MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Euro trước thách thức lớn

16-04-2008 - 09:30 AM | Tài chính quốc tế

Đồng Euro trong khoảng gần 10 năm lưu hành đã đạt được nhiều thành công. Song phía sau thành công đó tiềm ẩn nhiều vấn đề không nhỏ.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Davos tháng 1/2001, không khí hết sức u ám. Bong bóng công nghệ mới vỡ tung, thị trường chứng khoán Mỹ khủng hoảng và kinh tế Mỹ chuẩn bị suy thoái.

Phần lớn những nước trên lục địa châu Âu vẫn trong tâm trạng lạc quan. Những năm chịu không ít chỉ trích từ phía Mỹ về nền kinh tế châu Âu giờ đây cũng chẳng có ý nghĩa. Người châu Âu lúc này đang mơ về việc trở thành đầu tầu của nền kinh tế thế giới.

7 năm trôi qua, nhiều điều trùng lặp kỳ lạ đã diễn ra. Những nước thuộc lục địa châu Âu đã tránh được phần nào cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn. Ngân hàng Châu Âu hoạt động tốt hơn, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực sử dụng đồng Euro là 7,1%, mức thấp nhất trong 20 năm, đồng Euro vẫn có sức mạnh đáng kể.

Và ông Joaquín Almunia, cao ủy kinh tế châu Âu cho rằng không có khả năng kinh tế châu Âu suy thoái. Trên thực tế Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã phải bơm tiền vào hệ thống tài chính để ứng phó với cuộc khủng hoảng tín dụng. Song tình hình tại châu lục này chưa cấp bách đến mức Ngân hàng Trung ương phải quyết định cắt giảm lãi suất chủ chốt mạnh tay như tại Mxy.

Giống như năm 2001, triển vọng của khu vực đồng Euro không còn được như kỳ vọng của những chuyên gia đầy lạc quan. Ngân hàng Trung ương châu Âu không cắt giảm lãi suất chủ chốt không phải vì kinh tế khu vực này tăng trưởng quá mạnh mà vì tỷ lệ lạm phát đã tăng quá cao lên mức 3,5%, mức cao nhất trong lịch sử 9 năm lưu hành của đồng tiền này.

Việc kinh tế Mỹ và kinh tế Anh không mấy sáng sủa như hiện nay hiện đang đe dọa đến doanh số xuất khẩu của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Xuất khẩu sang khu vực châu Á vẫn duy trì ở mức tốt, tuy nhiên người tiêu dùng khu vực này hiện nay đang chi tiêu không mấy rộng tay.

Hiện nay các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu đang đau đầu với hai vấn đề chính.

Vấn đề thứ nhất là sức mạnh của đồng Euro. USD yếu đang tiếp sức mạnh cho hàng xuất khẩu của Mỹ trên khắp các thị trường và đồng Euro tăng giá khiến xu hướng ngược lại đang xảy ra với hàng xuất khẩu của châu Âu. Ông Joaquín Almunia cho rằng đồng Euro bị đánh giá quá mức vào ảnh hưởng cho đến nay là chưa nhiều.

Những vấn đề trong thị trường bất động sản cũng đang hết sức nóng bỏng. Châu Âu có thể tránh được cuộc khủng hoảng trong thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn, song tại một số nước bong bóng nhà đất hiện nay còn trầm trọng hơn tại Mỹ. Giá nhà đất ở Tây Ban Nha, Ireland đang hạ mạnh và điều tương tự cũng đang xảy ra tại Anh.

“Bong bóng” tài sản nổ tung tại châu Âu không hẳn sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng như ở Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ khiến những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp xây dựng phải khốn đốn. Lĩnh vực này hiện chiếm hơn 15% GDP của Tây Ban Nha và Ireland.

Mặt trái của thành công

Nhiều chuyên gia kinh tế khắt khe nhất cũng phải thừa nhận về thành công vang dội của đồng Euro, đồng tiền này đã tạo dựng nên một đối trọng đáng kể so với USD, giúp thế giới có thêm một loại tiền tệ lớn.

Tuy nhiên thành công trên của đồng Euro che đậy hai thất bại:

Thất bại thứ nhất là sự thích nghi của các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền này khác nhau khá nhiều. Đức và Hà Lan đã cắt giảm chi phí nhân công và tiến hành một số cải cách để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Pháp, Tây Ban Nha và đặc biệt là Ý chưa làm được nhiều như vậy, hiện nay những nước này đang phải chịu nhiều hậu quả do sự tăng giá của đồng Euro và sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu.

Thất bại thứ hai chính là mặt trái của thành công nói trên. Để đủ tiêu chuẩn được phép gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu vào cuối thập niên 1990, các quốc gia như Italy và Tây Ban Nha đã phải thực hiện những điều chỉnh lớn trong chính sách tài khóa và cơ cấu.

Nhưng bằng cách cung cấp cho những quốc gia yếu hơn này một tấm lá chắn chống khủng hoảng tiền tệ, đồng Euro lại giảm đi những áp lực buộc những quốc gia này phải liên tục tiến hành cải cách. Trên thực tế những cải cách này hiện nay lại quan trọng hơn bao giờ hết vì các nước nói trên đã không còn có thể hạ giá đồng tiền nước họ để tăng sức cạnh tranh và bù đắp cho tốc độ tăng năng suất hiện ở mức tương đối thấp. Như vậy họ không thể theo kịp các nước láng giềng với mức tăng năng suất cao hơn.

Trong khi Euro đang chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10, đồng tiền này đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong lịch sử 10 năm lưu hành.

Nếu châu Âu, giống như Mỹ, phải trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế, điều rất có khả năng xảy ra. Quốc gia thuộc vùng Địa Trung Hải phải gánh chịu sẽ lớn hơn nhiều những gì mà Đức và các nước Bắc Âu phải trải qua. Phản ứng chính trị từ hai khu vực này sẽ khác biệt cũng là điều dễ hiểu.

Thậm chí cả khi Eurozone đang chuẩn bị mở rộng thêm lần nữa để kết nạp thêm Slovakia và sau đó là những quốc gia Đông Âu khác, thế giới vẫn có thể đi tới một kết luận rằng, đây chưa hẳn là một khu vực đồng tiền chung tối ưu, những thành công mà đồng Euro đạt được chưa có gì thật xuất chúng.

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên