MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Già hóa đang triệt tiêu chính sách tiền tệ?

08-09-2013 - 15:12 PM | Tài chính quốc tế

Chuyên gia kinh tế đến từ IMF đã kết nối hiện tượng dân số già hóa ở các nước như Mỹ, Anh, Nhật, Đức và Canada với những bằng chứng thực nghiệm cho thấy chính sách tiền tệ đang trở nên kém hiệu quả.

Kể từ năm 2008, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) luôn giữ lãi suất ở mức gần 0 và tối đa hóa công cụ chính sách chủ chốt nhằm kích thích nền kinh tế trong bối cảnh của cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong 80 năm. 

Tuy nhiên, đà phục hồi chậm chạp của nền kinh tế khiến người ta thất vọng. Do đó, Fed đã phải bổ sung những công cụ chính sách tiền tệ bất thường. Đáng chú ý nhất trong nhóm này là gói nới lỏng định lượng (QE) – chương trình khiến bảng cân đối kế toán của Fed phình to nhờ vào việc mua trái phiếu chính phủ. 

Cho đến nay, liệu những nỗ lực này có mang đến kết quả hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Bất chấp hàng nghìn tỷ USD trái phiếu đã được mua vào, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao trong khi lạm phát ở dưới mức mục tiêu. 

Và, giờ đây, Fed đang tính đến chuyện giảm bớt quy mô của gói QE. Thậm chí, trên thực tế, hiệu quả của chính sách tiền tệ đang dần sụt giảm. 

Một nghiên cứu mới được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố đã chỉ ra một phần lý do dẫn đến điều này: hiện tượng già hóa dân số ở các nền kinh tế phát triển trên khắp thế giới. 

Trong nghiên cứu có tựa đề "Shock from Graying: Is the Demographic Shift Weakening Monetary Policy Effectiveness" (tạm dịch: “Cú sốc từ người già: Chuyển dịch cơ cấu dân số làm giảm hiệu quả chính sách tiền tệ?), Patrick Imam – chuyên gia kinh tế đến từ IMF – đã kết nối hiện tượng dân số già hóa ở các nước như Mỹ, Anh, Nhật, Đức và Canada với những bằng chứng thực nghiệm cho thấy chính sách tiền tệ đang trở nên kém hiệu quả. 

“Dựa trên giả thiết về vòng đời, theo lẽ thường, xã hội già hóa có tỷ lệ hộ gia đình lớn hơn tỷ lệ chủ nợ vào do đó nền kinh tế cũng ít nhạy cảm hơn so với các thay đổi về lãi suất. Ngược lại, một xã hội trẻ sẽ có tỷ lệ con nợ lớn hơn và do đó nhạy cảm hơn với các thay đổi trong chính sách tiền tệ”, Imam viết.

Và, với tỷ lệ sinh ngày càng giảm xuống trên khắp thế giới (kể cả ở các nước có thu nhập thấp), thế giới đang trải qua làn sóng chuyển dịch cơ cấu dân số chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, dẫn đến một thế giới bị già hóa.  

Nghiên cứu của IMF cố gắng đi sâu hơn về mức độ ảnh hưởng của già hóa dân số đến tính hiệu quả của chính sách tiền tệ. Bằng các số liệu thống kê, tác giả chỉ ra rằng một xã hội già hóa (được qui định bằng tỷ lệ phụ thuộc tuổi già) sẽ có những tác động tiêu cực trong dài hạn đối với tính hiệu quả của chính sách tiền tệ. Các yếu tố khác không đổi, tỷ lệ phụ thuộc tuổi già tăng lên 1 điểm sẽ khiến ảnh hưởng của cú sốc chính sách tiền tệ đối với lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp giảm lần lượt 0,1 và 0,35 điểm phần trăm. 

Nói một cách khác, tỷ lệ phụ thuộc tuổi già (tính bằng số dân từ 65 tuổi trở lên chia cho số dân trong độ tuổi 15 – 64) càng tăng lên, chính sách tiền tệ càng có ít tác dụng đối với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Tỷ lệ phụ thuộc tuổi già càng tăng lên, mối quan hệ càng trở nên rõ ràng. 

Mối quan hệ khiến chuyên gia kinh tế của IMF đi đến một số kết luận, trong đó có hai kết luận quan trọng: 

Thứ nhất, chính sách tiền tệ mạnh dạn hơn là điều cần thiết. Trong bối cảnh xã hội già hóa, để chính sách tiền tệ đem đến sự thay đổi như mong đợi, chính phủ phải thực hiện chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn so với ở xã hội trẻ hơn. Lãi suất nên được thay đổi với biên độ lớn hơn. 

Thứ hai, vì chính sách tiền tệ không còn hiệu quả như trước, tăng cường các công cụ khác sẽ giúp ổn định nền kinh tế. Điều này được khẳng định rõ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, khi các chính sách bất thường trở thành thứ vũ khí hùng mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tài khóa và chính sách điều tiết vĩ mô thận trọng (macroprudential policy) là những phương tiện hữu hiệu và quan trọng để ổn định nền kinh tế.


Thu Hương

huongnt

Business Insider

Trở lên trên