MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Eurozone trông chờ vào người Đức

04-09-2014 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Tiền lương và giá cả ở một vài nước đang giảm. Đức có thể bù đắp bằng cách tăng lương. Nếu Đức không làm như vậy, eurozone đối mặt với nguy cơ giảm phát trên toàn khu vực.

Có thể phần lớn người Pháp sẽ đổ lỗi cho Đức – hoặc ít nhất là cho chính sách thắt lưng buộc bụng được Thủ tướng Đức Angela Merkel “kê đơn” cho eurozone – đã gây ra tình trạng trì trệ của châu Âu. Tuy nhiên, người Đức sẽ không che giấu niềm tự hào rằng nền kinh tế Đức là “cỗ xe” mạnh mẽ nhất kéo châu Âu ra khỏi vũng lầy. Thế nhưng, Đức vừa công bố loạt số liệu gây bất ngờ: sản lượng quý II giảm 0,2% so với quý I sau khi điều chỉnh, trong khi hoạt động sản xuất cũng suy giảm 1%.

Một phần nguyên nhân nằm ở công tác thống kê. Vì mùa đông vừa qua quá lạnh giá, hoạt động xây dựng trong quý I sôi động hơn so với mức bình thường. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng địa chính trị (đặc biệt là ở Ukraine) có tác động lớn hơn rất nhiều. Xuất khẩu của Đức sang Nga sụt giảm mạnh. Xét về thời gian, sự sụt giảm này xuất phát từ dự báo sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt hơn là từ những lệnh trừng phạt đã được đưa ra.

Điều tồi tệ hơn nằm ở chỗ bất ổn khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trì hoãn hoạt động đầu tư. Chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức đã sụt giảm trong tháng 8.

Dẫu vậy, bất chấp những rủi ro mới này, những yếu tố cơ bản cho thấy nền kinh tế Đức khá khỏe mạnh. Ngân sách đang ở gần trạng thái cân bằng. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và thậm chí thiếu hụt lao động đang trở thành vấn đề. 

Điều tốt nhất mà Đức có thể đóng góp cho sự phục hồi của nền kinh tế eurozone là tăng lương. Tháng 7 vừa qua, Jens Weidmann, Chủ tịch của NHTW Đức Bundesbank đã kêu gọi tăng lương trung bình 3%. Đến năm 215, mức lương trung bình mới sẽ đạt 11,22 USD/giờ. 

Theo Michael Burda - chuyên gia kinh tế học đến từ ĐH Humboldt, tăng lương ở Đức sẽ tạo nên "cơ chế Hume trong công việc". "Cơ chế Hume" mà ông đề cập đến là quá trình được mô tả lần đầu tiên bởi David Hume ở thế kỷ 18, theo đó các nước theo chế độ bản vị vàng sẽ điều chỉnh tình trạng mất cân đối bằng cách tăng hoặc giảm giá cả và tiền lương chứ không phải bằng cách phá giá hoặc nâng giá đồng nội tệ. Burda cho rằng eurozone đã áp dụng "chế độ bản vị vàng" bằng đồng euro đối với 18 nước thành viên. 

Tiền lương và giá cả ở một vài nước đang giảm. Đức có thể bù đắp bằng cách tăng lương. Nếu Đức không làm như vậy, eurozone đối mặt với nguy cơ giảm phát trên toàn khu vực. 

Các doanh nghiệp Đức chắc chắn có đủ khả năng để làm việc này. Được biết đến là "kẻ ốm yếu" của châu Âu 10 năm trước, Đức đã thành công trong quá trình cải tổ thị trường lao động được khởi động từ năm 2003. Các doanh nghiệp thường tăng lương ở dưới mức lạm phát và tăng trưởng GDP. Điều này giúp hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh hơn, đặc biệt là trong các ngành như chế tạo máy và hóa chất. Tuy nhiên, sức tiêu dùng của người lao động cũng chịu nhiều áp lực và sự kết hợp của hai yếu tố dẫn đến thặng dư thương mại khổng lồ. 

Nếu Đức chấp nhận tăng lương, xu hướng bấy lâu nay sẽ đảo ngược hoàn toàn. Thặng dư thương mại sẽ được thu hẹp đáng kể, giống như yêu cầu của cả Mỹ và châu Âu. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên