MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng euro đã được cứu như thế nào? (P2)

18-09-2014 - 20:08 PM | Tài chính quốc tế

Người Mỹ thực sự muốn giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng bằng kinh nghiệm của bản thân, nhưng châu Âu luôn hoài nghi về động cơ của Mỹ.

Đồng euro từng đứng trước nguy cơ tan rã khi khủng hoảng nợ công khiến châu Âu chao đảo 3 năm trước. Giờ đây, mặc dù kinh tế châu Âu vẫn chật vật, dường như nguy cơ eurozone tan rã đã không còn. Đồng euro đã được cứu. Tờ Financial Times đăng tải series gồm các bài viết miêu tả quá trình giải cứu đồng tiền chung của châu Âu. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc bản lược dịch các bài viết trong series này.

Ép Hy Lạp

Ông Sarkozy đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp bao gồm các chuyên gia tư vấn thân thiết tại cung điện Elysée. Theo lời một thành viên tham gia cuộc họp, động thái đáp trả đầu tiên của tổng thống Pháp là buộc ông Papandreou phải thu lại những hành động đã thực hiện: ông có thể lựa chọn chấp nhận các điều kiện của khoản cứu trợ hoặc Hy Lạp sẽ bị buộc phải rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro ngay lập tức. 

Ông Sarkozy đã gọi điện cho bà Merkel và đồng ý một chiến lược chung. Họ sẽ yêu cầu ông Papandreou tham gia hội nghị ở Cannes, nơi G20 sẽ có cuộc họp thường niên trong 48 giờ, và thuyết phục ông đồng ý tổ chức cuộc trưng dân ý không liên quan đến gói cứu trợ, như vậy Hy Lạp vẫn có thể ở lại khu vực đồng tiền chung euro.

Tại Berlin, bà Merkel đang đau đầu về vấn đề loại bỏ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro. Các chuyên gia cố vấn, đặc biệt là Wolfgang Schäuble – Bộ trưởng Tài chính, cánh tay phải đắc lực của bà – cho rằng việc này sẽ giúp gắn bó 16 nước thành viên còn lại hơn, giúp họ có động lực tự thoát khỏi khủng hoảng. 

Rất nhiều quan chức EU băn khoăn về lý do ông Papandreou đồng ý xuất hiện trên thảm đỏ tại Cannes. Dù vừa nhận được hàng loạt lời chỉ trích gay gắt từ các nhà lãnh đạo EU, vị thủ tướng Hy Lạp cho biết ông muốn tận dụng cơ hội để giành được sự ủng hộ từ quốc tế cho kế hoạch trưng cầu dân ý.  

Mặc dù nổi tiếng là nơi diễn ra Liên hoan phim quốc tế Cannes danh giá, cung điện Palais des Festivals được xây dựng như một công trình toàn đá và kính kém hấp dẫn  nằm trên bờ Địa Trung Hải. Với nỗ lực trang trí và thiết kế cho phù hợp với sự phô trương của hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà thiết kế Pháp đã trang trí bằng các cờ đuôi nheo màu xanh huỳnh quang và thảm đỏ sang trọng. Tuy nhiên, một cơn mưa phùn lạnh khiến một tấm màn u ám bao trùm lên các cuộc họp. Chẳng bao lâu, các tấm thảm đều chuyển sang màu nâu đục.

Tổng thống Sarkozy triệu tập các nhà lãnh đạo đồng minh tại cung điện Palais lúc 5h30 chiều thứ Tư, một giờ trước cuộc họp với ông Papandreou, để thảo luận về các phương án thuyết phục. Các vị lãnh đạo được mời bao gồm bà Merkel; Jean-Claude Juncker – thủ tướng Luxembourg, người đã chủ trì cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính; Christine Lagarde – giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế IMF; và hai vị tổng thống khác, José Manuel Barroso và Herman Van Rompuy.

Khi nhóm các thành viên trên tụ họp tại một phòng hội nghị nhỏ trống trải và ngồi trên những chiếc ghế mang phong cách từ thời hoàng đế Louis XV xung quanh chiếc bàn tròn, ông Sarkozy bắt đầu phân phát một tài liệu có tiêu đề “Position commune sur la Grèce” (tạm dịch: Vị trí quen thuộc của Hi Lạp). “Ý tưởng của tài liệu này là tìm cách dồn ông Papandreou vào thế chân tường,” một thành viên trong cuộc họp cho biết. 

Sau khi nhận được sự đồng thuận từ Hy Lạp, ông Sarkozy tiếp tục chuyển sang một trường hợp trầm trọng hơn: nước Ý. Cuộc trưng cầu dân ý của ông Papandreou đã tạo ra thế “tiến thoái lưỡng nan” cho Hy Lạp, đồng thời dấy lên một làn sóng lo sợ rằng cuộc khủng hoảng ở Athens sẽ lan rộng ra khắp châu Âu. Ý chắc chắn sẽ là đất nước bị ảnh hưởng đầu tiên.

Với khoản nợ công gần 2.000 tỷ euro – khoản nợ khổng lồ lớn thứ tư thế giới – các quan chức thuộc Bộ tài chính Ý dự đoán họ cần một chương trình cứu trợ trị giá khoảng 600 tỷ euro để thoát khỏi vũng lầy này. Không một tổ chức nào bao gồm EU hay IMF có đủ tiền để trả hết khoản nợ này. Dường như không còn giải pháp nào cho Ý.

Bà Lagarde đã đến tham dự cuộc họp tại Cannes với kế hoạch bơm 80 tỷ euro vào Ý. Khoản tiền này có thể dùng trong trường hợp khẩn cấp nhưng cần thông qua sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo ông Silvio Berlusconi – thủ tướng Ý, người đã đánh mất niềm tin từ các đồng nghiệp EU – thực thi các biện pháp cải cách kinh tế có hiệu quả. Bà nhấn mạnh, chỉ có như vậy thị trường mới tự động phục hồi cho vay ở mức lãi suất bền vững. 

“Dấu hiệu của sự yếu đuối”

Trong nhiều tháng, chính quyền của ông Obama đã theo dõi cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro với sự thất vọng và tỏ ý muốn giúp đỡ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner và các cộng sự của ông ở Washington đã cố gắng truyền đạt bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ: chỉ một khoản tiền trợ cấp lớn của chính phủ mới có thể kiềm chế nỗi lo sợ của các nhà đầu tư. Người Mỹ cảm thấy các nhà lãnh đạo châu Âu dường như chưa nhận thức được tình thế. 

Trong quá khứ, Nhà Trắng đã từng bị nghi ngờ về việc bày ra các chiêu trò chính trị. “Người Mỹ chỉ có một mục đích, mà chúng ta đều hiểu,” một quan chức châu Âu đã cho biết sau cuộc gặp mặt với ông Geithner. “Vấn đề của khu vực đồng tiền chung euro chắc chắn phải được giải quyết bởi nếu không chúng ta sẽ lại rơi vào một cuộc khủng hoảng khác, điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Mỹ và cuộc tái tranh cử.” 

Người ta có thể nhận thấy sự lúng túng qua mối quan hệ của Washington với bà Merkel, người luôn tỏ vẻ không hài lòng và khó chịu trước sự can thiệp quá sâu của Mỹ. Berlin đã gây sức ép lên trụ sở Quỹ tiền tệ quốc tế tại Washington, yêu cầu họ tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, bất cứ khi nào ông Obama tỏ ý cân nhắc, bà Merkel luôn nói với các đồng nghiệp rằng các quyết định của châu Âu phải do người châu Âu quyết định. 

Mặc dù hai nhà lãnh đạo đều là những “bộ não” sắc bén và cứng rắn, những người từng tiếp xúc với bà Merkel cho biết phong cách hành động của họ hoàn toàn khác biệt. Ông Obama có phong cách “giáo sư” và ưa giảng giải, trong khi đó bà Merkel có phong cách gần gũi hơn. Bà Merkel không bao giờ sử dụng các phương thức “học giả” như vậy, thay vào đó bà thường đưa ra các quyết định nhanh chóng và có chiến lược rõ ràng. 

Tuy vậy, các đại diện từ Bỉ, Frankfurt hay Paris tỏ thái độ đón tiếp khá nồng nhiệt trước sự can thiệp của Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết, họ thường xuyên bị kéo vào các cuộc tranh cãi khủng hoảng giữa các nguyên thủ quốc gia và bị thúc giục phải gây sức ép để Đức có những bước đi dứt khoát hơn. Trong các trường hợp khác, chính phủ Đức kêu gọi Washington tác động lên khu vực đồng euro và yêu cầu các nước thực thi lời hứa cải cách. 

Cho dù các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra chào đón sự can thiệp của Mỹ, họ vẫn nhận ra ông Obama đang có ý đồ với châu Âu, điều mà họ cho rằng ông Obama đã quá tham lam khi mong muốn nhiều thứ cùng một lúc. 

Tuy nhiên, một lần nữa khi các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro được triệu tập bởi ông Sarkozy vào lúc 9h30 tối hôm đó tại Cannes, rất nhiều người ngạc nhiên trước sự xuất hiện của ông Obama ở ghế chủ trì cuộc họp. “Điều này thật lạ,” một thành viên từ phát đoàn Đức cho biêt. “Đây là dấu hiệu cho thấy châu Âu không thể tự chủ quyết định; là dấu hiệu của sự yếu đuối.”

Rất nhiều người trong phòng họp mong muốn thuyết phục ông Berlusconi chấp nhận sự giúp đỡ của IMF. Người Ý đã từ chối trong cuộc họp buổi sáng, nó sẽ khiến mọi người nghĩ rằng họ không đủ khả năng tự giải quyết cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, các nguồn lực hỗ trợ cũng không đủ để đối phó với tình huống đã xảy ra. Họ phản đối lời đề nghị giám sát của IMF, nhưng không phản đối hỗ trợ tài chính.

Ông Obama mở đầu hội nghị với một giải pháp khác biệt. Ông đưa ra một kế hoạch mới đề nghị tăng cường gói cứu trợ “tường lửa” cho khu vực đồng euro. Kế hoạch này dường như đang hướng mũi nhọn về phía Đức.

Quyết định của ông Sarkozy khi nhường ghế chủ trì cuộc họp cho ông Obama, dù là cố ý hay không, là điều không ngạc nhiên. Kể từ khi cuộc khủng hoảng mới xảy ra, Paris và Washington đều có “công thức” giải quyết gần như tương tự nhau: thiết lập gói cứu trợ “tường lửa” đủ lớn để không một nhà đầu tư nào còn băn khoăn về việc liệu châu Âu có đủ vốn hay các chính phủ có sẵn lòng giải cứu các “con nợ” ở miền Nam hay không.

Đối với cả ông Geithner và các cộng sự người Pháp, nguồn tài chính chủ lực cho gói cứu trợ này hiển nhiên đến từ ECB, nơi xét về mặt lý thuyết chính là một máy in tiền. Mỹ đã thể hiện khả năng ứng phó với khủng hoảng của Ngân hàng trung ương thông qua việc Cục dự trữ Liên bang mua lại lượng trái phiếu khổng lồ của chính phủ khi Lehman Brothers sụp đổ. Tuy vậy, từ lâu Berlin đã phản đối việc sử dụng Ngân hàng trung ương để trợ giúp các chính phủ.

Thảo Phương

huongnt

FT

Trở lên trên