MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh các nước đã dỡ bỏ cấm vận với Myanmar

22-04-2012 - 19:16 PM | Tài chính quốc tế

Trước những động thái cải cách mạnh mẽ của Myanmar, trong thời gian gần đây các nước trên thế giới trong đó có nhiều nền kinh tế lớn đã lần lượt dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Ngày 30-11-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Myanmar trong chuyến thăm cấp nhà nước cao nhất của Mỹ trong vòng nửa thế kỷ qua nhằm thúc đẩy sự cải cách ở một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới này. Trong chuyến thăm lịch sử, bà Clinton đã gặp tổng thống Myanmar Thein Sein, một cựu tướng lĩnh hiện đang được coi là người đứng đầu cải cách. Bà cũng đã đến thành phố Yangon, cố đô và là thành phố chính của Myanmar, để gặp nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi.

Ngày 13/4, thủ tướng Anh David Cameron đã có chuyến thăm đến Myanmar . Ông Cameron  trở thành vị thủ tướng Anh đầu tiên đến thăm Myanmar trong hơn 60 năm qua đồng thời là vị lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến nước này sau khi Myanmar liên tục thực hiện các biện pháp cải cách.

Trong chuyến thăm mang tính bước ngoặt này, thủ tướng Anh đã kêu gọi các nước dỡ bỏ các biện pháp bao vây trừng phạt đối với Myanmar.

Cùng ngày, Hội nghị các ngoại trưởng 8 nước công nghiệp phát triển (G8) gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada, Italy và Nga đã xem xét dỡ bỏ cấm vận Myanmar sau khi nước này thực hiện một loạt các biện pháp cải cách và bầu cử dân chủ. Các bộ trưởng sẽ xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt để giúp nước này cải cách và hòa nhập toàn diện với tiến trình chính trị và kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới, tuyên bố có đoạn viết.

Na Uy là nước đầu tiên tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Myanmar, song vẫn duy trì lệnh cấm vận vũ khí và trang bị quân sự. Tuyên bố này đã được Ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Stoere thông báo ngày 15-4 tại thủ đô Oslo.

Tiếp theo sau đó, Chính quyền Úc ngày 16-4 thông báo sẽ dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh và hoạt động tài chính đối với Tổng thống Myanmar Thein Sein và hơn 200 nhân vật khác sau những kết quả cải cách đáng khích lệ ở nước này. Theo tuyên bố của  ngoại trưởng Bob Carr, số quan chức Myanmar trong danh sách cấm vận sẽ giảm từ 392 xuống gần 130 người. Những người chưa được nới lỏng lệnh cấm bao gồm một số quan chức cao cấp của quân đội và các nhân vật bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Ngày 18-4, văn phòng Giám sát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã phát đi một thông cáo cho biết tùy thuộc vào những hạn chế nhất định, các lệnh trừng phạt sẽ được nới lỏng để cho phép các dự án đáp ứng những nhu cầu con người cơ bản, xây dựng nền dân chủ và quản lý, giáo dục, tôn giáo, thể thao hiệu quả cũng như phát triển phi thương mại tại quốc gia này.  

Ngoài ra, Mỹ cũng dự định nới lỏng các giới hạn để cho phép đầu tư tại quốc gia này cũng như xuất khẩu các dịch vụ tài chính khác. Hiện Mỹ vẫn duy trì trừng phạt cứng rắn đối với thương mại của Myanmar.

Ngày 19-4, các nước thuộc liên minh châu Âu đã nhất trí sẽ dừng tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar, ngoại trừ cấm vận vũ khí trong thời hạn 12 tháng. Theo một quan chức ngoại giao, khoảng thời gian 12 tháng sẽ cho phép đánh giá sự bền vững của quá trình cải cách ở Myanmar. Quyết định chính thức sẽ được đưa ra tại hội nghị các ngoại trưởng EU diễn ra tại Luxembourg vào thứ hai tới (23/4).

Mới đây nhất, ngày 21-4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thông báo Tokyo xóa khoản nợ 303,5 tỷ yen (tương đương 3,77 tỷ USD) cho Myanmar nhằm hỗ trợ tiến trình cải cách đang diễn ra sâu rộng tại quốc gia Đông Nam Á này. Đồng thời, Nhật cũng sẽ cho Myanmar vay với lãi suất thấp. Tuyên bố này được đưa ra trong chuyến thăm củaTổng thống Myanmar Thein Sein tới Nhật Bản. Với quyết định trên, Nhật Bản là nước đầu tiên trong số các nước phát triển xóa nợ cho Myanmar kể từ khi Tổng thống Thein Sein thành lập chính phủ dân sự tháng 3/2011. 

Thu Hương

huongnt

Tổng hợp

Trở lên trên