MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Định giá Abenomics

06-04-2013 - 11:04 AM | Tài chính quốc tế

Liệu Abenomics có thể giải quyết triệt để những vấn đề của Nhật Bản?

Abenomics là thuật ngữ dùng để chỉ các chính sách kinh tế mạnh mẽ của ông Shinzo Abe. 

Trong 1 năm, Natume – 1 showroom ô tô ở Tokyo – bán ra khoảng 300 chiếc xe Bentleys, Ferraris và những thương hiệu xe sang khác. “Năm nay, chúng tôi hi vọng số lượng bán ra sẽ lên đến 400 – 450 chiếc”, Kenichi Oguma, ông chủ của showroom này nói. Oguma rất tin tưởng vào chính sách điều hành kinh tế của Shinzo Abe – tân Thủ tướng vừa tái đắc cử của đất nước mặt trời mọc.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, khi đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông Abe gần như đã nắm chắc chiến thắng, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng hơn 40%. Gói kích thích tài khóa lên tới 10.000 tỷ yên (tương đương 107 tỷ USD) là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp xây dựng của Nhật Bản. Hôm qua (4/4), NHTW Nhật Bản (BoJ) lại tiếp tục củng cố quyết tâm kích thích kinh tế khi thông báo tăng gấp đôi cơ sở tiền tệ trong vòng 2 năm. Đồng yên yếu đi giúp hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn và hỗ trợ cho các nhà sản xuất vốn đang gặp khó khăn. 

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng ông Abe có thể giúp các doanh nghiệp Nhật Bản lấy lại tinh thần – điều mà họ thiếu đi bấy lâu nay. Một khảo sát được Reuters thực hiện hồi tháng 2 cho thấy 85% số công ty có kế hoạch giữ nguyên mức lương trả cho người lao động, thậm chí là cắt giảm. Hiện tượng doanh nghiệp không muốn đầu tư hoặc tăng lương có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch vươn tới mục tiêu lạm phát 2% của ông Abe. Các số liệu được công bố tuần trước cho thấy sản lượng tại các nhà máy đột ngột sụt giảm trong tháng 2 với nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm.  

Báo cáo Tankan vừa được công bố trong tuần này cũng cho thấy hầu hết các công ty vẫn khá bi quan về tương lai. Phiên ngày 1/4, sau khi báo cáo được công bố, TTCK Nhật Bản giảm 2%. 

Tuy nhiên, ngày tiếp theo đó, nội các của Thủ tướng Abe lại thông qua kế hoạch đầy tham vọng nhằm cải cách ngành công nghiệp điện của nước này. Hiện nay, thị trường điện của Nhật Bản đang ở trong tình trạng độc quyền địa phương và do đó giá điện ở mức cao. Ông Abe hi vọng sẽ có thể chia tách bộ phận sản xuất điện với bộ phận truyền tải điện đồng thời cho phép cạnh tranh trong việc bán lẻ điện. 

Nếu như được Quốc hội thông qua, đây sẽ là cuộc cải cách lớn nhất của ngành điện kể từ những năm 1950 đến nay. Các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng được hưởng khá nhiều lợi ích từ điều này. Hiện nay, giá điện ở Nhật Bản đang ở mức cao gấp 3 lần so với ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, người ta cũng dự báo hoạt động cải cách sẽ gặp phải nhiều trở ngại. Các công ty điện lực thực hiện vận động hành lang khá tốt. 

“Người ta đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào chính phủ nhưng chúng tôi vẫn đang chờ xem liệu đà phục hồi có bền vững hay không”, Hiroshi Nishijima, giám đốc của Nishijimax – nhà cung cấp phụ tùng cho ngành công nghiệp xe hơi – cho biết.  Nhờ vào chính sách của ông Abe, các sản phẩm của ông đã có giá rẻ hơn ở các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, Nishijima vẫn khẳng định không thay đổi kế hoạch kinh doanh bởi nền kinh tế thế giới vẫn còn khá yếu ớt. 

Sợ làm tổn hại người nông dân

Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang chờ đợi ông Abe hoàn thành Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những người nông dân – bộ phận đóng vai trò quan trọng trong đảng LDP -  đang phản đối hiệp định này. 

Các quan chức chính phủ, TPP có thể khiến GDP Nhật Bản tăng thêm 3.200 tỷ yên (tương đương 0,7%) trong thập kỷ tới. Theo Hiroshi Mikitani, giám đốc của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật Bản Rakuten, thuyết phục được bộ phận nông dân và thắng cử sẽ là bằng chứng để thuyết phục rằng “Abenomics” là hiệu quả. Mikitani đánh giá rất cao gói kích thích tài khóa và nới lỏng tiền tệ mà ông Abe đã thực hiện. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng thử thách thực sự nằm ở chỗ tạo ra một chiến lược tăng trưởng tầm cỡ quốc gia. 

Chiến lược mà ông Mikitani muốn nhắc đến chính là những cải cách cùng với các chính sách công nghiệp của chính phủ. Ông muốn Thủ tướng Abe cho phép buôn bán trực tuyến nhiều mặt hàng hơn nữa, trong đó có các loại thuốc. Tuy nhiên, đây là điều mà các công ty dược phẩm phản đối và họ cũng là một trong những lực lượng hùng hậu nhất ủng hộ đảng LDP.

Chính sách ngoại giao cũng là điều khiến người ta lo lắng về ông Abe. Đã có những tín hiệu cho thấy ông Abe có thể đến thăm ngôi đền Yasukuni Shrine, nơi thờ phụng những tội phạm chiến tranh. Điều này sẽ khiến mối quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng trong khi đây là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật. Bị ảnh hưởng từ tranh chấp biển đảo, hoạt động thương mại song phương giữa 2 nước đã xấu đi trong thời gian gần đây. 

Tuy nhiên, Mikitani vẫn dự báo ông Abe sẽ đặt lợi ích thương mại lên hàng đầu. “Ông ấy là người giỏi ngoại giao và thông minh”, ông nói.

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên