MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fed “mua thời gian" cho các nước mới nổi

20-09-2013 - 08:13 AM | Tài chính quốc tế

Quyết định đầy bất ngờ được Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra là một “món quà” dành cho nhà đầu tư tại các nền kinh tế mới nổi – nơi mà các đồng tiền đang mất giá kỷ lục.

Denise Simon – chuyên gia đến từ công ty quản lý tài sản Lazard – nhận định quyết định của Fed khiến mọi người có thể thở phào nhẹ nhõm trong giây lát. Đồng real của Brazil, lira của Thổ Nhĩ Kỳ và rand của Nam Phi đã đồng loạt tăng hơn 2% trong phiên hôm nay. Trong khi đó, chỉ số Ibovespa của TTCK Brazil tăng điểm mạnh nhất trong số 94 chỉ số chứng khoán trên toàn cầu. 

Như vậy, Chủ tịch Fed Ben Bernanke đã trì hoãn động thái thu hẹp gói kích thích tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Động thái này ngay lập tức giúp trấn an các nhà đầu tư vốn đã ồ ạt bán tháo tài sản trên các thị trường mới nổi suốt từ tháng 5 đến nay. Với lo ngại lãi suất ở Mỹ sẽ tăng lên và dẫn đến tình trạng vốn bị rút ra ồ ạt, nhóm gồm 20 đồng tiền được giao dịch sôi động nhất ở các thị trường mới nổi đã sụt giảm 7,4% kể từ tháng 5 tới tháng 8 – mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây. 

Quyết định này được đưa ra đúng lúc dữ liệu kinh tế ở các nước, từ Trung Quốc tới Brazil, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hồi phục, đặc biệt là các nước phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn vốn từ nước ngoài như Brazil và Ấn Độ. 

Đồng real và đồng rand 

Real – đồng nội tệ của Brazil – đã dẫn đầu xu hướng tăng giá của các đồng nội tệ của các nước đang phát triển khi tăng 3,2%, lên 2,1860 real/USD. Đồng tiền này đã tăng tổng cộng 9,1% trong tháng 9, hướng tới tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2011. 

Đồng rand của Nam Phi cũng tăng 2,2% trong phiên hôm qua và đang hướng tới tháng tốt đẹp nhất kể từ tháng 5/2009.

Theo Paul Denoon - chuyên gia đến từ AllianceBernstein Holding, quyết định của Fed đã tạo ra môi trường tốt hơn rất nhiều cho các tài sản rủi ro. Điều này là quan trọng bởi một trong những mối lo ngại của các thị trường này là dòng vốn bị rút ra ồ ạt khi lãi suất ở Mỹ tăng lên. Quyết định của Fed đã tạo ra sự ổn định. 

Cách đây không lâu, cùng với đồng rand và real, đồng rupee của Ấn Độ, rupiah của Indonesia và lira của Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt bị Morgan Stanley hạ thấp triển vọng với nguyên nhân là do phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn ngoại. 

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 9, cơn bán tháo đã bị đảo ngược. Các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc và Brazil đã hồi phục trong khi báo cáo về thị trường việc làm Mỹ gây thất vọng và điều này làm tăng khả năng gói QE còn được kéo dài. 

Hơn nữa, xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt 7,2% trong tháng 8, vượt mọi dự báo của giới phấn tích. Doanh số bán lẻ của Brazil cũng tăng nhanh gấp 10 lần so với dự báo. Người dân Brazil đã chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm, quần áo và thiết bị. 

"Quá lạc quan"

“Mọi người đang "đối xử tệ bạc với các thị trường mới nổi", Pablo Cisilino - chuyên gia đến từ Stone Harbor Investment Partners LP - nhận định. Ông cho rằng thị trường đang quá lạc quan về tăng trưởng của các thị trường phát triển trong khi lại quá bi quan về thị trường mới nổi. Giờ đây, xu hướng lại được đảo ngược. 

Sự ổn định của thị trường khuyến khích người đi vay ở các nước đang phát triển quay trở lại với thị trường nợ quốc tế. Các công ty như America Movil SAB - công ty điện thoại lớn nhất châu Mỹ Latinh - và Ecopetrol (công ty dầu mỏ đến trực thuộc nhà nước Colombia) đã huy động được tổng cộng 16,8 tỷ USD qua kênh trái phiếu. Trong tháng 8, con số chỉ là 7,5 tỷ USD. 

NHTW Brazil cũng vừa thông báo chương trình can thiệp vào các hợp đồng hoán đổi tiền tệ trị giá 60 tỷ USD với mục đích hỗ trợ đồng real. NHTW Ấn Độ cũng tung ra gói kích thích mà theo dự đoán của Barclays sẽ giúp thu hút được 10 tỷ USD vốn ngoại. 

Rõ ràng là, quyết định của Fed đã mang đến thời gian cho các nước muốn củng cố những lá chắn của nền kinh tế và cân bằng lại nền kinh tế của họ. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên