MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàn Quốc: Đánh bại cheabol ?

18-10-2012 - 12:30 PM | Tài chính quốc tế

Chaebol chính là chủ đề "nóng" nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm nay. Làn sóng phản đối các tập đoàn này đang ngày càng dâng cao.

Kể từ thời cựu Tổng thống Park Chung-hee, Hàn Quốc bắt đầu cải cách mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu kinh tế to lớn. 

Năm nay, con gái của Park Chung-hee là Park Geun-hye lại trở thành ứng viên nữ đầu tiên tham gia chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống. Bà phải đối mặt với 2 ứng viên khá mạnh khác trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 19/12 tới, trong đó có Moon Jae-in, người đã bị bỏ tù dưới thời người cha của bà.  

Cho dù mỗi ứng viên đều có những lập luận riêng biệt, có 1 chủ đề chính nổi lên và thu được nhiều sự chú ý trong mùa tranh cử năm nay: cả 3 ứng viên đều cho rằng họ nhìn thấy những điều không công bằng trong nền kinh tế Hàn Quốc. Trong đó, chaebol - các tập đoàn lớn được kiểm soát bởi các gia đình – là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất. 

Trở lại quá khứ, do chủ trương của cựu Tổng thống Park Chung-hee, các chaebol nở rộ. Mặc dù đã được cải cách khá nhiều, cho đến nay, các chaebol vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. 

Giảm tầm ảnh hưởng của các chaebol không phải là điều gì mới mẻ ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, lần này, có vẻ như Hàn Quốc sẽ hành động rất quyết liệt. Trong khi người dân Hàn Quốc tự hào vì có tập đoàn điện tử Samsung – 1 trong những chaebol hùng mạnh nhất Hàn Quốc – họ cũng lo lắng về quyền lực không chính thức mà các tập đoàn này có được trên sân nhà. 

Theo số liệu mới nhất, các chaebol đang tham gia vào 2/3 trong số 76 ngành kinh doanh ở Hàn Quốc. Các lĩnh vực mới rất đa dạng, phủ sóng từ sản xuất pizza cho đến túi xách hay da thú. 

Trong thập kỷ vừa qua, số lượng các công ty có liên quan đến 10 chaebol lớn nhất Hàn Quốc đã tăng gần gấp đôi, lên gần 600 doanh nghiệp. Từ tháng 1 đến tháng 6, lợi nhuận hoạt động của 10 tập đoàn này chiếm tới hơn 70% tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, 1 số người cũng cho rằng chính điều này đã khiến tình trạng mất cân bằng tăng lên trong bối cảnh dân số đang ngày càng bị già hóa và nền kinh tế suy sụp. Do đó, chiến dịch tranh cử Tổng thống của các ứng viên cũng xoay quanh chủ đề “dân chủ trong kinh tế”. 

Nghe có vẻ mơ hồ, những đây chính là chiến lược được cả 3 ứng viên thực hiện 1 cách nghiêm túc. Trong đó, người gây nhiều bất ngờ nhất chính là  Park Geun-hye. Thậm chí, các thành viên trong đảng Saenuri của bà đã đưa ra những điều luật chặt chẽ trừng trị những ông chủ phạm tội và cả gia đình của họ. Các chaebol cũng bị hạn chế trong hoạt động kinh doanh và đầu tư. 

Trong khi đó, 2 đối thủ của bà Park là Moon Jae-in - người đến từ Đảng Dân chủ thống nhất và Ahn Cheol-soo (1 doanh nhân ngành phần mềm và độc lập về chính trị) cũng tuyên bố sẽ bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trước các chaebol. 

Ông Moon miêu tả Hàn Quốc là "khu rừng kinh tế" trong đó các tập đoàn lớn đang được hưởng những "đặc quyền không công bằng". Ông Moon không có ý định phá vỡ những tập đoàn này, nhưng mong muốn ngăn chặn những hành động gây nguy hại đến các doanh nghiệp nhỏ. 

Ahn Cheol-soo - người sáng lập nên công ty phần mềm lớn nhất Hàn Quốc - lại buộc tội các chaebol đã đánh cắp sáng kiến của các doanh nghiệp nhỏ, khiến họ đình đốn. Chiến dịch của Ahn nhận được sự ủng hộ của Jang Ha-sung, hiệu trưởng của 1 trong những trường kinh doanh hàng đầu Hàn Quốc. Ông Jang có thể được coi là người đi tiên phong trong việc thúc đẩy quản lý các chaebol tốt hơn. Hồi năm 2001, ông đã giúp doanh nghiệp nhỏ lần đầu tiên chiến thắng trong vụ kiện trước đại gia Samsung. 

Trong khi đó, các chaebol đang "im hơi lặng tiếng" và hi vọng rằng cơn thịnh nộ sẽ đi qua. Những người ủng hộ chaebol cho rằng dù mọi người có phản đối đến đâu, hầu hết trong số họ vẫn muốn con cái làm việc tại các tập đoàn này khi chúng lớn lên. Họ cũng cho rằng chaebol đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đến nỗi tấn công vào chaebol cũng có nghĩa là tấn công vào nền kinh tế Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, trên thực tế, chaebol yếu đi có thể là điều mà nền kinh tế đang cần. Theo OECD, trong 1 số lĩnh vực, đặc biệt là ngành dịch vụ, các tập đoàn lớn đang hoạt động rất thiếu hiệu quả và không hề có công tác nghiên cứu và phát triển. Nguyên nhân là do chiến lược phát triển của Hàn Quốc tập trung vào sản xuất và lấy hết vốn, nhân tài và các nguồn lực khác. 

Sự tự mãn cũng là 1 mối nguy hiểm. Những người làm việc trong các chaebol được cho là "tầng lớp quý tộc" được nuông chiều. Trong khi đó, lượng lớn lao động còn lại được hưởng mức lương rất thấp và do đó tạo nên cảm giác bất công. 

Hoạt động kinh doanh mập mờ của các ông chủ chaebol cũng là điều đáng lo ngại. Hồi đầu tháng, Ủy ban công bằng thương mại Hàn Quốc đã phạt 3 công ty có liên quan đến tập đoàn bán lẻ Shinsegae với số tiền phạt lên đến 4 tỷ won (tương đương 3,7 triệu USD). Shinsegae là 1 tập đoàn bán lẻ có liên quan đến Samsung. 

Vụ việc liên quan đến Kim Seung-youn, Chủ tịch của tập đoàn Hanwha, cũng là 1 ví dụ điển hình. Ông Kim bị buộc tội đánh các nhân viên quầy bar bằng 1 thanh sắt sau khi họ tham gia ẩu đá với con trai mình. Ông này nhanh chóng được tha thứ sau đó. Tuy nhiên, hồi tháng 8 vừa qua, Kim Seung-youn lại bị buộc tội 1 lần nữa nhưng lần này là vì tội tham ô. Đây là trường hợp hiếm hoi khi Chủ tịch của 1 chaebol bị bắt. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên