MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu giảm: Kẻ khóc, người cười

26-10-2014 - 14:26 PM | Tài chính quốc tế

Các nền kinh tế Nga, Venezuela, Arab Saudi ... bị ảnh hưởng như thê snafo khi giá dầu giảm?


Người cười 

Một số nước sẽ hưởng lợi đáng kể từ xu hướng giảm của giá dầu: những nước lệ thuộc vào nông nghiệp. Nông nghiệp là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng hơn so với sản xuất bởi đây là đầu vào chính cho quá trình sản xuất phân bón. Ở nhiều nước, nông dân sử dụng điện để bơm nước vào đồng ruộng. Người nông dân được hưởng lợi từ giá dầu giảm, và bởi vì hầu hết nông dân trên thế giới đều nghèo, giá dầu rẻ hơn là điều tốt cho các nước nghèo. 

Hãy lấy Ấn Độ làm ví dụ. 1/3 dân số thế giới có mức sống dưới 1,25 USD mỗi ngày sống ở Ấn Độ. Giá dầu rẻ giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế nước này. Đầu tiên, giống như ở Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn tương đối so với nhập khẩu. Dầu mỏ chiếm khoảng 1/3 nhập khẩu của Ấn Độ, nhưng xuất khẩu của nước này rất đa dạng, bởi vậy Ấn Độ sẽ không chứng kiến giá giảm. Thứ hai, giá nhiên liệu giảm làm giảm lạm phát từ mức 10% vào đầu năm 2013 xuống còn 6,5%. Lãi suất của Ấn Độ cũng sẽ giảm, từ đó thúc đẩy đầu tư. 

Thứ ba, giá dầu giảm giúp Ấn Độ giảm thâm hụt ngân sách (hiện ở mức 4,5% GDP) bằng cách giảm trợ giá nhiên liệu và phân bón. Đây là những khoản khá lớn. Cùng với trợ giá thực phẩm, 3 loại trợ giá này sẽ tiêu tốn của Ấn Độ 41 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2015, tương đương 14% chi tiêu công và 2,5% GDP. 

Chính phủ Ấn Độ kiểm soát giá dầu diesel và bù lỗ cho người bán. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong nhiều năm, người bán đang có lãi. Ngày 19/10 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố cuối cùng ông sẽ chấm dứt chương trình trợ giá, thả nổi giá dầu diesel và tăng giá khí đốt tự nhiên. 

IEA thừa nhận rằng chương trình trợ giá năng lượng trên toàn thế giới (hầu hết ở các nước đang phát triển) tiêu tốn tới 550 tỷ USD mỗi năm. Giá dầu giảm sẽ khiến gánh nặng này nhẹ bớt, giảm xuống còn khoảng 400 tỷ USD. Điều này cũng có nghĩa là nhiều nước sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: nắm lấy thời cơ để dỡ bỏ hoàn toàn chương trình trợ giá hay vẫn duy trì chương trình giờ đã tốn ít tiền bạc hơn và tạo ra sự ổn định? Cả hai lựa chọn này đều có lợi.
 
Các nước Trung Đông cũng đứng trước lựa chọn tương tự. Các chương trình trợ cấp năng lượng chiếm 6,5% GDP năm 2014 của Ai Cập, trong khi tỷ lệ ở Jordan là 4,5% GDP và ở Morocco cùng Tunisia nằm trong khoảng 3 – 4%. Theo IMF, giá dầu giảm 205 giúp cải thiện cân bằng ngân sách của Ai Cập và Jordan thêm gần 1% GDP. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng hiệu quả không đủ lớn để thuyết phục chính phủ các nước này mạnh tay cắt sạch các chương trình trợ giá có đối tượng hưởng lợi lớn nhất là tầng lớp trung lưu.

Nhiều nước khác cũng đang vật lộn với trợ giá năng lượng. Indonesia chi khoảng 1/5 ngân sách vào việc này. Bahrain chi 12,5% trong khi Kuwait chi 9% GDP. Brazil muốn giá dầu cao hơn để thu hút đầu tư vào các mỏ dầu “siêu sâu” ở ngoài khơi. Tuy nhiên, giá dầu rẻ có lợi cho bộ phận nông dân và trong ngắn hạn cũng có lợi cho công ty dầu khí quốc gia Petrobas. Hiện Petrobas phải nhập khẩu dầu theo giá thế giới và bán lại ở mức giá đảm bảo sẽ không gây nên lạm phát. 

Kẻ khóc

Thế còn nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới thì sao? Khi giá dầu ở mức 115 USD/thùng, Arab Saudi kiếm được 360 tỷ USD mỗi năm. Giá là 85 USD, nước này chỉ kiếm được 270 tỷ USD. Hoàng tử Alwaleed bin Talal (cũng là một doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn) gọi xu hướng giá dầu giảm là một “thảm họa”. 

Tuy nhiên, giá dầu giảm có lợi cho nước này trong dài hạn. Mặc dù chi tiêu công đã tăng lên trong những năm gần đây, dự trữ ngoại hối của nước này còn tăng mạnh hơn. Do đó Arab Saudi có thể chịu được tới 5 thập kỷ thâm hụt kể cả khi giá dầu xuống thấp hơn nữa. 

Người Arab Saudi có thể rút ra kết luận rằng bên được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là các nước nằm ngoài OPEC. Tuy nhiên, sự thực không phải như vậy. Năm 2013, sản lượng của các nước không thuộc khối OPEC (như Nga và Mỹ) đã tăng từ 55 lên 57 triệu thùng/ngày nhưng phần sản lượng tăng thêm là loại có chi phí sản xuất cao. Thậm chí giá dầu rẻ còn giúp Arab Saudi lấy lại thị phần.

Arab Saudi có thể trụ vững bởi khi giá dầu ở mức 100 USD/thùng, nước này đã tận dụng được lợi thế và tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu. Những nước không làm được điều này mới là bộ phận chịu nhiều thiệt thòi nhất: Venezuela, Iran và Russia.

“Dù giá dầu thấp đến đâu, chính phủ vẫn luôn luôn đảm bảo quyền lợi tối thiểu của nhân dân”, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã tuyên bố như vậy hôm 16/10. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 10, lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, dự trữ ngoại hối của Venezuela rơi xuống mức dưới 20 tỷ USD. Giá dầu giảm 1 USD tương đương với kim ngạch xuất khẩu giám khoảng 450 – 550 triệu USD. Theo tính toán của Deutsche Bank, giá dầu phải ở mức 120 USD/thùng thì Venezuela mới có đủ tiền cho các kế hoạch chi tiêu. 

Đất nước này còn 1 điểm yếu khác: thâm hụt ngân sách. Năm ngoái, tỷ lệ thâm hụt ngân sách lên tới 17% GDP. Phản ứng với tình trạng này, chính phủ Venezuela in thêm bolivar và đẩy lạm phát lên cao. Tháng trước tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P vừa hạ bậc xếp hạng nợ của Venezuela xuống còn CCC+. 

Có thể cảm nhận tác động đến nền kinh tế Venezuela ở cả các nước láng giềng. Nước này đang thực hiện PetroCaribe - chương trình cung cấp tín dụng giá rẻ cho các nước vùng Caribe để các nước này mua dầu của Venezuela. Nếu Venezuela quyết định chấm dứt chương trình này vì thua lỗ, cú sốc sẽ làm chấn động cả vùng Caribe. 

Iran thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn so với Venezuela. Nước này cần dầu mỏ ở mức giá 136 USD/thùng để tài trợ các kế hoạch chi tiêu. Năm ngoái, Iran chi 100 tỷ USD để thực hiện các chương trình bình ổn giá tiêu dùng (tương đương 25% GDP). Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa lên nhậm chức năm ngoái và bước đầu đã tạo nên sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ông thắng cử nhờ lời hứa sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống. Vẫn chưa rõ liệu giá dầu thấp có khiến Iran phải cải cách mạnh hơn nữa hay đạt được thỏa thuận mới với Mỹ về chương trình hạt nhân hay không. 

Còn đối với Nga, chí ít thì giá dầu giảm chưa có nhiều tác động trong ngắn hạn. Dự thảo ngân sách năm 2015 được xây dựng với giả thiết giá dầu ở mức 100 USD/thùng. Giá thấp hơn sẽ gây khó khăn cho Tổng thống Putin khi ông cố gắng giữ lời hứa về chi tiêu. 

Thời kỳ giữa những năm 1980, giá dầu giảm đã khiến Liên Xô (cũ) thiếu hụt tiền mặt. Tuy nhiên, giờ đây Nga có dự trữ 454 tỷ USD để chống đỡ với biến động về giá dầu. Thế nhưng điều quan trọng hơn là đồng ruble đã rớt giá 20% kể từ đầu năm đến nay. Lệnh cấm vận của phương Tây khiến các doanh nghiệp Nga không thể tiếp cận với thị trường vốn. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Nga đã nhận định Nga ngày càng lệ thuộc vào dầu. 

Đối với hầu hết các chính phủ (Venezuela có thể là một ngoại lệ), ban đầu giá dầu giảm chỉ có khá ít tác động. Kể cả trong trường hợp của Nga, ông Putin vẫn có thể tìm ra cách đối phó. Tuy nhiên, tác động sẽ dần dần tăng lên. Những năm tháng giá dầu ở mức 100 USD/thùng cũng đi kèm với sự trỗi dậy của các biện pháp can thiệp về kinh tế. Do đó, thời kỳ giá dầu ở mức 85 USD/thùng (nếu có xảy ra) cũng sẽ khiến nhiều thứ dịch chuyển.

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên