MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Dìm” kênh đào Panama

01-07-2013 - 07:22 AM | Tài chính quốc tế

Có quá nhiều rào cản về tài chính, kỹ thuật và dự báo tương lai ngành hàng hải dẫn đến nghi vấn tính khả thi của siêu dự án kênh đào Nicaragua.

Người phát ngôn của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Kênh đào Nicaragua Hồng Kông (HKND), ông Ronald Maclean-Abaroa, tuyên bố: “Đây sẽ là dự án lớn nhất châu Mỹ Latin trong 100 năm qua. Nếu thực hiện được dự án này - ngoài con kênh còn có 2 khu mậu dịch tự do, 1 ống dẫn dầu, 1 sân bay và 1 tuyến đường sắt - không chỉ Nicaragua mà cả khu vực cũng sẽ thay đổi lớn”.

Lo ngại thảm họa môi trường

Kênh đào Nicaragua dài gấp 3 lần kênh đào Panama (khoảng 280 km), là công trình hạ tầng cơ sở lớn nhất từ trước tới nay. Nó sẽ ngốn một nguồn vốn khổng lồ và vô cùng phức tạp về mặt kỹ thuật, khai thác. Liệu HKND, một công ty bí ẩn, có đủ tiềm lực thu hút đầu tư, kinh nghiệm xây dựng và vận hành siêu dự án?

Cũng như bất cứ công trình xây dựng lớn nào, vấn đề môi trường là rào cản số 1, đặc biệt khi nó đụng đến hồ nước ngọt Nicaragua lớn nhất Trung Mỹ - rộng 8.264 km2. Dự án còn mập mờ về hướng đi nhưng hầu như chắc chắn sẽ chẻ hồ Nicaragua ra làm hai và có những tác động tiêu cực nhất định. Hồ này là nguồn nước ngọt chủ yếu không chỉ của Nicaragua mà còn cho cả các nước Trung Mỹ.

Nếu xây dựng, kênh đào chắc chắn sẽ tác động lớn đến hồ Nicaragua Ảnh: PREZI.COMS

Website HKND khoe rằng đã mướn ERM - “một trong những tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới về môi trường” - nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường và xã hội của dự án. Tuy nhiên, tổ chức của Anh này im bặt trước báo giới.

Victor Campos, Phó Giám đốc tổ chức môi trường Humboldt Center, phát biểu trên AP: “Chúng ta chỉ có 1 trong 2 lựa chọn: Hoặc dùng hồ nước để vận chuyển hàng hóa bằng tàu thuyền hoặc dùng để uống. Không thể bắt cá hai tay!”. Hồ nước Nicaragua có 2 khu bảo tồn thiên nhiên Cerro Silva và Punta Gorda, nơi sinh sống của hàng trăm loài thú và thủy sản cần được bảo vệ, bảo tồn.

Chính cố vấn môi trường của Chính phủ Nicaragua, ông Jaime Incer, cũng cảnh báo: “Chúng ta cần suy xét cặn kẽ trước khi khởi công dự án bởi phát triển bền vững là quan trọng hơn hết”. Liên minh Biến đổi khí hậu Nicaragua, nơi tập hợp 20 tổ chức môi trường, lo ngại HKND lạm quyền vì được giao toàn quyền mở rộng, nạo vét, giảm khối lượng nước hồ. Vì lợi nhuận, công ty này có thể bất chấp thảm họa môi trường.

Không dễ thành công

Trong khi đó, HKND quả quyết: “Trong vòng 16 năm, khối lượng mậu dịch qua kênh đào Nicaragua sẽ tăng 240%”. HKND lập luận rằng Trung Quốc đang trở thành công xưởng thế giới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc sẽ gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng tàu container khổng lồ - vượt quá khả năng kênh đào Panama, trong khi kênh đào Nicaragua hoàn toàn đáp ứng được.


Bà Rosalyn Wilson: “Tôi thấy dự án kênh đào không hiệu quả”. Ảnh: DELCAN

Nhiều chuyên gia về hàng hải tỏ ý nghi ngờ về đánh giá và dự báo của HKND. Trên tờ USA Today, bà Rosalyn Wilson, nhà phân tích cao cấp về vận chuyển hàng hóa của Delcan, công ty tư vấn hàng hải có trụ sở ở Toronto - Canada, nhận định: “Kinh tế toàn cầu đang đi xuống, nhu cầu về tàu chở hàng siêu tải cũng giảm theo (5% tàu loại này đang thất nghiệp, vài năm tới có thể tăng lên 20%). Hơn nữa, biến đổi khí hậu cho thấy nếu đi vòng qua Bắc Cực, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn kênh đào ở Trung Mỹ. Trong tình hình tăng trưởng kinh tế có nhiều biến đổi như hiện nay, tôi thấy dự án kênh đào Nicaragua không hiệu quả. Tôi sẽ không bỏ tiền đầu tư vào dự án này”.

Chuyên gia cơ sở hạ tầng hàng hải Paul Bingham của Công ty CDM Smith đánh giá: “Nói tăng trưởng mậu dịch thì quá dễ nhưng không có nghĩa Nicaragua có thể cạnh tranh với Panama. Tôi không tin dự án này thành công”. Theo ông, khi Panama hoàn tất chương trình mở rộng kênh đào, tăng gấp đôi lưu lượng tàu vào năm 2015, kênh đào Nicaragua khó có cửa cạnh tranh, nhất là khi dự báo về các con tàu siêu trọng không lạc quan như người Trung Quốc tưởng.

Thực hiện bá quyền

Trong khi đó, ông Roberto Troncoso, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nicaragua, tin rằng dự án kênh đào thể hiện rõ ý đồ “dìm” kênh đào Panama. Theo doanh nhân này, Trung Quốc muốn thực hiện bá quyền ở Trung Mỹ bởi “ai nắm được át chủ bài thương mại thì kẻ đó sẽ thống trị thế giới”.

Chính HKND đã tiết lộ Công ty Xây dựng đường sắt Trung Quốc cũng tham gia dự án, bắt đầu nghiên cứu tính khả thi về mặt kỹ thuật. Theo dư luận báo chí phương Tây, đây là bằng chứng cho thấy có bàn tay Trung Quốc đằng sau dự án kênh đào, không như ông Maclean-Abaroa tuyên bố rằng “Bắc Kinh vô can”.

AP cho hay Trung Quốc đã hoạt động rất tích cực ở châu Mỹ Latin. Mới đây, vào tháng 3-2013, Ecuador đã đồng ý bán cho một công ty dầu khí Trung Quốc 3 triệu trong số 8,1 triệu ha rừng nguyên sinh Amazone.

Theo Nguyễn Cao

huongnt

Người Lao động

Trở lên trên