MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng trông chờ vào châu Á

26-08-2011 - 09:23 AM | Tài chính quốc tế

Thật thái quá nếu khẳng định sự vững mạnh của kinh tế châu Á có thể đủ để “gánh vác” cho cả thế giới và ngăn đà đi xuống nói chung.

Trong cả thế giới nói tiếng Anh cũng như nhiều nước tại châu Á, người ta nói nhiều đến việc “nhảy ra khỏi một cái chảo nóng vào lửa” hay “thoát khỏi hổ sẽ bị cá sấu ăn thịt”, hay nói cách đơn giản và dễ hiểu nhất đối với người Việt “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Kinh tế Thái Lan, cũng giống như nhiều nền kinh tế khác tại châu Á, đã thoát khỏi suy thoái và hồi phục khá nhanh.

Năm nay, nhóm nền kinh tế tại châu Á đương đầu với rủi ro lạm phát cao. Cũng không ngạc nhiên khi vào ngày 24/08/2011, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần thứ 9 từ giữa năm 2010. Tuy nhiên quyết định này không thực sự được ủng hộ. Tình hình kinh tế u ám của Mỹ và châu Âu đã khiến triển vọng châu Á trở nên ảm đạm. Ai đó lại nghe thấy tiếng hổ gầm.

Năm 2010, khi các nền kinh tế châu Á hồi phục nhanh từ thời kỳ suy thoái, các nhà hoạch định chính sách kinh tế tại châu Á hết sức hài lòng với việc kinh tế nước họ phục hồi tốt. Hệ thống ngân hàng vững mạnh, tỷ lệ tiết kiệm cao và dự trữ ngoại hối đủ lớn để ngăn nhóm nền kinh tế này thoát khỏi thời kỳ tệ nhất của cơn bão tài chính.

Khi xuất khẩu sụt giảm quá nhanh và niềm tin “bốc hơi”, nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ trước khủng hoảng đã giúp cho họ có cơ hội nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ khi cần.

Tháng 4/2009, Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ lãi suất cơ bản xuống 1,25%, thấp hơn so với lãi suất tại phần lớn các nền kinh tế khác tại châu Á, ngoài ra còn tung ra gói kích thích tài khóa có giá trị trường đương 3% GDP. Nhóm nền kinh tế mới nổi tại châu Á chịu tác động nặng nề hơn tính toán của nhóm chuyên gia lạc quan nhưng phản ứng tốt hơn kỳ vọng của nhóm chuyên gia bi quan.

Tuy nhiên sự vững mạnh của các nền kinh tế có thể sẽ đương đầu với thử thách sớm hơn. Khi thông báo quyết định lãi suất mới nhất, Ngân hàng Trung ương Thái Lan không bỏ qua rủi ro đối với nền kinh tế đến từ Mỹ và châu Âu. Thái Lan vẫn rất dễ chịu tác động từ thay đổi trong thương mại toàn cầu: xuất khẩu (bao gồm máy điều hòa, máy ảnh, tủ lạnh); du lịch đóng góp hơn 70% GDP năm 2010.

Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Thái Lan hài lòng với doanh số bán hàng của Thái Lan sang các thị trường xung quanh cũng như một số thị trường mà doanh nghiệp nước này mới tiếp cận được. Năm 2010, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nước nhập khẩu hàng hóa Thái Lan lớn nhất.

Xu thế này không chỉ diễn ra ở Thái Lan. Tỷ lệ xuất hàng sang Mỹ và châu Âu của phần lớn các nước láng giềng xung quanh Thái Lan hiện thấp hơn so với trước khủng hoảng. Con số chính xác có thể gây nhầm lẫn. Hàng xuất khẩu của châu Á bao gồm linh kiện và phụ tùng, ban đầu được lắp đặt vào thành phẩm tại một nước khác, cuối cùng sẽ được xuất sang các nước phương Tây. Tuy nhiên, chẳng có gì phủ nhận xu thế mới.

Kinh tế các nước khu vực châu Á không dễ chịu tác động từ những yếu tố toàn cầu giống như năm 2008. Tuy nhiên, “con cá sấu” đang rất gần. Lạm phát của Thái Lan tháng 7/2011 chạm mức 4,1%, quá cao so với mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan nhưng thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng như Trung Quốc (6,5%), Ấn Độ (9,2%) và Việt Nam (hơn 20% tính đến tháng 8/2011).

Cuộc chiến chống lạm phát tại châu Á kéo dài hơn tính toán của phần lớn các nhà hoạch định chính sách. Con số lạm phát dự kiến sẽ không tính giá thực phẩm và hàng hóa vốn biến động mạnh nhưng giá hai loại mặt hàng này tác động rất lớn đến giá cả của nhiều loại mặt hàng khác. Một hậu quả của cuộc chiến lâu dài này chính là lãi suất danh nghĩa được điều chỉnh tăng mạnh.

Hiện nay, lãi suất cơ bản tại Indonexia là 6,75%, Ấn Độ 8%. Nếu kinh tế tăng trưởng kém, các Ngân hàng Trung ương vẫn sẽ có thể hạ lãi suất. Tại Singapore, chính sách tiền tệ được thực hiện thông qua cơ chế tỷ giá chứ không phải lãi suất. Khi lãi suất ở Mỹ ở mức thấp kỷ lục, đồng đôla Singapore nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh lên so với đồng USD.

Việc hạ lãi suất cơ bản sẽ giúp các nền kinh tế châu Á chống chọi được với việc kinh tế phương Tây tăng trưởng kém. Goldman Sachs, đã hạ dự báo về nâng lãi suất của Indonexia, Malaysia, Philippin và Đài Loan nhưng chỉ hạ rất nhẹ dự báo tăng trưởng GDP của nhóm nền kinh tế này.

Việc hạ lãi suất cũng giúp giảm giá đồng nội tệ các nước, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của họ ở nước ngoài nhưng chẳng có lợi gì cho nhóm nền kinh tế ngoài châu Á.

Chính sách hỗ trợ tài khóa sẽ hiệu quả hơn trong việc kích thích nhu cầu trên thế giới tăng trưởng, giống như giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2009 khi ngân sách khắp khu vực trở nên mất cân bằng. Thủ tướng mới của Thái Lan chuẩn bị chi tiêu mạnh tay.

Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách khắp các nước châu Á đang rất ngần ngại trong việc này. Phải đến tháng 6/2011 vừa rồi, chính quyền trung ương Trung Quốc mới có thể tính toán được hết chi phí của gói kích cầu tung ra từ thời khủng hoảng, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc hiện đang nợ nần chồng chất.

Nếu may mắn, có thể không cần thêm một gói kích cầu mới. Nước Mỹ sẽ giải quyết được vấn đề kinh tế hiện tại và châu Âu cũng vậy. Việc kinh tế nhóm nước phương Tây tăng trưởng chậm lại có thể giúp áp lực giá cả tại châu Á giảm bớt mà không tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế khu vực – khi con hổ ăn thịt con cá sấu. Tuy nhiên sẽ thật thái quá nếu khẳng định sự vững mạnh của kinh tế châu Á có thể đủ để “gánh vác” cho cả thế giới và ngăn đà đi xuống nói chung.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên