MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đông Á trong “bão” khủng hoảng tài chính

19-04-2009 - 08:04 AM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ lập đáy vào giữa năm 2009. Kinh tế của nhiều nước khác trong khu vực cũng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đông Á từng là khu vực tăng trưởng kinh tế năng động nhất thế giới. Một số chuyên gia kinh tế lạc quan đã từng cho rằng khu vực này có khả năng đứng ngoài cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ thị trường tài chính các nước giàu.

 

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động sâu sắc đến Đông Á. Ngân hàng Thế giới đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực.

 

Không tính Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP năm 2009 sẽ là 1,2%, thấp hơn so với mức 4,8% của năm 2008. Một số nền kinh tế sẽ tăng trưởng âm. Ngân hàng Thế giới dự đoán GDP của Malaysia và Campuchia sẽ tăng trưởng -1% và kinh tế Thái Lan tăng trưởng -2,7%.

 

Những nền kinh tế một thời lên như “diều gặp gió” nay đang phải đương đầu với thực tế phũ phàng.

 

Năm 2007, tăng trưởng GDP của Campuchia và Malaysia lần lượt là 10,2% và 6,3%. Một số nền kinh tế khác được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ không còn được như trước. Kinh tế Trung Quốc năm 2009 có thể chỉ tăng trưởng 6,5%, bằng một nửa so với tốc độ 13% của năm 2007. Kinh tế Philippin tăng trưởng 1,9% dù năm 2007 tốc độ này là 7,2%.

 

Ngân hàng Thế giới chỉ ra phần lớn các nước thuộc Đông Á có đủ điều kiện để chống chọi với khủng hoảng tài chính đã càn quét các nước phát triển.

 

Đông Á nay đã khôn ngoan hơn bởi họ học được bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Cuộc khủng hoảng đó bắt nguồn từ chính châu Á. Một thập kỷ qua, các nước Đông Á nỗ lực xây dựng dự trữ ngoại tệ lớn và củng cố khả năng tài chính. Đông Á đã cố gắng giảm nợ chính phủ và thắt chặt điều tiết ngân hàng.

 

Tuy nhiên, thành công về kinh tế của khu vực Đông Á thời gian qua phần nhiều đến từ xuất khẩu, kể cả xuất khẩu nội vùng và ra thế giới. Do sự kết nối chặt chẽ với thị trường toàn cầu thông qua thương mại, xuất khẩu suy giảm, các nền kinh tế Đông Á gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng khủng hoảng diễn biến tệ hại hơn ở những nước có hoạt động thương mại phát triển mạnh, đặc biệt là nước chuyên xuất khẩu mặt hàng điện tử, dệt may.

 

Thương mại toàn cầu đi xuống, cả thế giới chịu ảnh hưởng nhưng tác động tại Đông Á là rõ nét nhất. Tháng 1/2009, giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Đài Loan và Philippin hạ 40% so với 1 năm trước. Doanh số hàng điện tử, loại mặt hàng chiếm 2/3 trong tổng lượng hàng xuất khẩu của Đông Á, hạ mạnh nhất.

 

Những nước trong khu vực chuyên xuất hàng dệt may và hàng hoá nguyên liệu cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Campuchia trước đây từng là một trọng điểm xuất khẩu hàng dệt may của châu Á nay đang gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu tháng 1/2009 hạ 31% so với một năm trước. Ngân hàng Thế giới khẳng định Đông Á đã từng đi lên nhờ xuất khẩu thì nay đang trượt dốc với một lý do tương tự.

 

Xuất khẩu suy giảm đã dẫn đến khủng hoảng việc làm dù con số đó cho đến nay chưa được thống kê chính thức. Tại Campuchia, khoảng 17% công nhân ngành dệt may đã mất việc. Tại Trung Quốc, con số này có thể đã lên tới 2,7 triệu người.

 

Thành quả nhiều năm tăng trưởng kinh tế cho phép nước giàu trong khu vực Đông Á mạnh tay sử dụng chính sách tiền tệ để kiểm soát cuộc khủng hoảng. Một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc đã công bố kế hoạch giải cứu lớn, chi tiêu mạnh tay phát triển cơ sở hạ tầng. Indonexia và Philippin giảm thuế cho người dân thay vì chi tiêu công. Tất cả các nước trong khu vực đều đã nới lỏng chính sách tiền tệ.

 

Vẫn còn có lý do để lạc quan về kinh tế khu vực Đông Á. Ngân hàng Thế giới đánh giá cao kế hoạch tài chính với mức chi tiêu tương đương 12% GDP của Trung Quốc, kế hoạch này đang phát huy tác dụng tốt.

 

Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ lập đáy vào giữa năm 2009. Kinh tế của nhiều nước khác trong khu vực cũng phụ thuộc vào Trung Quốc. Kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế 585 tỷ USD của Trung Quốc dù vậy không thể giải quyết được vấn đề nhu cầu của thế giới đối với hàng hoá khu vực sụt giảm.

 

Ngân hàng Thế giới cho rằng sự hồi phục của kinh tế khu vực còn tuỳ thuộc vào sự hồi phục chung của kinh tế toàn cầu.

 

Ngọc Diệp

Theo Economist

 

ngocdiep

Trở lên trên