MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dubai phục hưng: Trở lại với tráng lệ

05-01-2013 - 18:45 PM | Tài chính quốc tế

Dubai quay trở lại với thời kỳ hùng mạnh như trước đó. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Dubai không muốn làm mọi việc trong im lặng. Vương quốc này chào đón năm mới 2013 bằng màn trình diễn pháo hoa hoành tráng bao trùm Burj Khalifa – tòa nhà cao nhất thế giới, cùng với buổi biểu diễn trực tiếp của dàn nhạc giao hưởng Prague Philharmonic. 

Trong đoạn video chạy trên màn hình đặt ở sảnh của Burj Khalifa, vị giám đốc đến từ Emaar – tập đoàn đứng đằng sau tòa nhà chọc trời này – giải thích tại sao tòa nhà lại cao như vậy: “Bạn phải làm được điều tưởng chừng như không thể, nếu không bạn sẽ giống với các công ty khác hay những người khác”.

Công trình mới nhất mà Dubai muốn vươn tới là tạo nên 1 thành phố nằm trong lòng thành phố, 1 công trình có qui mô lớn chưa từng có. Mohammed bin Rashid (MBR) City sẽ bao gồm hơn 100 khách sạn, trung tâm giải trí lớn nhất Trung Đông, 1 công viên to hơn cả Hyde Park của London cùng với trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới. 

Thời kỳ phục hưng của Dubai

Vừa được công bố hồi tháng 11 vừa qua, qui hoạch của siêu dự án này được coi là 1 tín hiệu cho thấy Dubai đang quay trở lại đúng quỹ đạo chỉ 3 năm sau khi “suýt chết”. Cuối năm 2009, Dubai World, tập đoàn đầu tư khổng lồ có sự hậu thuẫn của chính phủ Dubai, đã công bố không thể trả các khoản nợ. Sự kiện này đe dọa sẽ làm sụp đổ cả nền kinh tế. Sau đó, Dubai World nhận được gói cứu trợ từ Abu Dhabi, tỷ phú dầu mỏ đến từ Các tiểu vương quốc Arab (UAE), cũng như NHTW UAE.
 
Kể từ đó đến nay, Dubai đã đi được 1 chặng đường dài. IMF ước tính GDP 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011. Các hoạt động thương mại, vận tải và du lịch đều bùng nổ. Khối lượng thực phẩm và phương tiện giao thông nhập khẩu tăng 20% trong 6 tháng đầu năm 2012. Lượng hành khách đến sân bay quốc tế Dubai tăng gần 14%. Tỷ lệ đặt phòng ở các khách sạn lên tới 80%. Thị trường bất động sản xuất hiện nhiều dấu hiệu hồi sinh. Hồi tháng 9/2012, Emaar mở bán tòa nhà 63 tầng với 542 căn hộ và bán hết sạch chỉ trong ngày đầu tiên.

Tuy nhiên, Dubai không chỉ đơn thuần là 1 câu chuyện về những tòa nhà chọc trời được xây dựng trên cát bằng tiền đi vay mượn. Do trữ lượng dầu mỏ chỉ ở mức hạn chế, cách đây nhiều thập kỷ, các lãnh đạo Dubai đã quyết định phải đa dạng hóa hoạt động kinh tế. Emirates Airline là ví dụ tốt nhất cho chiến lược này khi trở thành một trong những hãng bay hàng đầu thế giới dù mới được thành lập từ năm 1985. Jebel Ali Free Zone là một trong những cảng trung chuyển lớn nhất thế giới và Trung tâm tài chính quốc tế Dubai là trung tâm tài chính của Trung Đông. 

Có được vị thế trung tâm của khu vực cùng với chính sách kinh doanh đa dạng chính là những lý do lý giải tại sao Dubai có thể trở thành nước được hưởng lợi nhiều nhất (ít nhất là về mặt kinh tế) từ phong trào Mùa xuân Arab. Tình trạng hỗn loạn khiến vốn, thương mại và cả nguồn nhân lực ồ ạt di chuyển đến Dubai. Khi những người hàng xóm Arab Saudi biểu tình, phần lớn tiền của người tiêu dùng được tiêu ở các trung tâm mua sắm của Dubai. Quan trọng hơn, Dubai đã trở thành “hầm trú ẩn an toàn” của khu vực Trung Đông. 

Nguy cơ tiềm ẩn

Tuy nhiên, sự phục hưng đang che dấu nhiều vấn đề tồn tại. Trong suốt thời kỳ bùng nổ nhà đất, các công ty bất động sản thi nhau gia tăng số nợ, như thể không còn có ngày mai. Điều này đặc biệt đúng với 3 tập đoàn lớn trực thuộc chính phủ Dubai: Dubai World, Investment Corporation of Dubai và Dubai Holding. Thậm chí, cho đến nay, các tập đoàn này nợ bao nhiêu vẫn là 1 con số chưa được xác định rõ ràng. IMF ước tính rằng số nợ của chính phủ Dubai cùng các tập đoàn có thể lên đến 130 tỷ USD, tương đương với GDP của Dubai. 

Để đối phó với tình trạng nợ, Dubai vẫn đang theo đuổi “chiến lược 4B” – chiến lược được đặt ra bởi ngân hàng đầu tư Ahmad Alanani of Exotix. Với gói cứu trợ của chính phủ Dubai, những người nắm giữ trái phiếu được trả tiền đầy đủ và đúng hạn. Kết quả là, Dubai có thể trở lại tiếp cận thị trường vốn và lợi suất trái phiếu giảm xuống nhanh chóng. 

Hơn 2/3 trong số 34 tỷ USD nợ xấu tại các ngân hàng được tái cấu trúc với những điều kiện chặt chẽ. Quyết định nhắm vào các ngân hàng cho thấy ngân hàng sẽ không dễ dàng ra đi như những người nắm giữ trái phiếu. Hiện nay, chính phủ Dubai nắm giữ lượng lớn cổ phần tại hầu hết các ngân hàng (chính phủ nắm tới 56% cổ phần của Emirates NDB, ngân hàng lớn nhất Dubai).

Các công ty có thể trả được nợ nếu như giá trị tài sản hồi phục đủ mạnh. Tuy nhiên, thị trường đang dự đoán các khoản nợ sẽ được tái cấu trúc 1 lần nữa. Ví dụ, hiện nay, các khoản nợ của Dubai World đang được giao dịch với giá 50 cent đổi 1 USD. Theo dự đoán của IMF, đến năm 2014 và 2015, Dubai Inc sẽ phải trả lần lượt 2 khoản nợ trị giá 8,4 và 7,9 tỷ USD. Và, các ngân hàng nước ngoài chắc chắn sẽ không thể 1 lần nữa chấp nhận mức giá như trên. 

Sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng chỉ diễn ra trong một vài mảng nhất định. Một dự án như MBR City chỉ tập trung vào phân khúc thị trường xa xỉ. Các tài sản khác vẫn gặp rất nhiều khó khăn. 

Mặc dù nền kinh tế đang phục hồi, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng lớn nhất Dubai vẫn tiếp tục tăng lên. Trong tháng 12 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm 3 trong số 4 ngân hàng này trong khi 1 ngân hàng còn lại bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Điều này có nghĩa là các dự án mới khó có thể kiếm được nguồn tiền. Thậm chí, một số người lo ngại rằng MBR City sẽ không dễ gì kiếm được nguồn vốn tài trợ. 

Quan trọng hơn cả, đằng sau câu hỏi liệu Dubai có sụp đổ 1 lần nữa là 1 câu hỏi khác: Dubai có cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng hay không? Trước khi lâm vào tình trạng khó khăn, phần lớn tăng trưởng của Dubai đến từ nguồn vốn vay mượn và tài nguyên thiên nhiên. Theo đánh giá của Citigroup, đây là mô hình tăng trưởng không bền vững. 

Dường như, chính phủ Dubai cũng đã nhận thức được điều này và đang cố gắng xây dựng Dubai thành 1 trung tâm dành cho các doanh nhân. Hồi tháng 12 năm ngoái, Dubai là nơi diễn ra “Hội nghị doanh nhân toàn cầu”. Trong qui hoạch của MBR City có bao gồm cả một “trung tâm công nghệ tầm cỡ thế giới”.

Tuy nhiên, Dubai vẫn tỏ ra khá chậm chạp trong việc hình thành khung pháp lý hữu ích cho các công ty khởi nghiệp. Luật phá sản vẫn chưa được ban hành, đồng nghĩa với việc các doanh nhân có thể bị bắt. Nếu chỉ có rất ít quyền lợi, chắc chắn tầng lớp ưu tú không thể có cảm hứng sáng tạo nên cái mới. Thứ mà Dubai cần xây dựng là thể chế xứng tầm với những ngôi nhà chọc trời nổi tiếng thế giới.

Thu Hương 

huongnt

Economist

Trở lên trên