MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng USD đang bị định giá quá cao?

30-09-2015 - 19:13 PM | Tài chính quốc tế

Amundi Asset Management – quỹ đang quản lý tổng tài sản trị giá 1.000 tỷ USD - cho rằng đồng USD đang bị định giá cao hơn so với giá trị thực.

Amundi Asset Management – quỹ đang quản lý tổng tài sản trị giá 1.000 tỷ USD - cho rằng đồng USD sẽ khó có thể tăng giá hơn nữa so với đồng Euro và Yên Nhật trừ khi Fed bắt đầu chu kỳ thực hiện nâng lãi suất.

Theo James Kwok, người đứng đầu bộ phận quản lý tiền tệ của quỹ này, yếu tố biến động của đồng USD đã được FED đưa vào các tính toán khi lựa chọn có nâng lãi suất hay không. Tính theo phương pháp ngang giá sức mua PPP, đồng USD hiện đang được định giá cao khoảng 14% so với đồng euro và 12% so với đồng yên Nhật.

Ông này cho biết thêm: “Đồng USD đã bị định giá quá cao so với đồng Euro và Yên Nhật, dựa trên đánh giá với hầu hết các yếu tố cơ bản. Thị trường không tin rằng FED có thể nâng lãi suất nhiều hơn trong tương lai gần”.

Quan điểm được Amundi đưa ra trái với quan điểm của Goldman Sach. Goldman Sachs cho rằng số USD mà 1 euro quy đổi được có thể giảm 10 cent khi NHTW châu Âu ECB tăng mức kích thích để làm suy yếu đồng Euro nhằm đáp ứng mục tiêu lạm phát. Ngân hàng này cũng cho rằng đồng Yên Nhật sẽ giảm xuống còn 130 Yên (từ mức 119 – 120 JPY/USD hiện tại) đổi 1 USD trong năm sau khi Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda thúc đẩy thêm các biện pháp kích thích tiền tệ trong cuộc họp chính sách của BOJ vào tháng 10 tới đây.

Đánh giá triển vọng của FED

Đồng USD đã tăng 15% trong vòng 12 tháng qua so với đồng Euro lên mức 1 USD đổi 1,1125 Euro và 10% so với đồng Yên Nhật lên mức 119,84 Yên đổi 1 USD như hiện tại. Theo một cuộc khảo sát, các nhà phân tích dự đoán đồng bạc xanh sẽ củng cố và tăng lên mức 1 USD đổi 125 Yên và 1,07 Euro vào thời điểm cuối năm nay.

Các diễn biến trên thị trường tương lai đang cho thấy rằng thị trường đặt cược khoảng 39% khả năng FED sẽ tiến hành nâng lãi suất lần đầu vào tháng 12 này, giảm từ mức 44% vào 17/9 – thời điểm diễn ra cuộc họp chính sách của Ủy ban thị trường mở Mỹ. Dennis Lockhart - Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta - hôm 23/9 đã nhắc lại quan điểm của mình rằng ông ủng hộ việc Mỹ sẽ bắt đầu tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ ngay trong năm nay, ngay cả khi biến động gia tăng đe dọa triển vọng kinh tế.

Trong khi đó James Kwok cho rằng đồng USD vẫn bị định giá thấp so với các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi châu Á. Các đồng tiền của Malaysia, Indonesia và Đài Loan là một trong những đồng tiền suy yếu mạnh nhất so với đồng USD kể từ khi Trung Quốc phá giá Nhân Dân Tệ và hôm 11/8 đã kích hoạt cơn hoảng loạn trên các thị trường toàn cầu.

Nhà phân tích này cho rằng: “Việc phá giá đồng Nhân Dân Tệ đã làm phơi bày vấn đề định giá quá mức giá trị thực của nhiền đồng tiền tại châu Á”.

Đặt cược vào đồng USD

Theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai - CFTC mới công bố, các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ lớn khác đã giảm các vị thế đặt vào sự gia tăng của đồng USD so với 8 đồng tiền chính khác trong rổ tiền tệ (gồm AUD, GPB, JPY, CHF, Euro, NZD, CAD và Peso Mexico). Mức chênh lệch giữa số lượng các hợp đồng đặt mua USD với số lượng các hợp đồng đặt bán USD hay còn gọi là “Net Long” xuống còn 256.044 hợp đồng, tính tới thời điểm 15/9, là mức thấp nhất kể từ tháng 5.

Theo Paul Lambert, trưởng phòng quản lý tiền tệ tại Luân Đôn của quỹ đầu tư Insigh Investment Management, thuộc ngân hàng BNY (Bank of New York), quỹ này đã bắt đầu thiết lập các vị thế đặt cược vào sự gia tăng của đồng USD sau khi đã cắt giảm hầu hết các vị thế này của họ trước đó – trước thời điểm cuộc họp chính sách của FED diễn ra.

Theo ông, tâm lý của nhà đầu tư hiện đang trở nên cân bằng hơn thay vì khá thiên vị đồng USD như thời gian trước. Điều này cũng có nghĩa là việc các vị thế đặt vào đà tăng của USD trở nên hợp lý hơn.

Tuấn Anh

Bloomberg

Trở lên trên