MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quá tin các tổ chức xếp hạng tín dụng!

26-01-2012 - 09:32 AM | Tài chính quốc tế

Tuyên bố khi hạ xếp hạng của họ chỉ toàn nói đến cái mà thị trường đã biết chứ không phải cái thực tế đang diễn ra và sẽ xảy đến.

Dù phố Wall lo lắng rằng khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn, thị trường chứng khoán thế giới không phản ứng quá mạnh khi S&P hạ xếp hạng tín dụng của 8 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. S&P mới đây đã hạ xếp hạng của Pháp, Áo, 6 nước khác và quỹ giải cứu của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trên thực tế, chỉ số Morgan Stanley Capital International Europe và S&P 500 tăng trong nhiều ngày sau quyết định hạ xếp hạng.

Có lẽ cũng không có quá nhiều yếu tố để ngạc nhiên. Trong lịch sử, các quyết định hạ xếp hạng tín dụng thường là chỉ báo tồi về tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Tháng 11/1998, Moody hạ xếp hạng tín dụng của Nhật, trong 12 tháng tiếp theo sau đó, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nhật tăng hơn 26%. Năm 1992, khi Canada mất xếp hạng tín dụng AAA, thị trường chứng khoán Canada tăng 30% trong năm sau đó. Từ khi Mỹ bị hạ xếp hạng tín dụng vào tháng 8/2011, S&P tăng hơn 9%.

Nói như vậy cũng không có nghĩa quyết định xếp hạng tín dụng là tín hiệu để mua vào. Chỉ đơn giản các chuyên gia tại các tổ chức xếp hạng tín dụng đang đưa ra đánh giá của họ dựa trên thông tin mà thực ra thị trường đã biết. Ông Jeffrey Kleintop, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại LPL Financial, cho rằng xếp hạng tín dụng thực ra chỉ là chỉ báo chậm.

Ông nói: “Khi thị trường chứng khoán và trái phiếu không phản ứng mạnh sau thông tin hạ xếp hạng, rõ ràng thị trường thực ra đã biết về khả năng tín dụng điều chỉnh và nay đã nhận ra yếu tố cải thiện.”

Các chuyên gia quan sát thị trường nhấn mạnh rằng dù quan điểm của các tổ chức xếp hạng tín dụng có sức nặng, họ chỉ đại diện cho ý kiến của một nhóm nhỏ trên phố Wall. Ông James W. Paulsen, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Wells Capital Management, khẳng định: “Tôi chẳng nhìn thấy lý do tại sao tiếng nói của họ lại lớn hơn so với tiếng nói của số đông.”

Trên thực tế, khi S&P hạ xếp hạng tín dụng Mỹ xuống mức AA+ từ mức AAA, người ta đã nghĩ rằng động thái sẽ khiến nhà đầu tư thận trọng với trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ sẽ tăng cao hơn. Thế nhưng khi quyết định được công bố ngày 05/08, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm thực tế giảm xuống 2,03% từ mức 2,56%, dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư vẫn coi nợ chính phủ Mỹ như tài sản an toàn.

Ông Paulsen liên tưởng quyết định hạ xếp hạng tín dụng với động thái hạ lãi suất của Fed: “Đến khi Fed chính thức nâng lãi suất, thị trường hẳn đã đoán được điều đó.”

Vì vậy thay cho việc nhìn vào hành động của các tổ chức xếp hạng tín dụng, vậy nhà đầu tư nên đánh giá về khủng hoảng nợ châu Âu bằng cách anfo?

Ông Paulsen khẳng định ông thường dựa vào các chỉ báo của thị trường để đánh giá liệu tâm lý căng thẳng về châu Âu đang tăng lên hay giảm đi. Trong đó phải kể đến mức tăng trưởng của nhóm lĩnh vực có tính chu kỳ trong nền kinh tế so với nhóm lĩnh vực mang tính phòng thủ, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu lợi suất cao, rủi ro cao và trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Cả hai chỉ báo nói đến mức độ sợ hãi trên thị trường.

Từ mùa hè năm 2011, chỉ số của lĩnh vực tiêu dùng đã tăng trưởng 13%,chỉ số tiêu dùng thiết yếu tăng 8%; trong khi đó chênh lệch lợi suất trái phiếu thu hẹp, như vậy thị trường dường như mặc định rằng ngay cả nếu kinh tế châu Âu suy thoái, ảnh hưởng lên sự phục hồi của kinh tế Mỹ cũng không quá lớn.

Ông Robert C. Doll, trưởng bộ phận chiến lược kinh doanh cổ phiếu tại BlackRock, khẳng định nhà đầu tư chỉ nên quan tâm đến lợi suất trái phiếu chính phủ châu Âu, đặc biệt lợi suất trái phiếu chính phủ do chính phủ một số nước như Italy phát hành.

Trong ngày S&P hạ 2 bậc xếp hạng tín dụng của Italy xuống mức BBB+ từ mức A, lợi suất trái phiếu chính phủ Italy ở mức 6,64%, hiện nay lợi suất ở mức 6,34%.

Ông Simon Hallett, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại tổ chức quản lý tài sản Harding Loevner, khẳng định cần quan tâm đến “sức khỏe” của các công ty trong khu vực chứ không phải từng nước.

Và nếu xét trên phương diện đó, các chuyên gia phân tích thị trường khá lạc quan. Dù người ta sợ hãi rằng kinh tế của một vài nước trong khu vực đang tiến gần đến suy thoái, công ty thuộc chỉ số S&P 350 của châu Âu dự kiến vẫn sẽ công bố tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% trong năm 2011. Tăng trưởng lợi nhuận của các công ty sẽ có thể thay đổi qua thời gian, vì vậy cần chú ý. Những con số đó còn đáng quan tâm hơn tuyên bố của các tổ chức xếp hạng tín dụng.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên