MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy tránh vết xe đổ!

26-05-2008 - 12:54 PM | Tài chính quốc tế

Những nước đang phát triển nên tránh lặp lại sai lầm của các nước phát triển 3 thập kỷ trước đây. Nếu không hậu quả thật khó đoán trước.

Có một số nước chịu tác động từ lạm phát nhiều hơn các nước khác. Theo ông Cates của ngân hàng UBS, xét đến yếu tố tiền lương, dự báo về lạm phát, áp lực về nhu cầu và tăng trưởng của thị trường tiền tệ, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Nga và nước xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông sẽ phải chịu nhiều tác động từ lạm phát hơn các nước khác trong những tháng tới. Áp lực này thấp hơn tại các nước Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính sách tiền tệ lẽ ra nên được thắt chặt thì lại bị nới lỏng, tỷ lệ lãi suất hiện nay thấp hơn so với một năm trước đây. Tỷ lệ lãi suất ngắn hạn hiện nay đang tương đối thấp so với tăng trưởng GDP danh nghĩa, như vậy đủ để thấy chính sách tiền tệ đã quá lỏng lẻo.

Tại các nước mới nổi, nguồn cung tiền tăng khoảng 20% trong một năm qua, mức tăng gần gấp 3 tại các nước phát triển. Tại Nga, tỷ lệ này còn cao hơn, nguồn cung tiền tăng khoảng 42%.

Tất cả những nguyên nhân này kết hợp lại với nhau gây ra tình trạng hiện nay, vấn đề các nước mới nổi đang gặp phải cũng tương tự như điều đã xảy ra vào thập niên 1970 khi cuộc Đại Lạm Phát bắt đầu xảy ra.

Kinh tế thế giới đồng loạt bùng nổ khiến giá hàng hóa tăng vọt. Chính phủ ngay lập tức phản ứng bằng tăng trợ cấp, tăng lương và kiềm chế giá cả. Nguồn cung tiền dồi dào. Các số liệu thống kê không đưa ra được chính xác áp lực giá cả. Các nền kinh tế như những cỗ xe chạy hết tốc lực. Nguồn cung tiền dồi dào. Nguy cơ lạm phát chưa được dự báo thật sát sao, tình hình thị trường lao động căng thẳng, vòng xoáy lương và giá cả hết sức phức tạp.

Thông thường người ta sẽ nghĩ rằng những sai lầm trong chính sách tiền tệ đã gây ra Đại Suy Thoái sẽ không xảy ra ngày nay bởi ngân hàng trung ương không liên quan tới chính trường.

Tuy nhiên không giống như Cục Dự Trữ Liên Bang (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhiều ngân hàng trung ương tại các nước mới nổi không hoàn toàn độc lập. Và nay nếu sự kiện năm 1970 lặp lại, họ sẽ phải chịu nhiều áp lực chính trị phải duy trì tỷ lệ lãi suất để kích thích tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.

Nền kinh tế các nước mới nổi nhiều khả năng sẽ lặp lại sai lầm của các ngân hàng trung ương những nước giàu thập niên 1970, họ tập trung vào tỷ lệ lạm phát dài hạn, và lấy đó làm lý do để giữ tỷ lệ lãi suất thấp hơn tỷ lệ lạm phát ngắn hạn.

Tuy nhiên mức lãi suất thực âm khiến nhu cầu tăng cao, lạm phát tăng khiến người lao động liên tục đòi tăng lương. Nếu ngân hàng trung ương không thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát sẽ tăng rất nhanh và tiềm ẩn khả năng vượt tầm kiểm soát.

Sự độc lập về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương hiện hạn chế rất nhiều bởi mong muốn của các chính phủ muốn giữ đồng tiền ở mức giá thấp trong khi dòng vốn quốc tế hết sức linh hoạt. 3 thập kỷ trước các nước phát triển không gặp phải vấn đề này.

Khi ngân hàng trung ương can thiệp vào thị trường hối đoái để ngăn đồng tiền tăng giá, họ sẽ phải in thêm tiền để mua USD, như vậy tính thanh khoản của thị trường nội địa sẽ tăng lên.

Chính sách lãi suất gần đây của FED khiến nền kinh tế mới nổi gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu tăng lãi suất, họ sẽ thu hút được dòng vốn bên ngoài vào nhiều hơn, sự can thiệp để giảm giá đồng tiền sẽ khiến lạm phát tăng cao. Như vậy việc tăng lãi suất không còn nhiều tác dụng.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc và Ấn Độ đã vài lần yêu cầu tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong năm 2008 để giảm bớt lượng tiền mặt thừa, tuy nhiên họ vẫn duy trì tỷ lệ lãi suất.

Chính phủ Ấn Độ gần đây lẽ ra nên tăng tỷ lệ lãi suất khi đồng rúp Ấn Độ liên tục mất giá, tuy nhiên họ đã ứng phó chậm chạp. Hồng Kông và một số nước vùng Vịnh, những nước vẫn neo đồng tiền của họ chặt chẽ theo USD, cho đến nay đã buộc phải cắt giảm lãi suất mặc dù nền kinh tế đang lên của họ cần chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.

Bạn có thể cho rằng sự đi xuống của kinh tế Mỹ có thể kéo theo sự đi xuống nói chung của những nền kinh tế mới nổi, tuy nhiên điều ngược lại đang diễn ra. Mặc dù nền kinh tế các nước mới nổi có thể đã độc lập so với kinh tế Mỹ, nhưng chính sách tiền tệ lại chưa thật sự độc lập. Hậu quả là khi kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, các nước này lập tức phải chịu ảnh hưởng lạm phát tiêu cực.

FED càng cắt giảm lãi suất, thanh khoản và nhu cầu nội địa tại các nước phát triển càng tăng. Điều này có nghĩa là giá hàng hóa tăng cao, tiếp đó sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên thu nhập và tiêu dùng của Mỹ, FED lại tiếp tục phải cắt giảm lãi suất.

Một cách khác để quản lý tốt chính sách lãi suất là áp dụng hạn chế chặt chẽ hơn về nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Ví dụ vào tháng 3, Brazil áp dụng mức thuế 1,5% lên nguồn vốn đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, phần lớn nghiên cứu đều cho thấy việc kiểm soát vốn không có tác dụng tốt trong dài hạn.

Đối với nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu, giải pháp phù hợp cho nền kinh tế các nước mới nổi là tăng thêm sự linh hoạt trong tỷ giá hối đoái. Như vậy họ có thể tăng tỷ lệ lãi suất và đồng nội tệ mạnh giúp giảm giá nhập khẩu.

Tuy nhiên sự liên hệ giữa tỷ giá hối đoái và lạm phát rất phức tạp. Chuyên gia Stephen Jen của Morgan Stanley cho rằng việc định giá lại đồng tiền có thể khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào sự tăng giá của đồng tiền, như vậy sẽ thu hút thêm nguồn tiền từ bên ngoài, như vậy lạm phát sẽ còn tăng cao hơn. Đây chính là vấn đề Trung Quốc hiện nay đang gặp phải.

Cách duy nhất để ngăn dòng vốn đầu cơ là định giá lại đồng tiền ở một mức độ mà nhà đầu tư sẽ không kỳ vọng về sự tăng giá tiếp theo. Tuy nhiên mức độ phù hợp là bao nhiêu?

Lấy đồng Nhân dân tệ làm ví dụ. Ông Jen cho rằng giá trị của Nhân dân tệ hiện nay đã gần ở mức tương đối so với USD khi xét đến yếu tố thương mại và tăng trưởng năng suất tương đối. Nói cách khác, để giảm thặng dư tài khoản vãng lai, đồng Nhân dân tệ cần phải tăng giá 100%, điều này là không thể có.

Ông Mohsin Khan, giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) tại khu vực Trung Đông và Trung Á gần đây đã đưa ra một lập luận tương tự đối với các nước vùng Vịnh. Họ không nên định gía lại đồng tiền hay thay đổi tỷ giá hối đoái hiện nay dù tình hình lạm phát đang hết sức căng thẳng. Hiện nay, bất kỳ một động thái nào không đủ lớn để tác động đến kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ có thể thu hút thêm lượng vốn ngắn hạn và khiến áp lực lạm phát tăng cao.

Khi dòng vốn linh động và chính sách tiền tệ của Mỹ lỏng lẻo như hiện nay, những nước mới nổi gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết lạm phát. Rõ ràng các nước này cần phải tăng tỷ lệ lãi suất, tuy nhiên dòng vốn ồ ạt đổ vào có thể tạo ra ảnh hưởng tốt hoặc ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng tốt là tăng tính thanh khoản còn ảnh hưởng xấu là các loại tiền tệ sẽ bị định giá quá mức.

Brazil đã để đồng nội tệ tăng giá khoảng hơn 100% trong 5 năm qua. Điều này giúp giảm tỷ lệ lạm phát (dù lạm phát đang bắt đầu tăng trở lại), nhưng thực tế hiện nay là đồng tiền nước này có thể đang bị định giá quá mức và gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai.

Một giải pháp hiện nay là thắt chặt chính sách tiền tệ, như vậy sẽ làm giảm nhu cầu thừa. Việc chi tiêu công tăng nhanh là một phần nguyên nhân làm tăng nhu cầu nội địa của Brazil. Tuy nhiên chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ khó để áp dụng tại Trung Quốc hiện nay đã thặng dư ngân quỹ. Thặng dư lớn hơn sẽ làm tăng tiết kiệm nội địa và vì thế làm tăng thặng dư tài khoản vãng lai.

Những nền kinh tế mới nổi cần phải chấp nhận rằng khi tăng trưởng năng suất của họ nhanh hơn các nước phát triển, tỷ giá hối đoái thực của họ sẽ phải tăng theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ giá hối đoái danh nghĩa tăng lên hoặc lạm phát tăng. Họ sẽ không thể tránh được một trong hai tác động này.

Vậy tình trạng lạm phát cao tại các nước mới nổi hiện nay có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới những nước giàu có? Kinh tế các nước này tiếp tục tăng trưởng nhanh, giá thực phẩm, năng lượng, nguyên liệu thô sẽ vẫn đứng ở mức cao.

Nói cách khác, đây là một cơn sốc giá cả lâu dài chứ không phải chỉ mang tính thời điểm. Tuy nhiên như vậy cũng không có nghĩa rằng giá hàng hóa sẽ liên tục tăng với tốc độ như hiện nay. Giá tăng cao tạo áp lực tăng nguồn cung. Và nếu ngay cả khi giá cả đứng nguyên ở mức hiện nay, tỷ lệ tăng sẽ dịu bớt và làm giảm lạm phát toàn cầu.

Nhiều người hiện nay cũng đang lo lắng về khả năng sau nhiều năm khi hàng hóa xuất khẩu giúp làm giảm giá hàng hóa toàn cầu, Trung Quốc hiện nay đang xuất khẩu lạm phát đi nhiều nơi trên thế giới. Số liệu từ Cục Thống Kê Mỹ cho thấy sau khi giá hàng hóa Trung Quốc rẻ trong một số năm, tính đến cuối tháng 4/2008 nay giá hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc tăng 4,1%. Mức tăng trong 12 tháng nhiều nhất từ tháng 12 năm 2004.


Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên