MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đột phá công nghệ” theo kiểu “đặc sắc Trung Quốc”

24-01-2011 - 17:17 PM | Tài chính quốc tế

Lấy công nghệ từ phương Tây, cải biến đi chút đỉnh, rồi gắn mác “made in China”.

Ngồi trên đoàn tàu cao tốc của chính Trung Quốc là một cách để trải nghiệm sự tiến bộ nhanh chóng của đất nước này. Hành khách đi từ Nam Kinh tới Thượng Hải với vận tốc mà chuyến tàu Amtrak từ New York đi Washington chỉ có thể mơ ước.

CSR vừa mới ký một thỏa thuận với General Electric để cùng cạnh tranh với liên danh Siemens và Alstoms trong dự án đường sắt cao tốc từ Florida tới California. Nếu CSR thành công, thập kỷ tới người Mỹ sẽ được biết tới công nghệ này.

Nhìn bên ngoài thì tàu cao tốc là biểu tượng cho bước chuyển mình của Trung Quốc từ vai trò công xưởng của thế giới tiến lên thành một nền kinh tế sáng tạo kỹ thuật cao.

Nhưng đoàn tàu trên còn là biểu tượng của một thứ khác, đó là quyết tâm của Trung Quốc có tiến bộ công nghệ bằng mọi giá, bao gồm cả lấy công nghệ từ phương Tây và chỉ cải biến đi đủ để coi đó là của mình.

Chiến lược này của CSR đã khiến đối tác cũ Kawasaki Heavy Industries, nhà sản xuất tàu siêu tốc Nhật Bản, tỉnh ngộ.

Các công ty phương Tây phải tiết lộ chi tiết về công nghệ của mình thì mới dành được hợp đồng và sau đó lại cạnh tranh với các mặt hàng gần như giống hệt từ các công ty nhà nước Trung Quốc.

Tập đoàn năng lượng nguyên tử Mỹ Westinghouse Electric vừa mới phải trao nộp 75.000 văn bản cho phía Trung Quốc, đây là một phần trong thỏa thuận xây bốn nhà máy năng lượng hạt nhân hiện đại tại nước này.

Tư duy cũ trong giới công nghệ và máy móc công nghiệp rằng Trung Quốc sẽ mất hàng thập kỷ để đuổi kịp họ nay đã hết thời.

Nếu Trung Quốc có thể tiếp thu các bí quyết trong ngành năng lượng và giao thông dễ dàng như khi làm tủ lạnh hay điều hòa nhiệt độ thì các ông lớn kiểu như GE và Siemen hãy coi chừng.

Thay vào đó, có một xu hướng mới đang lớn dần lên. Một công ty nhượng các tài sản trí tuệ của mình cho một công ty nhà nước (SOE) Trung Quốc và rồi sau khi khai thác hết thị trường nội địa Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh mới ra đời.

Chẳng có gì là ngẫu nhiên, cũng không phải chỉ là một vài SOE quá vội vàng mà đi quá ranh giới.

Trung Quốc muốn biến mình từ công xưởng của thế giới thành một nền kinh tế tiên tiến và đang sử dụng sức mạnh thị trường của mình để đi đường tắt bằng cách “tiêu hóa” tài sản trí tuệ của các nước khác.

Một báo cáo của Hội đồng Nhà nước đã kêu gọi “hấp thu, đồng hóa và cải biến các công nghệ nhập khẩu”.

Vụ đường sắt cao tốc đã khiến các công ty nước ngoài bị sốc nhưng họ vẫn không có đủ nghị lực để có thể cưỡng lại được. “Họ có kêu gào đôi chút nhưng không có chuyện tất cả đều nhổ trại lui quân,” Denis Simon, GS ĐH Bang Pennsylvania, nói.

Bài học mà chính phủ Trung Quốc nhận được sau vụ việc này là họ cứ thế mà “cải biến” mà chẳng cần sợ gì cả.

CEO GE, ông Jeff Immelt, phàn nàn tại một bữa tối hồi tháng 6 rằng Trung Quốc không muốn các công ty phương Tây “thắng thầu” nhưng nay GE lại hợp tác với CSR tại Mỹ trong khi Siemens liên danh với CSR trong một hợp đồng tại Saudi Arabia.

Sở trường bắt chước sản phẩm của Trung Quốc không phải là một thách thức mới đối với các nhãn hiệu Tây phương.

Khó mà quở trách gì nhiều Trung Quốc vì họ đang trải qua giai đoạn mà việc thực thi luật sở hữu trí tuệ vẫn còn lỏng lẻo. Trước đây, rất nhiều nước, kể cả Mỹ, cũng làm y như vậy.

Nhưng có sự khác nhau giữa vi phạm quyền tác giả phi chính thức (điều chính phủ Trung Quốc đã coi là một vấn nạn và cố gắng bài trừ) và việc “tiếp thu công nghệ” với cái gật đầu từ phía nhà nước.

Vi phạm quyền tác giả là khi một doanh nghiệp tư nhân phạm pháp trong khi “tiếp thu công nghệ” là một cố gắng chính thức nhằm nhảy cóc qua một giai đoạn phát triển công nghiệp.

Ngay cả Trung Quốc cũng thú nhận chiến lược này có yếu điểm của nó. CEO của các công ty tư nhân Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành công nghệ và phần mềm, lo rằng đất nước mình thiếu một văn hóa sáng tạo.

Bất chấp chất lượng giáo dục tại Thượng Hải có cao, họ vẫn lo rằng mọi người tư duy không đủ sáng tạo để tạo ra các Google mới trong tương lai.

Nếu Trung Quốc tự thỏa mãn rằng “sáng tạo một chút” và “cải biến” là đủ, có nguy cơ họ sẽ kẹt lại trên con đường trở thành một nền kinh tế tiên tiến.

Chính sách hiện nay của Trung Quốc làm lợi cho các SOE khi họ nhận được nguồn vốn (cả tri thức và tài chính) rẻ hơn các công ty tư nhân vốn có khả năng sáng tạo cao hơn.

Thomas Howell, luật sư thương mại tại Dewey & LeBoeuf, cho rằng Mỹ có thể kiện Trung Quốc ra WTO nhưng tự Trung Quốc sẽ nhận ra rằng mình phải thay đổi vì đây là điều có hại với chính Trung Quốc.

“Tăng trưởng của nước bạn cũng có giới hạn của nó nếu sáng tạo là đến từ nước khác,” ông nói.

Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa hiểu được điều này. Các công ty Mỹ như GE tiếp tục đưa công nghệ vào đất nước tỷ dân.

GE Healcare đang đầu tư 500 triệu đôla vào 6 cơ sở nghiên cứu mới tại Trung Quốc trong khi GE Aviation đã hợp tác với Avic, một SOE khác tại Trung Quốc, để cung cấp thiết bị điện tử hàng không cho máy bay thương mại C919 mới của nước này.

Khó mà tự mình đứng lên tranh đấu khi mà Trung Quốc nắm trong tay sức cầu của nền kinh tế lớn thứ hai và thị trường cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới.

Nước này đã có cả một lịch sử đàn áp những ai dám phản kháng và “khích lệ” những ai biết hợp tác trong im lặng.

Nhưng trừ khi các công ty biết hợp sức với sự hỗ trợ từ các công ty tư nhân Trung Quốc cũng bị chèn ép bởi các SOE hùng mạnh, họ sẽ vẫn mãi bị “chia” để rồi lần lượt bị “trị”.

Minh Tuấn
Theo Economist


ngocdiep

Trở lên trên