MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình 10 năm của nhân dân tệ

03-09-2015 - 19:17 PM | Tài chính quốc tế

Đối với những người thường xuyên quan sát kinh tế Trung Quốc, chặng đường hướng đến đồng nhân dân tệ chuyển đổi hoàn toàn diễn ra rất chậm rãi và đôi lúc bị gián đoạn đã trở thành một ví dụ điển hình cho cách thức tiếp cận các cải cách kinh tế của Trung Quốc.

Động thái phá giá nhân dân tệ hôm 11/8 của NHTW Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn cho thị trường tiền tệ quốc tế, sau đó là những biến động trồi sụt bất thường trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, nhân dân tệ đã “chuyển mình” từ trước đó.

21/7/2015 là ngày mở đầu cho chuỗi ngày đáng nhớ đối với các nhà giao dịch tiền tệ trên thế giới. Đây là ngày mà Trung Quốc chính thức đưa ra thông báo sẽ thay thế cơ chế neo tỷ giá đã tồn tại suốt 1 thập kỷ bằng một cơ chế linh hoạt hơn. Ngay sau đó tỷ giá nhân dân tệ đã biến động mạnh.

Đối với những người thường xuyên quan sát kinh tế Trung Quốc, chặng đường hướng đến đồng nhân dân tệ chuyển đổi hoàn toàn diễn ra rất chậm rãi và đôi lúc bị gián đoạn đã trở thành một ví dụ điển hình cho cách thức tiếp cận các cải cách kinh tế của Trung Quốc. Nói cách khác, trong khi phương hướng được đưa ra rõ ràng, Trung Quốc hiếm khi đúng hạn.

Một đồng tiền được chấp nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng chuyển tài sản từ kho dự trữ ngoại hối khổng lồ (trị giá 3.000 tỷ USD) sang khu vực tư nhân. Nếu nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ, ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của các nước (như Mỹ) lên kinh tế Trung Quốc sẽ giảm bớt.

Nhân dân tệ tăng giá còn giúp Trung Quốc giảm thặng dư thương mại, giảm bớt căng thẳng với các nước khác (đặc biệt là Mỹ) và làm chậm lại quá trình tích lũy USD.

Là một phần trong kế hoạch cải cách nền kinh tế với phạm vi lớn hơn, các bước thay đổi của nhân dân tệ trong tương lai được kỳ vọng sẽ đem đồng tiền này đến gần hơn với trạng thái hoàn toàn có khả năng chuyển đổi.

Theo Qu Hongbin, chuyên gia kinh tế trưởng tại HSBC, để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc phải nới lỏng các quy định hạn chế giao dịch ngoại hối, đồng thời tăng kim ngạch giao dịch ngoại hối đối với các cá nhân hoặc thậm chí dỡ bỏ hoàn toàn.

Ai được lợi?

Các ngân hàng hoạt động sôi nổi ở Hồng Kông. HSBC và Standard Chartered đã định vị bản thân là những ngân hàng tiên phong trong nỗ lực vươn ra toàn cầu của nhân dân tệ. Họ luôn chạy đua để trở thành ngân hàng đầu tiên triển khai sản phẩm bất cứ khi nào Trung Quốc ra mắt một sản phẩm mới ở thị trường mới.

Hồng Kông, Singapore và London là những trung tâm hàng đầu ở hải ngoại, nhưng Đài Bắc và Seoul cũng hoạt động rất tích cực. Trong 5 năm qua, khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 327 tỷ USD) đã được giao dịch ở hải ngoại.

Tiếp theo là gì?

Mục tiêu Trung Quốc đặt ra trong năm nay là được IMF bổ sung vào rổ SDR. Hồi tháng 5, tổ chức này đã tuyên bố nhân dân tệ không còn bị định giá quá thấp so với giá trị, nhưng đến tháng 8 vừa qua, IMF lại cho rằng nhân dân tệ chưa đạt đủ điều kiện. Dẫu vậy Bắc Kinh đã nới lỏng các giới hạn đối với đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng, cho phép các NHTW, định chế liên quốc gia và các quỹ đầu tư quốc gia tiếp cận thị trường Trung Quốc mà không cần sự phê duyệt.

Koon How Heng, chuyên gia phân tích tại Credit Suisse, cho rằng động thái này là “một dấu hiệu khác” thể hiện cam kết quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Trong khi đó, nhân dân tệ tiếp tục được sử dụng nhiều hơn trong các giao dịch thương mại quốc tế. Khoảng 25% giao dịch thương mại của Trung Quốc hiện đã lấy nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán. Nhân dân tệ ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các giao dịch thực là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quốc tế hóa nhân dân tệ không chỉ là tham vọng mang tính chính trị.

Thu Hương

Financial Times

Trở lên trên