếu như họ không thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. 

Sự cấp bách của việc ngăn chặn kịch bản vỡ nợ là có thực: ngày 28/7 vừa qua, NAO phát hành thông báo cho biết đang tiến hành kiểm toán nợ trên phạm vi toàn quốc. NAO sẽ tạm ngưng tất cả các hoạt động khác và bắt đầu thực hiện kiểm toán từ ngày 29/7. 

Thiên Bình

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên