MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động đất Nhật có khả năng tác động lớn đến nhiều ngành công nghiệp toàn cầu

16-03-2011 - 10:30 AM | Tài chính quốc tế

Tiến bộ công nghệ, toàn cầu hóa, sự kiên nhẫn và tiềm lực tài chính mạnh đã giúp người Nhật nắm kiểm soát hoặc độc quyền cung cấp nhiều loại linh kiện, nguyên liệu không thể thiếu.

Không nhiều người trong ngành công nghiệp điện tử tại Mỹ đã từng nghe về thị trấn Niihama của Nhật trước mùa hè năm 1993. 

Mọi chuyện thay đổi sau 1 đêm khi một nhà máy sản xuất chất hóa học bị hỏa hoạn. Dù vụ nổ này không được nhiều người quan tâm, nhà máy cung cấp khoảng 65% chất epoxy cresol novolac rất cần thiết để sản xuất chất bán dẫn trên thế giới.

Khi thông tin này được cả thế giới điện tử biết đến, giá một số loại bán dẫn tăng gấp đôi chỉ trong vài ngày. Khủng hoảng trở nên tồi tệ đến nỗi chính quyền Tổng thống Mỹ Clinton khi đó đã phải đề nghị Nhật khẩn cấp khôi phục nguồn cung.

Ví dụ trên cho thấy chỉ một vụ việc nhỏ đã gây ra vấn đề lớn thế nào đối với nhiều ngành sản xuất then chốt trên toàn cầu, chưa kể đến tác động đối với thế giới từ quy mô và mức độ khủng khiếp của trận động đất tại Nhật. Nguồn cung nhiều loại nguyên liệu hiếm và không thể thiếu.

Dù số lượng người chết được thống kê tăng sau từng ngày, các đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm người sống sót, chuỗi cung sản phẩm toàn cầu chuẩn bị chịu sự gián đoạn bởi nhiều công ty Nhật đã xây dựng thế thống trị hoặc thậm chí độc quyền trong nhiều mặt hàng. Kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Các chuyên gia trong ngành vận tải công nghiệp toàn cầu chỉ ra khi sản xuất toàn cầu phát triển lên trình độ công nghệ cao hơn, nhiều khả năng một nhà cung cấp duy nhất hay thậm chí một nhà máy sẽ không thể thiếu được đối với toàn ngành.

Trên phương diện này, chúng ta đều biết các tập đoàn Nhật thường thích nắm thế độc quyền hoặc kiểm soát đối với nhiều nguyên liệu thuộc loại cao cấp cần thiết để sản xuất sản phẩm điện tử, ô tô và máy bay.

Nhiều công ty Nhật cho đến nay chẳng được ai biết đến tên tuổi nhưng lại nắm chìa khóa cho sự vận hành trơn tru của kinh tế thế giới. Hai công ty lớn nhất cung cấp silicon để sản xuất sản phẩm bán dẫn, một loại nguyên liệu mà chỉ vài công ty trên thế giới sản xuất được, đều đến từ Nhật và hiện nay nguồn cung loại nguyên liệu này tại châu Âu và Mỹ còn rất ít.

Nếu bất kỳ nhà máy nào trên đây bị động đất đánh sập, toàn ngành điện tử thế giới sẽ nhanh chóng khốn khổ. Rủi ro đang lớn hơn sau khi động đất tại Nhật xảy ra. Hơn lúc nào hết, người ta nhớ lại câu ngạn ngữ của Nhật “For want of a nail the shoe was lost. For want of a shoe the horse was lost. For want of a horse the rider was lost” muốn nói đến một sự việc nhỏ nhưng mang tầm ảnh hưởng rất lớn.

Ông Tim Cracknell, chuyên gia nghiên cứu tại công ty tư vấn rủi ro JLT, tin rằng nhiều công ty trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Nguồn cung từ Nhật sẽ bị gián đoạn trong nhiều tháng.

Ông Jim Handy, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu về chất bán dẫn Objective Analysis, dự báo giá sẽ biến động mạnh và nguồn cung sản phẩm trong ngắn hạn sẽ hạn chế.

Một số chuyên gia phân tích người Mỹ thể hiện sự lo lắng đặc biệt về nguồn cung của một loại linh kiện vốn đóng vai trò then chốt trong sản phẩm iPhone và iPad của Apple. Các công ty sản xuất Nhật nắm tới hơn một nửa thị trường thế giới đối với các linh kiện trên tuy nhiên hiện chưa rõ các nhà máy sản xuất sản phẩm trên có nằm trong khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ động đất.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều công ty cung cấp các sản phẩm thiết yếu đặt nhà máy tại khu vực miền Bắc. Tên tuổi của các công ty cuối cùng sẽ được công bố sau khi bị trì hoãn nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần. Trên thực tế, thật khó đoán vấn đề lớn nhất sẽ đến từ đâu. Các công ty Nhật thường ít công bố chi tiết thông tin, ví như thị phần.

Trong trường hợp các tập đoàn lớn như Hitachi hay Toshiba, chẳng ai có thể biết chắc chắn trong hàng trăm nhà máy trên khắp nước Nhật, nhà máy nào sản xuất sản phẩm gì.

Chắc chắn trước đây Nhật đã chịu động đất và tác động lên chuỗi cung sản phẩm công nghiệp đã được chặn lại. Động đất Kobe 1995 không gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Một điều may mắn, nếu ai có thể dám nói từ đó sau khi số người chết đã ở mức quá cao, rằng khu vực Tohoku ở phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ động đất, không phải khu vực phát triển.

Kinh tế khu vực này chủ yếu chuyên về nông nghiệp. Sản phẩm nổi tiếng bao gồm gạo và đào. Người ta còn biết đến Tohoky như một làng đánh cá và điểm du lịch hấp dẫn. Thành phố Sendai ở trung tâm chỉ tập trung vài trường đại học quan trọng.

Nếu động đất xảy ra ở Tokyo hay trung tâm đô thị lớn của Nhật như Osaka, hậu quả sẽ tồi tệ hơn rất nhiều, không chỉ trên phương diện số người thiệt mạng mà còn bởi tác động cực lớn đến ngành công nghiệp, “xương sống” của kinh tế Nhật.

Dù vậy ảnh hưởng lên ngành công nghiệp của trận động đất lần này sẽ lớn hơn so với Kobe năm 1995.

Thảm họa động đất vào thứ Sáu tuần trước trở nên trầm trọng hơn khi nó đi kèm với sóng thần phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Hơn thế nữa, ngành công nghiệp của Nhật thay đổi chóng mặt trong 2 thập kỷ qua.

Tiến bộ công nghệ và toàn cầu hóa đã khuyến khích sản xuất tập trung. Trên một thế giới mà thị trường nội địa không còn được bảo vệ, sự cạnh tranh lên rất cao, cổ đông và ngân hàng kiên nhẫn nhất (như người Nhật) thường chiến thắng trong khi đó các đối thủ khác bỏ cuộc bởi không đủ tiền tồn tại đến giai đoạn công nghệ tiếp theo.

Sự tập trung này cũng nguy hiểm: ví như vụ việc nhà máy Niihama, một ngọn lửa nhỏ trong một nhà máy nhỏ bé của Nhật khiến toàn ngành khốn đốn, sẽ có thể tái diễn với cấp độ lớn hơn hàng trăm lần.

Ngọc Diệp
Theo TNR

ngocdiep

Trở lên trên