MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động đất tại Nhật tác động sâu sắc lên kinh tế toàn cầu

03-04-2011 - 07:45 AM | Tài chính quốc tế

Trận động đất đã tàn phá và gây thiệt hại cho nền kinh tế Nhật Bản gấp nhiều lần so với con số 132 tỉ đôla mà nước Nhật phải "trả" cho trận động đất ở Kobe năm 1995.

Các “dư chấn” của thảm họa Nhật Bản đã bắt đầu đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Các giáo sư của trường Kinh doanh Havard (HBS) đã chia sẻ quan điểm và suy nghĩ của họ về những thách thức đặt ra cho lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các công ty toàn cầu hoạt động tại nước này.

Rohit Deshpande, Giáo sư "Sebastian S. Kresge" về marketing của HBS, cho rằng văn hóa Nhật Bản có xu hướng hướng ngoại, do đó, việc quan tâm đến người khác ngày càng trở thành tâm điểm của hệ giá trị trong nền văn hóa này. Đây cũng là một lý do khiến cho các công ty Nhật Bản luôn tạo phúc lợi cho nhân viên của họ theo cách rất hiệu quả. Có thể thấy tác động của điều này ở cấp quốc gia từ cách ứng phó của người Nhật đối với các cuộc khủng hoảng trước đây, trong đó có trận động đất ở Kobe năm 1995.

Tính kiên cường nổi bật của người Nhật đã được chứng minh rõ ràng trong những thời khắc đó, cùng với vô số hành vi theo chủ nghĩa anh hùng của những người dân thường - những người vốn dĩ không được trao quyền hay đào tạo để làm những điều vĩ đại. Giờ đây, chúng ta lại một lần nữa thấy điều đó sau những hậu quả khủng khiếp của trận động đất và sóng thần vừa qua.

Theo lời kể của Hiro Takeuchi, một giảng viên người Nhật tại HBS, khi những cơn chấn động nhẹ lan đến Tokyo, ông đang làm việc tại đây và ngay lập tức rời văn phòng để về nhà. Phải mất hàng tiếng đồng hồ, ông mới vượt qua được chặng đường vốn chỉ cần khoảng 10 phút lái xe. Mặc dù không biết rõ chuyện gì đang xảy ra và thiệt hại tới đâu, bất chấp những lo ngại về tình huống xấu nhất có thể xảy ra, dựa trên kinh nghiệm bản thân, mọi người vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. Ông cảm thấy rất khâm phục tính nhẫn nại và kiên cường của họ. Không hề có cảnh chen lấn, tranh giành hay tiếng còi xe ầm ĩ, ngay cả khi họ phải xếp hàng dài đợi mua xăng. Trên đường cao tốc, những người lái xe lo âu đang nóng lòng muốn về nhà xem tình hình gia đình có an toàn hay không vẫn giữ đúng làn đường của mình.

Tất cả những điều nêu trên là một ví dụ điển hình về tinh thần tự chủ đầy tính nhân văn của những công dân bình thường Nhật Bản trong thời khắc khủng hoảng và sẽ là bài học cho tất cả chúng ta.

W. Carl Kester, Giáo sư "George Fisher Baker Jr." về quản trị kinh doanh của HBS, lại chia sẻ những suy nghĩ của ông về tác động của thảm kịch ngày 11/3 đối với nền kinh tế thế giới. Theo ông, mặc dù những đau thương mất mát mà người dân Nhật Bản đang phải chịu đựng vẫn là mối quan tâm chính của chúng ta song các nước không thể không nhận thấy - và sẽ phải đương đầu với - những hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những tác động trực tiếp của thảm họa trên đối với các hoạt động kinh tế trên thế giới. Rõ ràng nó đã tàn phá và gây thiệt hại cho nền kinh tế Nhật Bản gấp nhiều lần so với con số 132 tỉ đôla mà nước Nhật phải "trả" cho trận động đất ở Kobe năm 1995 và đây sẽ được coi là một trong những thảm họa tự nhiên gây thiệt hại nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này. Giao thông gián đoạn và việc đóng cửa nhiều nhà máy trên khắp cả nước sẽ làm giảm tổng cầu của Nhật Bản và phá vỡ chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Các nhà phân tích đã hạ mức dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật: giảm 0,5% trong quý I và hơn 1,5% trong quý II năm nay.

Những hậu quả về tài chính cũng đang ở mức đáng báo động. Chỉ số Nikkei 225 giảm 6,2% trong phiên đóng cửa ngày 14/3, gây thiệt hại khoảng hơn 300 triệu USD tổng giá trị cổ phần của doanh nghiệp, và mất thêm 10,6% vào ngày tiếp theo. Thị trường xuống dốc không chỉ là thiệt hại "trên giấy tờ" mà còn là dấu hiệu chứng tỏ sự thịnh vượng đã sa sút đáng kể, điều này có thể làm bùng lên những áp lực giảm phát tiếp theo - một hiện tượng mà nền kinh tế thăng trầm của Nhật Bản đã đấu tranh trong suốt gần hai thập kỷ.

Sau thảm họa vừa qua, các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Nhật Bản lại phải tiếp tục đương đầu với một thử thách lớn. Việc bơm 15 nghìn tỷ yên (khoảng 183 tỷ USD) vào hệ thống tiền tệ trong ngày 13/3 vừa rồi là bước đi hợp lý đầu tiên của Ngân hàng Nhật Bản, tuy nhiên thách thức vẫn còn ở phía trước.

Chính phủ của Thủ tướng Naoko Kan, vốn còn non trẻ và đang vật lộn để giành được sự ủng hộ của công chúng, giờ đây phải gánh thêm trọng trách tìm ra một đối sách tài khóa thích hợp. Các kế hoạch phục hồi táo bạo có vẻ hợp lý, nhưng cách bơm vốn cho đối sách đó giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với tương lai của nền kinh tế Nhật Bản. Với mức thâm hụt của chính phủ tương đương 10% GDP, và nợ quốc gia ở mức 200% GDP, việc lấy nguồn chủ yếu từ nợ chính phủ để tài trợ cho các kế hoạch phục hồi là việc làm thiếu thận trọng. Nếu Nhật Bản để mất xếp hạng tín dụng vay nợ nước ngoài (hiện ở mức AA), uy tín của nền kinh tế cũng như của chính phủ nước này sẽ sụp đổ. Cách hành động an toàn hơn, dù cho ít phổ biến hơn, là tái ưu tiên chi tiêu trong ngân sách hiện có để trang trải phần lớn chi phí của các kế hoạch phục hồi.

Xưa nay Nhật Bản thường chứng tỏ những ưu điểm lớn nhất của họ trong những thời khắc khủng hoảng, bằng cách gạt sang một bên những khác biệt nội tại và ứng phó một cách hiệu quả cùng với tinh thần hy sinh cảm động. Cuộc khủng hoảng lần này cũng sẽ không là ngoại lệ, miễn là các nhu cầu viện trợ nhân đạo vẫn còn được quan tâm đáp ứng. Hy vọng rằng, những đối sách kinh tế dài hạn cũng sẽ được thực thi theo cách tránh được việc gây ra một cuộc giảm phát tiếp theo. Điều không may là, lần này có rất ít cơ hội sửa chữa nếu Nhật Bản mắc phải sai lầm.

Các "dư chấn" của nó đã bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế toàn cầu.

Cùng với cuộc bàn luận sôi nổi đang tiếp diễn, các giáo sư của trường Kinh doanh Havard (HBS) đã chia sẻ quan điểm và suy nghĩ của họ về những thách thức đặt ra cho lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các công ty toàn cầu hoạt động tại nước này.

Theo Tom Nicholas, Phó giáo sư về quản trị kinh doanh của HBS, những bài học từ quá trình hiện đại hóa công nghệ của Nhật Bản có thể là một gợi ý để nước này vượt qua thảm họa gần đây.

Trở lại quá khứ, trưa ngày 1/9/1923, vùng Quan Đông (Kanto - nơi có thủ đô Tokyo) đã rung chuyển bởi một trận động đất dữ dội. Cơn đại địa chấn Kanto (như tên gọi về sau của trận siêu động đất này) đã phá hủy Tokyo và Yokohama, khiến hơn 100.000 người thiệt mạng. Bất chấp những hậu quả nghiêm trọng do trận động đất gây ra, nước Nhật đã nhanh chóng khôi phục các ngành kinh tế chủ chốt. Có thể xem các bằng sáng chế là một minh chứng cho nguồn lực được huy động vào công cuộc đổi mới ở nước này. Năm 1923 và 1924, số bằng sáng chế đăng ký tại Nhật đã giảm khoảng 1/3 so với năm 1922 - một năm trước khi xảy ra cơn đại địa chấn. Tuy nhiên, vào năm 1925, mặc dù Phòng quản lý cấp bằng sáng chế Nhật Bản (Japanese Patent Office) bị phá hủy, số bằng sáng chế đăng ký đã tăng lên 69% so với năm 1922, và nước này tiếp tục tiến lên theo hướng hiện đại hóa công nghệ

Như vậy, trận siêu động đất ở Kanto chỉ tạm thời làm gián đoạn hoạt động phát minh sáng chế trong nước. Việc nâng cao các năng lực công nghệ của Nhật Bản trong suốt một quá trình lâu dài đã thiết lập nền tảng thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nước này sau chiến tranh thế giới thứ II. Nếu áp dụng bài học từ lịch sử, Nhật Bản có thể khôi phục hoàn toàn những hậu quả tàn khốc của trận động đất và sóng thần ở bờ biển phía đông đảo Honshu vừa qua.

Willy C. Shih, Giáo sư về quản trị kinh doanh cho rằng, ngoài những thiệt hại đáng buồn về người và của, trận động đất ở Nhật Bản một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tính phức tạp của chuỗi cung ứng trên toàn thế giới và sự phụ thuộc quá lớn giữa các thành viên trong hệ thống sản xuất toàn cầu.

Chuỗi cung ứng trên toàn thế giới vốn dĩ rất phức tạp và được tối ưu hóa ở mức độ cao để phân phối sản phẩm một cách hiệu quả với chi phí thấp nhất. Điểm đặc trưng của nó là chế độ sản xuất tuần tự, trong đó hàng hóa được sản xuất qua hàng loạt công đoạn ở nhiều nước khác nhau, mỗi nước đảm trách một công đoạn theo ngành dọc và cũng là một mắt xích trong chuỗi giá trị gia tăng. Những cú sốc như thế này sẽ lan truyền trong toàn bộ chuỗi và thử thách độ bền của mô hình hiện có. Với lượng hàng tồn kho ít và và công nghệ phân phối, sản xuất Just-in-time[1] , có rất ít giai đoạn trong chuỗi giá trị có thể đóng vai trò "bộ đệm giảm xóc" cho hệ thống. Do đó, thảm họa tại Nhật hứa hẹn sẽ là một "kỳ sát hạch" cho nền kinh tế toàn cầu.

Ví dụ, hãy xem xét trường hợp của công ty Shin-Etsu Handotai, một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các tấm và thanh silic sử dụng trong công nghệ sản xuất chất bán dẫn. Nhà máy Shirakawa của công ty này đặt tại Fukushima, gần tâm chấn động đất và ở cạnh nơi xảy ra các sự cố của nhà máy điện hạt nhân. Nhà máy này chịu trách nhiệm cung ứng 22% tấm silic cho toàn thế giới, và đã phải đóng cửa vì mất điện. Cho dù nhà máy chỉ tạm thời đóng cửa nhưng hãy tưởng tượng việc 22% nguồn cung một mặt hàng thiết yếu cho toàn cầu bỗng dưng ngừng hoạt động sẽ gây ra hậu quả lớn lao biết chừng nào.

Toshiba là hãng sản xuất lớn của Nhật Bản, cung cấp khoảng 35% bộ nhớ nhanh (flash memory) cho toàn thế giới và sản phẩm này có trong các thiết bị như máy tính bảng iPad của Apple và các loại điện thoại thông minh (smartphones). Hãng này vẫn chưa hé lộ về thiệt hại do trận động đất gây ra song các hãng sản xuất bộ nhớ DRAM lớn khác như Samsung và Hynix (Hàn Quốc), Powerchip (Đài Loan) đều ngừng báo giá sản phẩm cho tới khi đánh giá được tác động của trận động đất đối với các chuỗi cung ứng của họ.

Nhật Bản cũng là nơi cung cấp 70% tấm dẫn dị hướng (Anisotropic conductive film) - vật liệu chính sử dụng trong công nghệ sản xuất màn hình LCD cho các thiết bị như tivi, máy tính xách tay, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Tuy nhiên, từ ngày 16/3/2011, các nhà cung cấp đã ngừng nhận đơn đặt hàng. Hầu hết nguồn cung màn hình LCD của thế giới đều bắt nguồn từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.

Bên cạnh đó, tất cả các nhà máy sản xuất pin lithium của Sony cũng như nhiều nhà cung cấp của họ đều đặt tại Fukushima, trong khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai. Rất có khả năng điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung máy tính xách tay, mặc dù phần lớn mặt hàng này được lắp ráp tại Trung Quốc.

Các hãng sản xuất ô tô của Nhật cũng có những cơ sở sản xuất quan trọng trong khu vực bị ảnh hưởng và ngay cả đối với các nhà máy cách xa tâm chấn, việc cắt điện luân phiên trước mắt sẽ là một thử thách lớn. Tại Tokyo, hệ thống tàu điện không hoạt động; một vài nhà máy lớn đã phải tạm đóng cửa do thiệt hại về cơ sở vật chất, đồng thời do các nhà cung cấp và nhà thầu phụ của họ trong khu vực cũng bị ảnh hưởng. Điều này cho thấy sự bất ổn vẫn còn hiện hữu và sẽ phần nào ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

[1] Just-in-time là một triết lý sản xuất bắt nguồn từ Nhật Bản: chỉ sản xuất khi có nhu cầu hay đơn đặt hàng, bảo đảm lượng hàng tồn kho ở mức thấp nhất có thể để giảm chi phí lưu kho hàng hóa.

Theo VEF

ngocdiep

Trở lên trên