MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá trị thực của vàng là bao nhiêu?

30-04-2011 - 17:06 PM | Tài chính quốc tế

So với các hàng hóa cơ bản khác thì có vẻ vàng vẫn đang bị định giá cao.

Một trong những khó khăn lớn nhất khi viết báo về vàng là quá nhiều nhà bình luận và người đọc vốn đã có thiên kiến rất mạnh về chủ đề này. Cái thiên kiến ấy gần như đã trở thành một tín điều tôn giáo.

Vàng được xem là công cụ tự bảo hiểm chống lại lạm phát cao và sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng (một sự kiện mà mọi người đều cho rằng sẽ gây ra kỳ vọng giảm phát).

Điều đó khiến đôi khi đặt cược vào cửa nào thì vàng cũng thắng và khó có thể giải thích được giá vàng tăng (hoặc giảm) đang cho thấy điều gì.

Không có dòng tiền từ vàng nên mọi chuyện lại càng khó hiểu hơn. Khó có thể định giá được một kim loại theo cái cách mà người ta cho rằng một cổ phiếu có tỷ số giá trên thu nhập (P/E) chạm mốc 50 là đã bị định giá quá cao.

Vì thế mà người ta cũng đưa ra đủ loại dự báo khác nhau về vàng. Standard Chartered cho rằng trong kịch bản tăng giá mạnh, vàng sẽ đạt mốc 4869 đôla/ounce vào năm 2020. Nhà kinh tế học tiền tệ Tim Lee từ pi Economics cho rằng trong vòng 12 tháng tới, vàng sẽ rớt về mức 700 đôla/ounce.

Cựu biên tập viên tạp chí The Economist, ông Bill Emmott, vừa mới đứng về phía những người bi quan.

Trong bài viết gần đây trên tờ The Times với tiêu đề “Kỷ nguyên của vàng sắp chấm dứt”, ông đã phản bác nhiều lập luận cho rằng vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Về lạm phát, ông viết:

“Các nền kinh tế phương Tây không có thị trường lao động cứng nhắc và công đoàn hùng mạnh nên không có nguy cơ tạo ra vòng xoáy lạm phát giá-lương.”

Ông viết thêm:

“Phải thừa nhận rằng gần đây đồng đôla đã mất giá nhưng điều đó có nghĩa là là các đồng tiền khác như euro, franc Thụy Sỹ và yên Nhật đang lên giá. Vì thế lập luận thứ hai của những người lạc quan với vàng rằng việc giá vàng tăng phản ánh tâm lý bất an đối với tiền giấy cũng là không chính xác.” 

Luận điểm này có vẻ không thuyết phục cho lắm. Đúng là khi đôla mất giá thì các đồng tiền giấy chuyển đổi khác phải tăng. Nhưng nhìn chung thì chúng đều mất giá so với vàng.

Đầu năm ngoái vàng có giá 1126 franc Thụy Sỹ/ounce còn hiện nay vàng đã tăng lên mức 1326 franc Thụy Sỹ/ounce, tức nếu tính theo đồng franc Thụy Sỹ vàng cũng đã tăng tới 18%. Nếu thế giới quay trở lại thời bản vị vàng và mỗi đồng tiền đều có giá trị bằng với một lượng vàng nhất định thì ắt franc Thụy Sỹ đã bị loại khỏi bản vị vàng từ lâu.

Lập luận của Emmott dựa trên tình hình tại Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông. Nỗi lo lạm phát ở hai nước đầu tiên còn lớn hơn ở các nước phát triển trong khi bất ổn chính trị có thể đang khiến nhiều nhà đầu tư tại khu vực Trung Đông đổ xô tới tìm chỗ trú ẩn nơi vàng.

Phân tích trong bài viết này càng trở nên phức tạp hơn vì thực tế vàng (một kim loại có nguồn cung hạn chế) lại được định giá bằng đôla (một loại tiền giấy có thể in bao nhiêu tùy ý).

Vì thế có lẽ nên đánh giá giá trị của vàng dựa trên một loại hàng hóa khác mà người tiêu dùng cũng có thể mua. Có hai nhu yếu phẩm cần thiết nhất hiện nay là lương thực và năng lượng. Đồ thị sau minh họa giá trị của vàng so với dầu mỏ và lúa mì trong vòng 25 năm qua:

Có thể thấy giá trị ở đồ thị trên biến động rất mạnh, đặc biệt là với dầu mỏ. Đầu thập niên 1990, năng lượng rất rẻ, đó là một lý do vì sao đợt bùng nổ kinh tế trong thập kỷ đó lại mạnh mẽ và kéo dài đến thế.

Tỷ lệ giá vàng trên giá dầu tạo đáy khi thế giới đã lún sâu vào khủng hoảng tài chính và các chính phủ phản ứng lại bằng cách cắt giảm mạnh lãi suất và sau đó tiến hành “nới lỏng định lương”.

Vào đầu năm 2010 có vẻ như nếu tính theo lúa mỳ thì vàng đã bị định giá quá cao và ngay cả cho đến nay thì có vẻ như vẫn còn quá cao nếu so với giai đoạn một phần tư thế kỷ trước.

Tuy vậy đồ thị trên không hề giống với đồ thị chỉ số NASDAQ vào năm 1999 và đầu năm 2000 (thời bong bóng dotcom – ND). Khi khủng hoảng tài chính bắt đầu, tỷ lệ giá vàng trên giá dầu và giá vàng trên giá lúa mỳ tăng gần như dựng đứng, chủ yếu là vì giá các hàng hóa cơ bản rớt mạnh trong khi giá vàng lại tương đối ổn định.

Nhưng từ đó đến nay dầu và  lúa mì đã phục hồi mạnh mẽ thế nên có thể coi sự ổn định của giá vàng trong giai đoạn 2008 – 2009 là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư tin tưởng các chính quyền có thể ngăn chặn được vòng xoáy giảm phát.
Minh Tuấn
Theo Economist
 

ngocdiep

Trở lên trên