MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

G7 vẫn cần Nga

08-06-2015 - 08:15 AM | Tài chính quốc tế

Diễn ra ở bang Bavaria - Đức trong 2 ngày 7 và 8-6, Hội nghị G7 năm nay đánh dấu năm thứ hai liên tiếp, các nhà lãnh đạo Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản nhóm họp mà không có mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Một năm sau khi tập hợp các đồng minh chủ chốt trong việc trừng phạt Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mới nhất để thúc giục họ quyết tâm cô lập Moscow hơn.

Ông Obama tìm ủng hộ từ G7

Diễn ra ở bang Bavaria - Đức trong 2 ngày 7 và 8-6, Hội nghị G7 năm nay đánh dấu năm thứ hai liên tiếp, các nhà lãnh đạo Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản nhóm họp mà không có mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đằng sau cuộc hội đàm gay go về Nga của Tổng thống Obama và các đồng minh là một thực tế: Dù không cường quốc nào trên thế giới tin rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao làm nhà lãnh đạo Nga từ bỏ kế hoạch của mình về Ukraine hoặc từ bỏ Crimea, họ vẫn chưa có kế hoạch đổi thay chiến lược.

Trước mắt, các nhà lãnh đạo G7 hy vọng sau 2 ngày hội đàm, họ sẽ đạt được thỏa thuận duy trì lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng như cam kết áp đặt đòn trừng phạt kinh tế dữ dội hơn nếu Moscow leo thang căng thẳng ở Ukraine.

Kênh Fox News nhận định Tổng thống Putin vẫn là nhân vật chính trong việc giải quyết nhiều vấn đề trên thế giới. Nga hiện là đối tác của Mỹ và một số quốc gia khác trong cuộc đàm phán hạt nhân với Iran - một vấn đề ưu tiên của Tổng thống Obama. Đồng thời, Tổng thống Putin vẫn là nhân tố then chốt trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về cuộc nội chiến ở Syria.

Tham dự Hội nghị G7 lần này, Tổng thống Obama còn đối mặt thái độ chống đối Mỹ của công chúng Đức liên quan đến xì-căng-đan Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel và Cơ quan Tình báo Đức (BND), giúp người Mỹ theo dõi các công ty và các giới chức châu Âu trong nhiều năm qua.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel hiện có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp nhưng cả hai đều thừa nhận rằng vụ bê bối do thám đã tác động nhất định đến mối quan hệ song phương. Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ muốn nhân chuyến đi này bày tỏ sự thân thiện với nước Đức, đồng thời cho thấy sự quan tâm đến liên minh Mỹ - Đức.

Thách thức từ IS

Chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cũng là một nội dung quan trọng tại Hội nghị G7 năm nay. Theo đài CNN, ông Obama sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh đối với chiến lược chống IS sau khi TP Ramadi ở Iraq rơi vào tay nhóm này gần đây.

Được mời đến dự Hội nghị G7 năm nay, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nhiều khả năng thúc ép Washington cung cấp thêm thiết bị quân sự để giúp nước này đối phó IS khi ông gặp Tổng thống Obama trong ngày 8-6.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng nhận được lời cam kết từ các đồng minh về việc giảm thiểu các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, một ưu tiên hàng đầu của ông, trước khi diễn ra hội nghị về biến đổi khí hậu ở thủ đô Paris - Pháp vào tháng 12 năm nay.

Theo báo The New York Times, Tổng thống Obama còn muốn G7 ra tuyên bố ủng hộ tự do thương mại - một ưu tiên khác của ông nhưng đang vấp phải sự phản đối trong nước và tại các nước đồng minh. Ông cần tái bảo đảm với các đồng minh rằng bất chấp những thách thức đó, quốc hội Mỹ cuối cùng vẫn sẽ thông qua dự luật thúc đẩy thương mại để dọn đường cho việc hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). G7 hiện đang tập trung nhiều hơn vào Hiệp định đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Mỹ.

Cảnh sát và người biểu tình đụng độ

Hàng ngàn người đã tụ tập tại TP Garmisch-Partenkirchen, cách nơi diễn ra Hội nghị G7 chỉ vài cây số, để phản đối sự bành trướng của NATO qua Ukraine - một thành viên mạng lưới Stop G7 nói với phóng viên trang tin tức Sputnik hôm 7-6.

Trước thềm hội nghị, mạng lưới Stop G7 đã tổ chức những cuộc biểu tình chống lại các chính sách của G7, sự mở rộng quân sự của NATO ở châu Âu, sự can dự của liên minh này trong cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Ít nhất 2 người biểu tình và 1 cảnh sát đã bị thương do đụng độ.

Theo Lục San

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên