MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi tìm biện pháp đánh thuế tối ưu

06-04-2014 - 08:11 AM | Tài chính quốc tế

Vấn đề khó khăn nhất trong việc thu thuế là xác định đâu là nguồn mà lợi nhuận được tạo ra.

Mối quan hệ giữa các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước là mối quan hệ như thế nào? Làm cách nào để phát triển mối quan hệ này sao cho cả hai bên cùng có lợi? Đó chính là chủ đề của báo cáo đặc biệt được tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist thực hiện mà chúng tôi xin lược dịch và mong muốn giới thiệu tới bạn đọc.

Có 3 yếu tố cơ bản khi xây dựng thuế doanh nghiệp là địa phương, nguồn và đích. Địa phương là điểm xuất phát, nơi lập nghiệp của chủ doanh nghiệp. Nguồn là nơi hàng hóa và dịch vụ được sản xuất. Đích là nơi hàng hóa được tiêu thụ. Ví dụ, một công ty có nguồn gốc từ Mỹ sản xuất thuốc tại một công ty con ở Ireland, và bán ở Pháp. Mỹ là địa phương, Ireland là nguồn, Pháp là đích đến. Ba nước trên đều nhận được một phần thu nhập thuế.

Thuế doanh thu hay thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ tập trung vào đích đến -  Pháp. Một hệ thống dựa trên lợi nhuận sẽ tập trung vào yếu tố nguồn – Ireland. Mặt khác, khi các cổ đông muốn nhận được cổ tức hoặc thu được lợi nhuận, hệ thống dựa trên thuế cá nhân sẽ tập trung vào địa phương – Mỹ. Trên thực tế, ba nhân tố trên đều được vận dụng hài hòa.

Vấn đề khó khăn nhất trong việc thu thuế là xác định đâu là nguồn mà lợi nhuận được tạo ra. Các công ty con thuộc các công ty đa quốc gia thường giao dịch với nhau. Mối nguy hại đến từ việc họ có khả năng bóp méo thị trường thông qua “chuyển giá”, các công ty con ở nước có mức thuế thấp sẽ gánh bớt thuế cho các công ty ở nước có thuế cao, do đó tối ưu hóa lợi nhuận trong phạm vi áp dụng mức thuế thấp nhất. Đối mặt với vấn đề này, cơ quan thuế quan yêu cầu các giao dịch nội bộ công ty phải được kê khai rõ ràng, minh bạch, điều này có nghĩa chi phí giao dịch nội bộ phải cân bằng với giao dịch bình thường với các doanh nghiệp khác.

Nguyên tắc này dễ dàng áp dụng với các hàng hóa tiêu chuẩn như hàng tiêu dùng, nhưng sẽ khó khăn hơn khi áp dụng lên các hàng hóa chuyên dụng. Khi một nhà bán lẻ đa quốc gia sử dụng phương pháp nhượng quyền kinh doanh (franchise), sự thành công của giao dịch này phụ thuộc khá lớn vào sức mạnh của thương hiệu nhượng quyền và người tiếp nhận phải trả chi phí nhất định để sử dụng thương hiệu. 

Các “giá trị sở hữu trí tuệ” của công ty được đặt tại các công ty con ở các nước thuế thấp. “Trong lịch sử, có rất ít trở ngại trong việc công ty truyền bá giá trị sở hữu trí tuệ của mình tới bất kỳ địa phương nào trên thế giới, thu mức phí đánh thuế cao cho quyền sử dụng giá trị đó” – Ben Jones, luật sư thuộc công ty Eversheds đã nói. Đây là một cách hoàn toàn hợp pháp để tránh thuế.

Một giải pháp khác là chuyển nguồn các khoản nợ mượn từ công ty con ở khu vực có mức thuế thấp vào các công ty con thuộc khu vực bị đánh thuế cao. Lãi suất thường được cho vào danh mục giảm thuế, do vậy biện pháp này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng hóa đơn thuế cho cả tập đoàn.

Các biện pháp trên đã vô hình tạo nên “trò mèo vờn chuột”, mỗi khi chính phủ cố gắng đưa ra các biện pháp ngăn chặn, các công ty lại tìm ra cách mới để lách luật. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định nhu cầu cấp hiện nay là cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp. Tại Anh, theo cuộc khảo sát Mirlees năm 2010 được tổ chức bởi nhà kinh tế học đạt giải Nobel Hòa bình James Mirrlees, hệ thống thuế hiện tại không chỉ “ngốn” một khoản lớn từ các công ty quốc tế, mà còn tiêu tốn chi phí hành chính đắt đỏ không cần thiết từ các cơ quan thuế.

Trong cuốn sách được xuất bản năm 2005 – “Cải cách thuế doanh nghiệp ở Mỹ”, Gary Hufbauer và Paul Grieco đến từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc té Washington.DC cho rằng: “Doanh thu từ thuế doanh nghiệp không giúp ích cho nước Mỹ. Nó trói chặt đất nước trong việcphát huy sức cạnh tranh toàn cầu; nó không thúc đẩy sự công bằng,  đó chỉ là lời biện minh khi xuất hiện đầy rẫy các nguy cơ làm giảm hiệu quả công việc, có thể gây ra hậu quả tệ hơn trong tương lai.”

Câu hỏi đặt ra là liệu có ý nghĩa gì khi đánh thuế lên lợi nhuận của doanh nghiệp hay không. Mỗi công ty là một thể chế pháp lý; nếu nó bị đánh thuế nó sẽ đẩy gánh nặng thuế lên các cổ đông (làm giảm bớt cổ tức); lên người lao động (giảm lương) hay chuyển lên người tiêu dùng (làm tăng giá sản phẩm). Nếu chính phủ thực sự muốn đánh thuế các cổ đông, người lao động hay người tiêu dùng, tốt nhất là nên đánh thuế trực tiếp.

Các công ty Mỹ có những biện pháp đáp trả. Sự thay đổi lớn nhất trong quản trị doanh nghiệp nước này là sự xuất hiện cấu trúc kinh doanh mới - mối quan hệ hợp tác có tên là “phương pháp thông qua”. Giả sử tất cả lợi nhuận hàng năm được hoàn lại thành vốn đầu tư cho các cổ đông, cách làm này sẽ tránh phải đóng thuế doanh nghiệp. Các quan hệ hợp tác như trên đang dần thay thế cấu trúc doanh nghiệp truyền thống tại Mỹ.

Tuy vậy, cách làm này sẽ dẫn đến hệ thống thuế 3 lớp. Các “mối quan hệ hợp tác” giúp tránh thuế đánh lên lợi nhuận doanh nghiệp. Các công ty đa quốc gia làm giảm thuế bằng cách chuyển quá trình sản xuất và lợi nhuận đến khu vực thuế thấp. Người thiệt hại là các doanh nghiệp nhỏ khi họ có ít lựa chọn nhất.

Tình hình càng trở nên tồi tệ khi chính phủ càng cố gắng trấn áp các biện pháp tránh thuế của các công ty đa quốc gia, hệ thống thuế lại càng trở nên phức tạp, làm tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp nhoe. Theo Liên đoàn các doanh nghiệp quốc gia – một nhóm vận động hành lang ở Mỹ, năm trong số mười mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp nhỏ đều liên quan đến thuế.

Thời gian có thể giúp làm dịu căng thẳng. Với các doanh nghiệp đã thành công tránh thuế hay các nhà nước đang tìm cách hạ thấp mức thuế để thu hút đầu tư nước ngoài, thế giới chỉ có thể chúng tiếp tục phát triển. Trong 50 đến 100 năm nữa, tình trạng này có thể tự động biến mất. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng đây chỉ là một dạng cải cách tạm thời.

Tuy nhiên, việc loại bỏ thuế doanh nghiệp có thể phản tác dụng, làm xuất hiện các hình thức tránh thuế mới. “Nếu bạn xóa bỏ thuế doanh nghiệp, nó sẽ khiến mọi người giữ tiền trong công ty và phải gánh thêm thuế thu nhập cá nhân” – Bill Galle đến từ trung tâm nghiên cứu Brooking đã nói. Ngài Pascal Saint-Amans – từ tổ chức OECD, cho rằng việc đánh thuế lên lợi nhuận có tác dụng như thuế khấu trừ; nếu nó bị xóa bỏ doanh thu có thể bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều cổ đông bao gồm các quỹ hưu trí được ưu tiên miễn thuế, hoặc là họ có trụ sở ở nước ngoài, tại các khu vực có mức thuế thấp; do vậy họ hầu như không có đóng góp gì.

Trong khi chờ các cải cách có hiệu quả, các báo cáo từ OECD chỉ ra một số giải pháp thay đổi hữu hiệu trong việc ngăn chặn tránh thuế.  Trong đó yêu cầu có sự tham gia từ các tổ chức hợp tác quốc tế; nếu một số nước từ chối tham gia, họ sẽ là nơi tập trung các khoản thu thuế khổng lồ, làm giảm doanh thu thuế cho phần còn lại của thế giới. Một vài chuyên gia bày tỏ sự bi quan khi nhắc đến các triển vọng. Ông Hufbauer cho rằng một hội đồng chính phủ ở Mỹ đã dành hơn 50 năm để nghiên cứu phương pháp phân chia các loại thuế tại các bang khác nhau, nhưng vẫn chưa thành công. Lý do được đưa ra liên quan đến việc cản trở các giao dịch kinh doanh quốc tế. 

Thảo Phương

huongnt

Economist

Trở lên trên