MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói giải cứu dành cho Hy Lạp có cứu được đồng euro?

13-04-2010 - 11:04 AM | Tài chính quốc tế

Gói giải cứu chặn khả năng phá sản trong khoảng 1 năm thế nhưng khả năng vỡ nợ có thể trở lại mạnh hơn bao giờ hết. Đồng euro sẽ chịu không ít ảnh hưởng.

Thị trường có thể hành động bất thường, khó đoán thế nhưng họ đã hết sức hài lòng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, ngày 12/04/2010 sau khi lãnh đạo các nền kinh tế châu Âu cuối cùng cũng đồng ý về một kế hoạch giải cứu dành cho Hy Lạp, cho phép nước này trong trường hợp cần thiết có thể vay khoảng 40 tỷ USD với mức lãi suất thấp hơn lãi suất của thị trường.

Đồng euro tăng giá 1,5% lên mức 1,36USD/euro sau khi thị trường mở cửa. Kế hoạch giải cứu Hy Lạp như vậy có thể đã thành công trong việc khôi phục niềm tin của thị trường vào Hy Lạp và khu vực đồng tiền chung châu Âu – ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Các chính trị gia sẽ còn dõi theo biến động xung quanh tình hình Hy Lạp trong những tuần tới để xem liệu nhà đầu tư đã trở lại thật hay chưa.

Thị trường đã liên tục lo lắng về Hy Lạp và một số nước dễ chịu ảnh hưởng khác như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha từ tháng 1/2010. Châu Âu đương đầu với thách thức lớn nhất từ khi đồng euro được đưa vào giao dịch cách đây khoảng 11 năm.

Thỏa thuận mới nhất dành cho Hy Lạp bao gồm khoản vay thời hạn 3 năm với mức lãi suất khoảng 5%. Mức lãi suất này cao hơn mức 3% mà thị trường tài chính dành cho Đức để giải quyết các khoản nợ của nước này nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức lợi tức trái phiếu 7,5% mà thị trường yêu cầu Hy Lạp trong tuần trước.

Hy Lạp ngoài ra nhận được 20 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu Hy Lạp cần cứu, tiền từ châu Âu và IMF sẽ được cung cấp cùng 1 lúc.

Hy Lạp đánh giá cao gói hỗ trợ tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính nước này khăng khăng rằng chính phủ của ông sẽ tiếp tục biện pháp thắt chặt chi tiêu và vay thương mại: “Chính phủ Hy Lạp chưa hề yêu cầu được giải cứu, thế nhưng gói giải cứu đã sẵn có.”

Ông cho rằng với động thái mới này, Hy Lạp sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường nợ với mức lãi suất hợp lý hơn.

Trong dài hạn, khoản vay không giải quyết được căng thẳng nội bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu mà theo các chuyên gia kinh tế có thể trở lại mạnh mẽ hơn. Ngay cả trước khi đồng euro được đưa vào lưu hành, có những cảnh báo rằng khó có thể đạt được sự thống nhất liên minh tiền tệ trong nhóm nước châu Âu nếu chính sách tài khóa không đồng nhất, cuối cùng các nước châu Âu cũng sẽ phải đưa ra một chế độ thuế thống nhất.

Một số chuyên gia kinh tế, trong đó có kinh tế gia đạt giải Nobel, ông Paul Krugman cho rằng Hy Lạp đã gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu trước khi nước này sẵn sàng.

Nhà đầu tư nổi tiếng George Soros cho rằng một đồng tiền chung cần đến Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương chung, điều này khu vực châu Âu vẫn chưa cso.

Tuần vừa qua, ông Dominique Strauss-Kahn, giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhận xét: “Việc đưa ra đồng tiền chung châu Âu chỉ là bước đầu tiên. Không thể tồn tại đồng tiền chung mà không có chính sách tiền tệ thống nhất.”

Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, người ta nói nhiều đến sự quản trị kinh tế để loại bỏ những khiếm khuyết của đồng euro.

Ông Cinzia Alcidi, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế châu Âu, thể hiện thái độ đầy hoài nghi: “Những ý tưởng trên dường như chẳng có ý nghĩa nào. Đức và Pháp sẽ không bao giờ từ bỏ sự tự chủ về chính sách tài khóa của họ.”

Ông Alcidi coi gói giải cứu mới dành cho Hy Lạp chỉ mang tính tạm thời, gói giải cứu chặn khả năng phá sản trong khoảng 1 năm thế nhưng khả năng vỡ nợ có thể trở lại mạnh hơn bao giờ hết. Châu Âu sẽ tiếp tục đau đầu theo dõi thị trường trong thời gian tới.

Ngọc Diệp

Theo Dân Trí/Time


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên