MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

G7 cam kết tránh chủ nghĩa bảo hộ

15-02-2009 - 15:52 PM | Tài chính quốc tế

Đây là cam kết trong bản dự thảo tuyên bố chung của G7 đưa ra hôm thứ Bảy 14-2.

Bản dự thảo của G7 tuyên bố “Sự ổn định kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính vẫn là ưu tiên cao nhất của chúng tôi…, chúng tôi đã cùng tiến hành những biện pháp đặc biệt để xử lý những thách thức này. Chúng tôi khẳng định cam kết sẽ cùng nhau hành động, sử dụng tất cả mọi công cụ chính sách để hỗ trợ sự tăng trưởng, việc làm và củng cố lĩnh vực tài chính”.
 
Tuy nhiên, bản dự thảo lại không cho biết những đề xuất cụ thể nào được đưa ra thảo luận trong ngày thứ hai, và cũng là ngày cuối cùng của hội nghị bộ trưởng tài chính G7 tổ chức tại Rome, thủ đô Ý.

Bản tuyên bố cũng phản ánh những nhận định của các đại biểu hàng đầu rằng, chủ nghĩa bảo hộ - khi các nước thực thi những biện pháp có lợi cho nền kinh tế của mình mà gây thiệt hại cho nước khác – là một mối đe dọa cho sự ổn định.

“G7 tiếp tục cam kết tránh mọi biện pháp mang tính bảo hộ, hạn chế việc dựng lên những rào cản mới trong thương mại thế giới", bản tuyên bố viết.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick tham dự hội nghị cùng với lãnh đạo của các tổ chức tài chính quốc tế khác, trước đó phát biểu rằng, mọi nỗ lực giữ đồng tiền “cứu nguy” trong nội địa cũng đều làm cho cuộc khủng hoảng toàn cầu thêm tồi tệ chứ không phải giải quyết nó.

“Trong lúc này, chủ nghĩa dân tộc kinh tế vừa không kinh tế vừa không dân tộc… điều được coi là đúng đắn về chính trị lại không đúng đắn về kinh tế. Sức ép chính trị quốc gia là rất lớn nhưng rõ ràng những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt không gói gọn trong phạm vi biên giới quốc gia”, ông Zoellick nói.

Hội nghị G7 diễn ra trong lúc kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái trầm trọng. Các số liệu công bố trong ngày khai mạc hội nghị cho thấy quí 4-2008 vừa qua kinh tế Đức suy giảm 2,1% so với quí trước và là mức suy giảm nặng nhất kể từ ngày nước Đức thống nhất năm 1990. Cùng thời gian này kinh tế Pháp và Ý (cũng trong nhóm G7) suy giảm 1,2% và 1,8%.

Bản tuyên bố ca ngợi những biện pháp kích cầu mà nhiều nước đang thực hiện, tuyên dương cam kết của Trung Quốc thực hiện một chính sách tỷ giá linh hoạt hơn có thể dẫn tới sự tăng giá của đồng nhân dân tệ so với các ngoại tệ khác.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đã phơi bày những “yếu kém căn bản trong hệ thống tài chính quốc tế, và cần có những cuộc cải tổ khẩn cấp”, bản tuyên bố viết. Bộ trưởng Tài chính Ý, chủ trì hội nghị, đề xuất những “tiêu chuẩn pháp lý” cho hoạt động tài chính toàn cầu, nhưng không cho biết những tiêu chuẩn đó sẽ như thế nào.

Và do G7 không có tiếng nói của các nền kinh tế đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil... nên giới phân tích gần như đồng ý rằng hội nghị này không phải là diễn đàn thích hơp để xử lý những câu hỏi hóc búa mà thế giới đang đối mặt.

Mọi hy vọng được dồn cho hội nghị thượng đỉnh G20, gồm G7 và các nền kinh tế đang phát triển cỡ lớn, sẽ họp tại London vào đầu tháng 4 để đề ra những nỗ lực đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như để ngăn ngừa sự tái diễn một cuộc khủng hoảng như vậy trong tương lai.

Theo H.H
TBKTSG

thanhtu

Trở lên trên