MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gay cấn tổng tuyển cử bầu Tổng thống ở Argentina

25-10-2015 - 13:36 PM | Tài chính quốc tế

Theo dự kiến 8h sáng 25/10, tất cả các hòm phiếu tại hơn 34.000 địa điểm bầu cử trên Argentina được mở cửa để đón 32 triệu cử tri tới bỏ phiếu lựa chọn ra Tổng thống, Phó Tổng thống, 130 Hạ nghị sĩ, 24 Thượng nghị sĩ và 11 Thống đốc bang.

An ninh đã được thắt chặt ở khắp nơi và Bộ Quốc phòng cũng đã điều động 96.000 binh sĩ cùng 56.000 phương tiện các loại để hỗ trợ cảnh sát đảm bảo ngày bầu cử diễn ra an toàn, minh bạch.

Thông tin từ Cơ quan bầu cử quốc gia Argentina cho biết, các cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu từ 8h đến 16h cùng ngày. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào rạng sáng ngày 26/10 (theo giờ địa phương). Trong cuộc bỏ phiếu lần này, 32 triệu cử tri của Argentina sẽ tham gia bầu chọn Tổng thống, Phó Tổng thống, 130 Hạ nghị sĩ, 24 Thượng nghị sĩ và 11 Thống đốc bang.

Dù cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức cùng với tổng tuyển cử, song cái mà người dân trong nước cũng như dư luận quốc tế quan tâm nhất vẫn là việc ai sẽ giành chiến thắng để kế nhiệm chiếc ghế Tổng thống từ bà Cristina Kirchner.

Theo luật bầu cử Argentina, ứng cử viên nào có được 45% phiếu ủng hộ sẽ giành chiến thắng, hoặc người có số phiếu cao nhất giành được 40% phiếu và nhiều hơn ứng cử viên về nhì 10% cũng sẽ đắc cử. Nếu không ai đạt được một trong hai điều kiện trên thì hai người nhiều phiếu nhất sẽ phải tham gia cuộc bỏ phiếu vòng hai, sẽ diễn ra ngày 22/11 tới.

Đương nhiên là tất cả các ứng viên tham gia tranh cử đều không muốn phải vào đấu trong vòng hai, nhất là 6 ứng viên Tổng thống gồm Thống đốc tỉnh Buenos Aires Daniel Scioli thuộc liên minh cầm quyền Mặt trận vì Thắng lợi (FpV); Thị trưởng Buenos Aires Mauricio Macri thuộc liên minh trung hữu Đề xuất Cộng hòa (PRO) đối lập; ông Sergio Massa thuộc liên minh Một giải pháp mới (UNA); nhân vật cánh tả Margarita Stolbizer; ứng viên theo chủ nghĩa Trotskyist Nicolas del Cano và cựu Tổng thống Adolfo Rodriguez Saa, người đã dẫn Argentina vượt qua nhiều ngày đen tối trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2001.

Giới quan sát nhận định rằng, sau 12 năm dưới sự điều hành của cố Tổng thống Nestor Kirchner và đương kim Tổng thống Cristina Kirchner, người dân Argentina đang muốn có một sự thay đổi mới trong chính trường. Tuy nhiên, các cử tri cũng không muốn quá mạo hiểm bởi lẽ, nền kinh tế Argentina hiện nay tuy có gặp nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng chững lại, thâm hụt ngân sách lớn do phải chi trả quá nhiều cho các chương trình phúc lợi xã hội, không thu hút được đầu tư, lạm phát lên tới 14,5%, chính sách tỷ giá hối đoái còn nhiều bất cập… song cũng vẫn tương đối ổn định so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Vì vậy, mọi thay đổi gây sốc hoặc phủ nhận hoàn toàn những thành tựu mà Argentina đạt được trong những năm qua cũng khó có thể chấp nhận.

Nhà phân tích chính trị Mariel Fornoni nói: “Cử tri Argentina đang đặt kỳ vọng rằng người thay thế bà Cristina Kirchner phải biết ganh đua với những thành công của bà và đưa nền kinh tế Argentina phát triển hơn nữa. Đó cũng chính là trọng tâm hàng đầu mà 3 ứng viên sáng giá nhất của cuộc bầu cử Tổng thống đang hết sức thể hiện nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri”.

Cũng theo nhà phân tích Mariel Fornoni, ông Daniel Scioli dù đang được coi là người dẫn đầu nhưng cũng khó có khả năng giành chiến thắng ngay từ vòng 1 với tỷ lệ ủng hộ chỉ ở mức 38,9%. Năm nay ông Danile Scicoli 58 tuổi, từng giữ chức Phó Tổng thống dưới thời cố Tổng thống Nestor Kirchner từ năm 2003-2007. Trong những lần vận động tranh cử, Daniel Scioli thường nhấn mạnh rằng, ông sẽ nỗ lực thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và áp dụng các chính sách cần thiết để kích thích tiêu dùng; giúp người lao động và người hưu trí có mức thu nhập ít hơn 3.000 USD sẽ không phải đóng thuế. Đồng thời, Thống đốc tỉnh Buenos Aires cũng khẳng định tiếp tục theo đuổi các chương trình của chính phủ hiện nay và thực hiện “phát triển là kế thừa và phát huy, sửa đổi những gì cần thiết”.

Một lợi thế khác mà Daniel Scioli có được là ông luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đương kim Tổng thống Cristina Kirchner. Tuy vậy, Daniel Scioli vẫn phải “dè chừng” bởi ảnh hưởng của Thị trưởng Buenos Aires Mauricio Macri. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử đều cho thấy, ông Mauricio Macri luôn ở vị trí thứ hai với khoảng 27%-30% phiếu ủng hộ.

Trong ngày vận động tranh cử cuối cùng (22/10), ông Mauricio Macri đã diễn thuyết trước 10.000 người tại một nhà hát ở tỉnh Cordoba và cam kết sẽ tiến hành một cuộc cách mạng triệt để trong điều hành kinh tế vĩ mô, thay đổi hoàn toàn mô hình hiện nay với lý do là làm cản trở kinh tế phát triển.

Trong khi đó, ông Sergio Massa (người luôn ở vị trí thứ 3 với khoảng 23%-25% số phiếu ủng hộ) lại tuyên bố sẽ đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục, chống lạm phát, tăng cường cuộc chiến chống tội phạm ma túy và tình trạng mất an toàn xã hội.

 

 

Theo Sông Thương

Công an nhân dân

Từ Khóa:
Trở lên trên