Khi rủi ro suy thoái kinh tế
ngày một gần hơn, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đầu tư hy vọng chủ
tịch Fed trong ngày thứ Sáu tuần này sẽ sẵn sàng tung ra kế hoạch kích thích
kinh tế thêm một lần nữa và cứu kinh tế Mỹ khỏi thảm họa.
Sau cùng, Quốc hội Mỹ không
hề muốn tiếp tục kích thích tài khóa, thay vào đó chỉ muốn thắt chặt chính sách
tài khóa hơn nữa.
Tuy nhiên, có lý do để tin
các công cụ còn lại của Fed có thể đang mất đi tác dụng.
Chính sách tiền tệ phát huy
hiệu quả tốt nhát khi Fed hạ lãi suất, các ngân hàng có cơ hội để tiếp tục cho
vay tiền. Nếu người dân và các công ty vay được thêm tiền, họ sẽ có thể mua
thêm được nhiều hàng hóa, dịch vụ, tạo ra thêm nhu cầu và cuối cùng đến việc
làm.
Hiện nay lãi suất vốn đã ở
mức thấp, (và bao lâu nay vẫn thế), vì vậy Fed không thể hạ lãi suất thêm nữa.
Fed sẽ phải thực hiện thêm nhiều biện pháp bất thường khác.
Fed đã hai lần thực hiện
chương trình mua tài sản, cái được gọi với tên “chương trình nới lỏng định
lượng” (QE1 và QE2). Chương trình đặt mục tiêu hạ lãi suất dài hạn, và trên lý
thuyết, sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế trên 2 phương diện.
Thứ nhất, nó sẽ khuyến khích
người ta vay thêm nhiều tiền hơn, vì thế các công ty và người tiêu dùng sẽ có
thêm nhiều tiền để chi tiêu.
Thứ hai, lãi suất thấp trong
dài hạn sẽ khuyến khích nhà đầu tư rót tiền nhiều hơn vào tài sản có độ rủi ro
cao, như cổ phiếu. Tại sao? Lợi suất trái phiếu dài hạn không mang lại nhiều
lợi nhuận, nhà đầu tư phải tìm đến tài sản có lợi suất cao ở chỗ khác.
Nếu nhà đầu tư bắt đầu mua
tài sản rủi ro, giá những loại tài sản này sẽ tăng. Người tiêu dùng thấy danh
mục đầu tư của họ có giá trị cao hơn, họ cảm thấy giàu có và chi tiêu nhiều
hơn. Hiện tượng này được biết đến với cái tên “hiệu ứng tài sản”.
Tuy nhiên hiện nay các biện
pháp có thể không phát huy hiệu quả như cách đây 3 năm.
Sau 2 chương trình nới lỏng
định lượng, lãi suất dài hạn đã ở mức
quá thấp. Hiện chưa thể rõ việc Fed hạ lãi suất thông qua chương trình nới lỏng
định lượng lần 3 (QE3) có thể khuyến khích được đầu tư vào các tài sản rủi ro
hay không, hoặc tăng cường chi tiêu. Nhiều công ty không muốn vay tiền bởi nhu
cầu mua hàng quá yếu và chi phí tín dụng cao.
Nếu nhà đầu tư bắt đầu đầu tư
vào tài sản có lợi suất cao, họ sẽ có thể rót tiền vào hàng hóa như dầu. Hiện
nay, giá hàng hóa đã cao hơn so với cùng kỳ, giá năng lượng và thực phẩm sẽ
khiến người tiêu dùng mạnh tay hạn chế chi tiêu hơn nữa.
Nhiều chuyên gia kinh tế hiện
vẫn đang tranh cãi liệu chương trình nới lỏng định lượng gần nhất có phát huy
hiệu quả hay không.
Chuyên gia kinh tế tại RBC
Capital Markets trong thư gửi khách hàng viết: “Nếu cho rằng QE2 thành công,
chúng ta hẳn đã không có QE3. Thị trường có thể đã có cái mà nó mong muốn thế
nhưng sẽ chẳng có phép thần nào ở đây cả.”
Ngoài nới lỏng định lượng,
Fed có thể đưa ra biện pháp khác. Fed có thể thay đổi cấu trúc chứ không phải
quy mô của những tài sản trong bảng cân đối kế toán để nó có thời hạn dài hơn.
Cũng giống như chương trình
nới lỏng định lượng, lãi suất trong dài hạn có thể giảm, mang đến cả lợi ích và
tác hại. Người ta tranh cãi nhiều về việc các biện pháp sẽ hiệu quả như thế
nào. Nếu nhu cầu tín dụng vẫn ở mức thấp, việc khuyến khích các ngân hàng cho
vay sẽ không mang lại nhiều tác dụng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho
rằng công cụ tốt nhất mà Fed có thể sử dụng chính là thông báo Fed đang nâng
lạm phát mục tiêu trong trung hạn.
Nếu giá tăng, ngân hàng,
doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi tiền trước khi tiền mất giá
trị. Nó sẽ tạo ra tác động quan trọng lên nền kinh tế, bởi chi tiêu nhiều hơn
đồng nghĩa nhu cầu hàng hóa dịch vụ tăng, các công ty tuyển dụng thêm nhân
viên.
Ngoài ra, lạm phát sẽ làm
giảm gánh nặng nợ của nhiều người và khiến quá trình trả nợ trở nên bớt khổ sở.
Vấn đề ở chỗ, lạm phát cũng
gây ra nhiều tác hại, đặc biệt nếu kinh tế tăng trưởng kém, giống như thời kỳ
lạm phát đình đốn thập niên 1970. Việc không thể đoán nổi một hộp sữa có giá
bao nhiêu thật đáng sợ, đặc biệt nếu lương của bạn không tăng đủ để tương xứng
với mức tăng của giá cả.
Lạm phát hiện đang ở mức
thấp, dù vậy, vẫn cao hơn so với cách đây 1 năm khi Fed chuẩn bị tung ra QE2.
Nhóm nhà hoạch định chính sách thuộc Ủy ban thị trường mở của Fed (FOMC) đang
trở nên căng thẳng. Bởi ông Bernanke không thể đơn phương đưa ra chính sách
kích cầu, khả năng Fed nâng lạm phát mục tiêu trong tương lai gần khá thấp. Tuy
nhiên phải nhớ, Fed luôn khiến người ta ngạc nhiên.
Đình Hảo