MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Economist công bố phân tích quan trọng về các nền kinh tế mới nổi

01-07-2011 - 00:15 AM | Tài chính quốc tế

Economist tính toán về nhóm nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, bằng 6 chỉ số và đưa ra một số kết luận.

Khi chuyên gia kinh tế Antoine van Agtmael và sau này đến Ngân hàng Thế giới đưa ra thuật ngữ “nhóm nước mới nổi” cách đây khoảng 30 năm, các nền kinh tế này đóng góp khoảng 1/3 GDP toàn cầu (tính theo ngang giá sức mua). Hiện nay, họ đóng góp hơn 50%. Đáng chú ý hơn, nhóm nước mới nổi sản xuất khoảng hơn 4/5 tổng tăng trưởng GDP thực trong 5 năm qua.

Dù nhóm nước này quan trọng đến thế nào đi nữa, các chuyên gia kinh tế thường nhóm các nước này lại, không chung với nhóm nước phát triển. Khi truyền thông không ngừng đưa tin về lạm phát, tín dụng ngân hàng tăng và dòng vốn đầu tư ồ ạt có thể khiến người ta nghĩ rằng phần lớn các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng quá nóng. Trên thực tế, chỉ có một số nền kinh tế tăng trưởng nóng, nhóm còn lại chỉ tăng trưởng vừa phải. Economist đưa ra danh sách những nền kinh tế tăng trưởng nóng nhất.

Biểu đồ trên đây xếp hạng 27 nền kinh tế mới nổi xét đến rủi ro tăng trưởng quá nóng của từng nước. Economist tính toán về từng nền kinh tế dựa trên 6 chỉ số khác nhau. Các chỉ số sau đó được cộng tổng lại để tính ra một chỉ số nói chung. Mức 100 cho thấy nền kinh tế đó tăng trưởng quá nóng, tính với tất cả các chỉ số.

Thứ nhất, khởi đầu với lạm phát, lạm phát tại các nước mới nổi tăng nhanh hơn so với các nước phát triển. Đến tháng 5/2011, lạm phát tại các nước này trung bình ở mức 6,7%. Thế nhưng lạm phát ở các nước không giống nhau, từ mức 1,7% ở Đài Loan cho đến khoảng 20% ở Việt Nam, Venezuela và Achentiga.

Lạm phát tăng cao chủ yếu do giá thực phẩm tăng; so với nhóm nước giàu, thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tiêu dùng tại nhóm nước mới nổi. Vậy nếu giá thực phẩm hạ nhiệt, lạm phát toàn phần tại các nước này có thể giảm trong năm nay.

Tại Trung Quốc, lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 2,4% thế nhưng tăng tới 5,5% tại Braxin và 8% tại Ấn Độ. Khi tăng trưởng vẫn lên cao bất chấp năng lực sản xuất còn hạn chế và điều kiện thị trường lao động còn hạn chế, lạm phát thực phẩm có thể tác động mạnh đến lương và nhiều loai giá cả khác.

Thứ hai, Economist so sánh tốc độ tăng trưởng GDP trung bình từ năm 2007 với tốc độ tăng trưởng của 10 năm trước đó. GDP của Achentina, Braxin, Ấn Độ và Indonexia đã tăng trưởng cao hơn xu thế dài hạn nhưng tại Hungary, cộng hòa Séc, Nga, Nam Phi lại dưới xu thế này. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng thấp hơn so với xu thế.

Thứ ba, thị trường lao động đóng vai trò quan trọng trong tính toán về các nền kinh tế. Nhờ các biện pháp cải cách, tiềm năng tăng trưởng GDP của một nước có thể tăng dần qua thời gian. Tuy nhiên, khi tình hình thị trường lao động còn nhiều khó khăn, nền kinh tế của một số nước đang tăng trưởng quá nhanh nhưng không bền vững. Tại Achentina, Braxin, Indonexia và Hồng Kông, thất nghiệp hiện đang ở dưới mức trung bình trong 10 năm. Tỷ lệ thất nghiệp của Braxin ở mức thấp kỷ lục và lương đang tăng nhanh.

Thứ tư, cần xét đến tăng trưởng tín dụng, một trong những yếu tố rất quan trọng dẫn đến bong bóng tài sản hay lạm phát. Cách tính toán tốt nhất về việc liệu tín dụng có tăng trưởng quá nóng hay không chính là chênh lệch giữa tín dụng ngân hàng và GDP danh nghĩa. Tại các nền kinh tế mới nổi, khi lĩnh vực tài chính tăng trưởng nhanh, tín dụng có thể tăng trưởng nhanh hơn một chút so với GDP. Thế nhưng hiện tín dụng đang tăng trưởng nhanh một cách đáng báo động tại Achentina, Braxin, Hồng Kông và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong năm qua, tín dụng dành cho lĩnh vực tư nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hồng Kông tăng trưởng cao hơn 20% so với GDP danh nghĩa. Thế nhưng chẳng phải nước mới nổi nào cũng ngập thanh khoản. 10/27 nước mới nổi, bao gồm Nga, Nam Phi, Ai Cập, Chile, tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với GDP. Tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc đã giảm một nửa trong năm qua và hiện nay khá cân xứng với tăng trưởng GDP.

Thứ năm, xét đến lãi suất thực, hiện đang ở mức âm tại hơn một nửa trong nhóm 27 nền kinh tế các nước mới nổi. Điều này có thể phù hợp ở nơi nhu cầu yếu thế nhưng tại nhóm nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Achentina, Ấn Độ, Việt Nam và Hồng Kông, lãi suất thực âm đang khiến tín dụng và lạm phát tăng nhanh hơn.

Lãi suất thực tại Braxin đang ở mức 6%, cao nhất trên thế giới. Lãi suất thực tại Trung Quốc dương ở mức thấp nhưng chưa đủ để nói hết về các chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Trung ương đã nâng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hạn chế tăng trưởng tín dụng.

Thứ sáu, xét đến cán cân vãng lai. Thâm hụt tài khoản vãng lai có thể là chỉ báo cho việc kinh tế tăng trưởng quá nóng, nhu cầu nội địa vượt quá nguồn cung. Vấn đề này tại Thổ Nhĩ Kỳ khá căng thẳng, thâm hụt lên tới 8% GDP trong năm nay từ mức 2% vào năm 1999. Thâm hụt tài khoản vãng lai tại Braxin hay Ấn Độ cũng cho thấy nhu cầu nội địa đang tăng quá nhanh.

Tính cả 6 chỉ số này, Economist đưa ra nhóm nền kinh tế đang tăng trưởng nóng: Achentina, Braxin, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonexia, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Achentina là nước duy nhất với 6 chỉ số đều ở mức đỏ thế nhưng Braxin và Ấn Độ cũng không kém hơn mấy. Trung Quốc, nước thường ở tâm điểm của những nỗi lo lắng về khả năng kinh tế tăng trưởng quá nóng, lại ở ngưỡng khá an toàn, nhờ các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay. Nhóm nước Nga, Mehico và Nam Phi đang ở trong ngưỡng an toàn, rủi ro tăng trưởng quá nóng khá thấp.

Nhóm nền kinh tế tăng trưởng quá nóng với lãi suất thực âm cần điều chỉnh nâng lên. Chính sách tài khóa tại nhiều nước hiện khá lỏng lẻo. Thâm hụt ngân sách đã giảm nhẹ so với năm 2009 nhưng chủ yếu bởi tăng trưởng cao khiến nguồn thu từ thuế tăng lên. Nhìn chung, 6/7 nền kinh tế đang có thâm hụt ngân sách khá cao (Ấn Độ thâm hụt tới 8% GDP), duy nhất ngân sách của Hồng Kông thặng dư. Nước nào cố tình lờ đi các dấu hiệu cảnh báo sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề.

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên