MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao dịch nội gián - "Vấn nạn" trên thị trường chứng khoán Nhật Bản

20-06-2012 - 20:03 PM | Tài chính quốc tế

Rò rỉ thông tin là hiện tượng xảy ra phổ biến trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là mức phạt vẫn còn quá nhẹ.

Trong những tuần gần đây, một loạt các vụ scandal liên quan đến giao dịch nội gián đã được phanh phui ở Nhật Bản.

Ngày 8/6, Ủy ban giám sát chứng khoán Nhật Bản (SESC) lần đầu tiên áp dụng hình phạt vì tội giao dịch nội gián đối với một công ty nước ngoài. Trong vụ này, công ty chứng khoán First New York Securities bị phạt 185.000 USD. Đây là một khoản tiền lớn theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Tuy nhiên, mức phạt này không là gì so với chế tài của các nước khác. Raj Rajaratnam, giám đốc quỹ đầu cơ tại Mỹ đã phải ngồi tù 11 năm trong vụ giao dịch nội gián chấn động nước Mỹ hồi năm ngoái.

Cùng ngày, Nomura, ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản, cũng đã lên tiếng thừa nhận nhân viên của ngân hàng này đã để thông tin bị rò rỉ trong 2 vụ nữa ngoài vụ của First New York Securities. Mặc dù vẫn nằm trong sự kiểm soát SESC, Nomura  không hề bị phạt. Theo luật lệ của Nhật Bản, luật giao dịch nội gián chỉ được áp dụng đối với bên nhận thông tin chứ không áp dụng đối với bên cung cấp thông tin.

Số tiền phạt được tính toán theo hoa hồng mà các bên nhận được khi thực hiện giao dịch dựa trên những tin tức có được chứ không phải tính theo lợi nhuận được tạo ra. Do đó, số tiền phạt là không đáng kể. Tổng số tiền phạt liên quan đến 3 vụ giao dịch nội gián khác diễn ra từ đầu năm tới nay cũng chỉ là 50.000 yên Nhật (tương đương 630 USD).

Nicholas Smith, chuyên gia đến từ CLSA và là người theo dõi thường xuyên các vụ giao dịch nội gián ở Nhật Bản cho biết hiện tượng này xuất hiện tràn lan trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Theo ước tính của ông, trong năm 2011, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nhật Bản thường giảm trong khoảng 2 đến 3 tuần trước khi phát hành ra công chúng. Điều này chứng tỏ thông tin đã bị rò rỉ. Trong cùng 1 sự kiện như vậy, chứng khoán Mỹ thường tăng giá.

Thông tin thường được rò rỉ khi các nhà bảo lãnh thực hiện quảng cáo cổ phiếu của công ty đến các khách hàng tiềm năng. Trong một lá thư được gửi đến Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA), Hội quản trị doanh nghiệp châu Á cho biết một số nhà môi giới đã cung cấp thông tin cho các quỹ đầu cơ mà họ ưa chuộng để hưởng lợi nhuận từ giao dịch nội gián.

Trước tình hình này, vào ngày 14/6, Đảng Dân chủ tuyên bố muốn thắt chặt các luật lệ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng có những cách khác để bày tỏ sự bất mãn – ví dụ như loại Nomura ra khỏi danh sách các nhà môi giới có thể tham gia vào đợt bán cổ phần của Chính phủ tại Japan Tobacco.

Rõ ràng đây là thời khắc quan trọng của thị trường vốn Nhật Bản. Vào năm tới, Chính phủ Nhật sẽ sáp nhập 2 sàn chứng khoán TokyoOsaka để tạo nên sàn chứng khoán khổng lồ cho khu vực châu Á.  Đến lúc đó chắc chắn vấn nạn giao dịch nội gián phải được loại bỏ để thị trường có thể hoạt động hiệu quả. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên