MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu giảm mạnh, tại sao các nước vẫn không ngừng tăng sản lượng?

05-09-2015 - 15:45 PM | Tài chính quốc tế

Mỗi nước đều có một lý do riêng cho việc duy trì thay vì cắt giảm sản lượng để bảo vệ lợi ích về giá, nhưng điều này sẽ không thể kéo dài mãi mãi.

Tại thời điểm này, các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu vẫn tiếp tục duy trì sản lượng dầu xuất khẩu, mặc cho giá dầu đang giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. Đã có nhiều khuyến cáo được đưa ra rằng sự cố thủ chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn cho chính họ. Tuy nhiên, mỗi nước đều có một lý do riêng cho việc duy trì thay vì cắt giảm sản lượng để bảo vệ lợi ích về giá. Điều này sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Cuối cùng thì một nạn nhân sẽ xuất hiện trong năm tới, mà nhiều khả năng sẽ là những nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ vì mức chi phí cho việc khai thác loại nhiên liệu này vẫn tương đối cao so với việc khai thác dầu thô thông thường của các nước khác.

Tại Mỹ, giá dầu thô WTI (loại dầu thô được khai thác ở Tây bang Texas là một trong những loại dầu có chất lượng tốt và được sử dụng làm chuẩn định giá dầu thế giới cùng với dầu Brent Biển Bắc) đã giảm xuống dưới 40 USD/thùng dù mới phục hồi lên 44 USD. Giá dầu thô Brent tại Châu Âu đang được giao dịch ở mức dưới 45 USD/thùng. Tuy nhiên, sản lượng dầu xuất khẩu của Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC vẫn tăng lên đến 31,5 triệu thùng 1 ngày trong tháng 7 vừa qua.

Sản lượng dầu thô tại các nước Ả Rập Xê Út, Iraq, Venezuela đang ở mức cao nhất trong năm. Nga, môt trong những nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đã tăng sản lượng khai thác lên 1,3 % so với cùng kỳ năm ngoái, và hiện Nga đang bơm vào thị trường dầu thế giới 10,6 triệu thùng dầu/ngày. Duy chỉ có sản lượng dầu thô của Mỹ là giảm nhẹ từ mốc đỉnh 9,6 triệu thùng/ngày hồi tháng 6 xuống 9,3 triệu thùng/ngày trong vài tuần gần đây, nhưng con số này vẫn cao hơn so với năm ngoái khi mà giá dầu lúc đó cao hơn gấp đôi mức giá hiện tại.

Nước Nga không thể ngừng bán dầu

Sự lý giải đơn giản nhất cho hiện tượng này đó là các nhà sản xuất dầu mỏ cần tiền mặt, do đó giá càng thấp họ càng phải bán ra nhiều hơn để duy trì doanh thu. Trong ba cường quốc sản xuất dầu mỏ hàng đầu là Nga, Ả Rập Xê Út và Mỹ, lý do này giải thích hợp lý nhất cho trường hợp của Nga - nền kinh tế có 50% nguồn thu ngân sách nhà nước được đóng góp bởi xuất khẩu dầu. Năm ngoái, cũng là khi giá dầu bắt đầu sụt giảm, chính phủ Nga đã nhanh chóng cho thả nổi đồng Rúp.

Xóa bỏ cơ chế neo tỷ giá vào USD giúp đồng Rúp biến động sát hơn với giá dầu. Trong bối cảnh giá dầu liên tục giảm thì điều này là có lợi vì nguồn thu từ xuất khẩu dầu chủ yếu thanh toán bằng USD hoặc euro sẽ quy đổi ra được nhiều Rúp hơn.

Kể từ đó, đồng Rúp đã mất giá theo từng biến động sụt giảm của giá dầu. Nói chính xác hơn là diễn biến của đồng Rúp chịu tác động rất lớn từ giá dầu do tính lệ thuộc của nguồn thu ngân sách Nga vào xuất khẩu dầu. Vì vậy, Nga chẳng có lý do gì để cắt giảm sản lượng dầu khai thác và xuất khẩu.

Đối với các chính phủ thì đó là nguồn thu, còn đối với các công ty khai thác, đó là nỗi lo về mất thị phần. Đồng thời các khoản đầu tư đều được thực hiện từ thời điểm giá dầu đạt đỉnh, do đó họ buộc phải chạy đua để bán ra càng nhiều càng tốt. Hơn nữa chấp nhận họ chịu mất doanh thu để duy trì sản xuất còn hơn là đứng trước nguy cơ bị vỡ nợ hoặc bị đối thủ qua mặt. Tất nhiên điều chỉnh lại hoạt động như bỏ các giếng khoan không hiệu quả vẫn là việc phải làm.

Sự bảo thủ của OPEC

Đối với Ả-rập-xê-út, đồng Riyal vẫn được neo vào USD, vì vậy bán thêm nhiều dầu hơn về mặt kinh tế cũng không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên họ tin rằng đó sẽ là công cụ mang tính chiến lược để giành lại thị phần trên thị trường dầu mỏ quốc tế từ tay các nhà sản xuất không thuộc nhóm OPEC, mà đặc biệt đó là các nhà sản xuất dầu khí đá phiến Mỹ vốn đã và đang tăng mạnh về quy mô kể từ 2008.

Trong một thông cáo mới được đưa ra, NHTW Ả-rập-xê-út nhận định, các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC đang không hề phản ứng với việc giá dầu thấp như đã dự đoán, ít nhất là trong ngắn hạn. Tác động của mức giá dầu thấp như hiện nay chỉ là giảm bớt các dàn khoan mới thay vì làm chậm lại dòng chảy dầu từ các giếng sẵn có. Do đó giá dầu thấp được dự báo sẽ chỉ tác động đến hoạt động sản xuất trong tương lai chứ không phải hiện tại. Điều này đòi hỏi OPEC phải kiên nhẫn hơn và sẵn sàng duy trì ổn định sản xuất cho tới khi cầu bắt kịp cung.

Các công ty dầu đá phiến dai sức hơn dự đoán

Có lẽ Ả-rập-xê-út đã đánh giá sai các đối thủ đến từ Mỹ. Năm ngoái, các ngân hàng đầu tư đã ước tính mức chi phí sản xuất để hòa vốn của các công ty sản xuất dầu đá phiến ít nhất là trên 60 USD/thùng, nhưng theo một phân tích mới đây của Bloomberg, điều này là không chính xác. Ví dụ như tại McKenzie, phía Bắc bang Dakota, một phần của mỏ dầu khai thác dầu đá phiến Bakken (mỏ dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ), thì giá bán để hòa vốn thậm chí chỉ ở mức 29 USD/thùng. Đây còn là mức cao hơn một chút so với một số vùng khác của khu mỏ.

Có vẻ như giới phân tích đã đánh giá sai khả năng cắt giảm chi phí và gia tăng hiệu quả sản xuất của các công ty đá phiến Mỹ. Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu được khai thác trên mỗi giàn khoan của các khu vực khai thác dầu khí đá phiến trên toàn nước Mỹ đã tăng đáng kể trong năm qua.

Tuy nhiên, Ả-rập-xê-út có lý do để tin rằng việc áp dụng công nghệ mới và cắt giảm chi phí không phải là lý do duy nhất giúp ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ không bị chùn chân trong cuộc chiến này.

Hồi tháng 7, Bloomberg đưa tin ít nhất 15% doanh thu quý I của 30 trong số 62 công ty dầu mỏ và khí đốt ở Bắc Mỹ đến từ việc phòng hộ trước nhờ các hợp đồng tương lai. Và phần doanh thu đến từ các hợp đồng phòng hộ rất có thể đã tăng lên trong hai quý tiếp theo theo, khi giá dầu thô trở nên rẻ đi so với thời điểm họ ký các hợp đồng phòng hộ mới.

Dẫu vậy, “chiếc phao” này không thể kéo dài lâu. Với điều kiện hiện nay các hợp đồng phái sinh không thể được gia hạn cũng như sẽ bị điều chỉnh lại. Khi đó các công ty khai thác dầu của Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc trả lại khoản nợ tổng cộng lên đến 235 tỷ USD của họ.

Như vậy, có thể hiệu quả của sự phòng vệ về tài chính và công nghệ mới đang ở mức cao nhất trong thời điểm hiện tại và sẽ giảm dần trong thời gian tới. Thành tích trong 3 quý đầu năm 2015 sẽ khó có thể lặp lại. Tổng cộng kể từ đầu năm đến nay các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã huy động được 44 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu và cổ phiếu. Ngay cả khi chi phí hòa vốn của họ thấp hơn so với ước tính trước đây, thì giá dầu thấp hiện nay cùng triển vọng không tưới sáng trong trung hạn, dài hạn cũng làm cho các công ty này không còn hấp dẫn đối với các nhà cho vay và nhà đầu tư.

Để dự đoán ai sẽ dành chiến thắng trong cuộc chiến giá cả này, việc đánh giá nguồn lực cho cuộc chiến của các bên đóng vai trò khá quan trọng. Ngoài 672 tỷ USD dự trữ ngoại hối có thể được bán ra một phần để hỗ trợ cho ngành dầu mỏ, Ả-rập-xê-út còn có thể tận dụng việc phá giá đồng Riyal để gia tăng nguồn thu ngân sách. Khi Kazakhstan mới đây đã theo bước Nga xóa bỏ cơ chế neo tỷ giá cố định của đồng Tenge vào đồng USD, Thủ tướng Karim Massimov của nước này cũng dự đoán rằng Ả-rập-xê-út và một số nước vùng Vịnh láng giềng cũng sẽ phải thả nổi đồng tiền của mình để đối phó với hiện trạng của giá dầu thô hiện nay. Đồng thời hệ thống tài chính của Ả-rập-xê-út vẫn còn có nguồn tiền chưa được khai thác đến, chẳng hạn như áp thuế thu nhập hay giảm trợ cấp năng lượng. Nợ Chính phủ chỉ tương đương 1,6% GDP, nên khả năng được cho vay của nước này là rất cao.

Quốc vương Ả-rập-xê-út có thể không muốn ném những nguồn lực này vào một cuộc chiến giá cả với các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Ngược lại, tất cả những thứ các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ có để bảo vệ chính mình trước cuộc chiến này chính là khả năng đổi mới cải tiến công nghệ để giảm chi phí sản xuất. Cuộc chiến giá cả dầu mỏ trong năm nay đã chứng minh rằng khả năng cải tiến công nghệ - cắt giảm chi phí của các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đã bị đánh giá thấp. Tuy nhiên sự cải tiến đó chắc chắn là hữu hạn - và ở một mức nào đó, sản lượng dầu của Mỹ đang ngừng tăng.

Trong những trường hợp đó, có thể hiểu rằng Ả-rập-xê-út không sẵn sàng chấp nhận thất bại. Ả-rập-xê-út sẽ không hài lòng nếu có một sự phục hồi tạm thời trong giá dầu, như điều tương tự đã xảy ra vào mùa xuân năm ngoái – khi mà Mỹ đã tận dụng thời cơ và tăng sản lượng. Họ phải gây tổn thương vĩnh viễn bằng cách chứng minh cho các nhà đầu tư rằng với dầu khí đá phiến là thứ mà họ không thể đặt cược vào.

Hiện tại một số nước thuộc OPEC đã buộc phải cắt giảm sản lượng vì nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều dầu mỏ và đang gặp khó khăn do đó không thể trụ vững trong cuộc chiến. Nigeria đã cắt giảm sản lượng từ mùa thu năm ngoái. Điều này có thể đẩy giá dầu tăng nhẹ, nhưng trước khi một trong hai bên dành chiến thắng, dù là Mỹ hay Ả Rập Xê Út, thì những kẻ thứ 3 ở giữa - ngay cả người khổng lồ như Nga - sẽ phải coi chừng,

Tuấn Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên