MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì có thể cứu được nền kinh tế Nhật Bản?

12-11-2012 - 17:08 PM | Tài chính quốc tế

Sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản giờ đây đang phụ thuộc nhiều hơn vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Lần đầu tiên kể từ thảm họa động đất sóng thần năm ngoái, nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm trong quý III vừa qua. Diễn biến này cũng khiến NHTW Nhật Bản buộc phải thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các gói kích thích trong nước sẽ không thể giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng hiện nay. Sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản giờ đây đang phụ thuộc nhiều hơn vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. 

Theo Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế cao cấp tại JP Morgan, lực cầu trên phạm vi toàn cầu (đặc biệt là ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu) chính là nhân tố quan trọng và hiệu quả nhất đối với sức tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản.  Nếu như nhu cầu bên ngoài không tăng lên, những gì mà chính phủ hoặc NHTW Nhật Bản thực hiện sẽ là không đủ để ngăn chặn 1 cuộc suy thoái mới. 

Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế tại chi nhánh Hồng Kông của HSBC, cũng đồng tình với quan điểm này. Bà cho rằng chính quá trình phát triển kinh tế trong 1 thập kỷ qua cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang rất phụ thuộc vào xuất khẩu và nhu cầu bên ngoài. “Mặc dù đây là điều đáng buồn, nhưng Nhật Bản sẽ phải chờ các nền kinh tế khác phục hồi và sau đó mới có thể chứng kiến kinh tế của chính nước này khởi sắc”. 

Theo số liệu được công bố hôm nay (12/11), GDP quý III của Nhật Bản đã suy giảm 0,9% so với quý trước và giảm tổng cộng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức trùng khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế đang chậm lại và Nhật Bản còn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng trên quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc. 

Thậm chí, các chuyên gia kinh tế còn dự báo nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục suy giảm hơn nữa trong quý IV và chỉ có thể phục hồi vào nửa đầu năm 2013. 

George Boubouras, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của UBS Wealth Management, điều có thể gây nên hiệu ứng tích cực nhất đối với nền kinh tế Nhật Bản chính là nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2013.  

Tác dụng của gói kích thích

Trong tháng 10 vừa qua, NHTW Nhật Bản đã 2 lần liên tiếp thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng qui mô chương trình mua tài sản thêm 138,5 tỷ USD. Tuy nhiên, dường như các gói nới lỏng chỉ có tác động rất nhỏ lên thị trường. Thậm chí, đồng yên còn tăng giá và gây áp lực lên xuất khẩu. 

Kể từ đầu năm đến nay, đồng yên đã tăng 3% so với đồng USD. Đồng yên mạnh khiến hàng hóa xuất khẩu của nước này trở nên đắt đỏ và do đó sức cạnh tranh cũng bị suy giảm. 

Trong quý III, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ quý II năm 2011. 

Theo Devalier, hi vọng các gói nới lỏng tiền tệ có thể ngay lập tức thúc đẩy tăng trưởng là điều hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Bà cũng bổ sung thêm rằng với các gói kích thích gần đây được triển khai ở nhiều nước, các nền kinh tế sẽ có thể phục hồi (đặc biệt là ở Trung Quốc) cùng với sự phục hồi của mảng tiêu dùng trong nước, kinh tế Nhật Bản có thể thoát khỏi suy thoái. 

Minh Anh

huongnt

CNBC

Trở lên trên