MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường đua tỷ phú (K2): Những kẻ buôn vua

26-06-2015 - 10:07 AM | Tài chính quốc tế

Dù cho đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa có một vị tổng thống tỷ phú nào, nhưng những cuộc đua tổng thống ở xứ cờ hoa luôn chịu sự thao túng của các tỷ phú, những người tung tiền ủng hộ một ứng cử viên nào đó, để dễ bề thao túng chính trường một khi ứng viên đó trở thành người quyền lực nhất hành tinh.

Từ Cộng hòa

Trong số báo ngày 20-4, tờ New York Times (NYT) cho biết 2 anh em tỷ phú Charles G. và David H. Koch dường như sẽ ủng hộ Thống đốc bang Wiscosin Scott Walker chạy đua vào Nhà Trắng. Tờ báo cho biết tại một sự kiện gây quỹ ở Manhattan cho Đảng Cộng hòa, David Koch nói với các nhà tài trợ rằng ông và anh trai mình - những người sở hữu khối tài sản ước tính lên tới 100 tỷ USD - tin rằng ông Walker có thể là ứng viên được đề cử của Đảng Cộng hòa.

“Khi các cuộc bầu cử sơ bộ kết thúc và ông Walker được đề cử, anh em tôi sẽ ủng hộ ông” - ông David Koch nói. 2 người tham dự sự kiện nói với NYT họ còn nghe ông David Koch đi xa hơn khi cho biết ông Walker sẽ được Đảng Cộng hòa đề cử. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của anh em tỷ phú phủ nhận điều đó. Dù vậy, NYT cho rằng không khó để biết được ai là “gà của nhà Koch”.

Trên báo USA Today ngày 21-4, Charles Koch lại nói rằng anh em ông sẽ ủng hộ 5 người chạy đua tổng thống, gồm Walker, Jeb Bush, Ted Cruz, Rand Paul và Marco Rubio. Ông cho biết gia đình ông sẽ ủng hộ nhiều ứng viên trước khi chọn một ứng viên duy nhất.

Một tỷ phú khác, ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson với tài sản khoảng 32 tỷ USD, có thể dành sự ủng hộ cho nghị viên diều hâu ở Florida, ông Marco Rubio. Trong mùa tranh cử tổng thống năm 2012, ông Adelson được biết đã chi tới 100 triệu USD cho “gà” của mình.

Ông Adelson hiện là người giàu thứ 12 ở Hoa Kỳ, theo Forbes. Rubio được tỷ phú gốc Do Thái ưu ái vì có những phát ngôn mạnh mẽ ủng hộ Israel. Những nguồn tin thân cận của Adelson còn cho biết Rubio đã tiếp cận tỷ phú này nhiều hơn bất kỳ ứng viên tổng thống nào khác và đã đưa cho ông Adelson xem kế hoạch chi tiết về ngoại giao của ông một khi làm ông chủ Nhà Trắng.

“Kể từ khi vào Thượng viện năm 2011, Rubio đã gặp riêng ông trùm vài chục lần. Trong những tháng gần đây, cứ 2 tuần ông lại điện thoại cho Adelson 1 lần, cung cấp thông tin mới nhất về chiến dịch tranh cử của mình” - Politico viết. Rubio cũng nhận được sự ủng hộ từ tỷ phú đầu tư Paul Singer, với tài sản khoảng 1,92 tỷ USD; và tỷ phú Norman Braman, với tài sản 1,89 tỷ USD.

Những ứng viên khác của Đảng Cộng hòa, theo tờ The Atlantic, cũng có sự hậu thuẫn từ các tỷ phú hoặc triệu phú. Chẳng hạn, Jeb Bush được sự ủng hộ của tỷ phú Woody Johnson, người có tài sản ước tính 1,38 tỷ USD; Chris Christie, Thống đốc New Jersey, được sự ủng hộ của tỷ phú Ken Langone, người có tài sản khoảng 2,7 tỷ USD.

Đến Dân chủ

Bên Đảng Dân chủ, có lẽ bà Hillary Clinton đang là ứng viên có nhiều tỷ phú chống lưng nhất. Hãng tin Bloomberg ngày 1-2 cho biết các tỷ phú Alice Walton, George Soros và Marc Benioff nằm trong số những người đang ủng hộ cho cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Mỗi người trong các tỷ phú nêu trên đã ủng hộ ít nhất 25.000USD cho Hillary PAC, một tổ chức được thành lập cách nay 1 năm để kêu gọi sự ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton năm 2016. Bloomberg cho biết trong năm 2014, Hillary PAC đã nhận được khoảng 4 triệu USD ủng hộ từ 30.000 nhà tài trợ. Hầu hết những người này đóng góp một khoản nhỏ, như 20,16USD, nhưng các tỷ phú Walton, Soros và Benioff là 3 trong số 33 người hoặc công ty đã ủng hộ từ 25.000USD trở lên.

Tính tới đầu năm nay, bà Clinton, 66 tuổi, vượt xa các ứng viên Đảng Dân chủ khác trong các cuộc thăm dò dư luận. Chẳng hạn, cuộc thăm dò của Washington Post-ABC News ngày 30-1 cho thấy bà nhận được tới 73% ủng hộ. Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, tỷ phú Walton là người giàu thứ 13 thế giới với tài sản 33,9 tỷ USD. Bà là con gái của nhà sáng lập chuỗi siêu thị Wal-Mart Stores Inc., Sam Walton.

Tỷ phú Benioff là CEO của Salesforce.com. Ông từng là người đóng góp nhiều nhất cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama năm 2012. Tỷ phú Soros là một huyền thoại trong giới đầu tư, ông cũng là một trong những nhà ủng hộ lớn nhất của Đảng Dân chủ nói chung. Ngoài các cá nhân, nhiều định chế/công ty đã ủng hộ rất lớn cho bà Clinton.

Theo số liệu của Open Secrets, Citigroup Inc đã ủng hộ tổng cộng 782.327USD, trong đó ủng hộ cá nhân bà Clinton 774.327USD, và các tổ chức ủng hộ bà 8.000USD; Goldman Sachs ủng hộ tổng cộng 711.490USD, trong đó ủng hộ bà 701.490USD và các tổ chức ủng hộ bà 10.000USD; DLA Piper ủng hộ tổng cộng 628.030USD; JPMorgan Chase & Co ủng hộ 620.919USD; EMILY's List ủng hộ 605.174USD; Morgan Stanley ủng hộ 543.065USD...

Kinh doanh giỏi, chính trị hay?

Sự ủng hộ của các tỷ phú hiển nhiên sẽ đi kèm với những thỏa thuận ngầm về các đối sách trong tương lai của vị tổng thống đắc cử. Vì vậy, Donald Trump đã nhấn mạnh rằng bản thân ông là tỷ phú, nên ông sẽ là một ứng cử viên không bị ảnh hưởng của người khác (xem Kỳ 1).

Nhiều người cũng hy vọng các tỷ phú sẽ trở thành những người điều hành đất nước, ngoài việc họ có thể độc lập về kinh tế, người ta hy vọng với tài kinh doanh, các tỷ phú sẽ giúp đẩy mạnh kinh tế nước nhà ở vị trí người điều hành cao nhất.

Tuy nhiên, các tỷ phú làm nguyên thủ có giỏi không? Vì Hoa Kỳ chưa có nguyên thủ tỷ phú, hãy nhìn xem một số nguyên thủ tỷ phú ở các nước khác. Đầu tiên, ông vua chocolate Petro Poroshenko được bầu Tổng thống Ukraine với hy vọng sẽ xoa dịu chiến tranh với Nga và bắt cầu với phương Tây. Ông cũng được kỳ vọng vực dậy nền kinh tế đang suy sụp của của Ukraine. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình Ukraine hiện nay, có thể thấy tất cả kỳ vọng đó đã hoàn toàn sụp đổ.

“Bản thân Poroshenko là một doanh nhân mạnh mẽ, nhưng chính trị và kinh doanh là hoàn toàn khác nhau” - GS. Olexiy Haran của Đại học Quốc gia Kyiv-Mohyla Academy nói. Thứ hai, trường hợp của tỷ phú Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi. Ông lãnh đạo đất nước từ năm 1994-2011 và Italia hiện là một trong những nước bị khủng hoảng ở châu Âu; bản thân Berlusconi bị dính nhiều bê bối, từ trốn thuế đến tình dục.

Rõ ràng cả nền chính trị và kinh tế ở Italia đều đi xuống sau thời gian dài dưới sự lãnh đạo của tỷ phú này. Hay nhìn sang Thái Lan, với tỷ phú truyền thông Thaksin Shinawatra. Sau thời lãnh đạo của ông Thaksin, Thái Lan liên tiếp rơi vào rắc rối chính trị, bản thân ông hiện phải sống lưu vong ở nước ngoài do trốn án cáo buộc tham nhũng ở quê nhà.

Theo Vĩnh Cẩm

Sài Gòn Đầu Tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên