MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiểu thêm về cơ chế điều chỉnh lãi suất của Fed

17-12-2015 - 08:46 AM | Tài chính quốc tế

Khác với công cụ truyền thống là nghiệp vụ bán ra và mua vào trái phiếu, Fed đang sử dụng hai loại lãi suất tác động đến lượng tiền dự trữ mà các ngân hàng gửi tại Fed để điều chỉnh lãi suất liên bang.

Như vậy Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức chấm dứt thời kỳ lãi suất gần 0 sau suốt 6 năm duy trì. Lần cuối cùng Fed có động thái tương tự (tức nâng lãi suất từ mức gần 0) là năm 1947. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của lần này không chỉ nằm ở việc chấm dứt thời kỳ lãi suất gần 0, vì Fed cũng sẽ sử dụng những công cụ hoàn toàn mới để điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Loại lãi suất mà Fed cố gắng điều chỉnh lần này là lãi suất liên bang (federal funds rate), lãi suất mà các ngân hàng trên toàn nước Mỹ sẽ áp dụng đối với những khoản vay qua đêm dành cho các ngân hàng khác. Sở dĩ có các khoản vay này vì Fed yêu cầu hàng đêm các ngân hàng phải gửi một lượng tiền tối thiểu nhất định vào các tài khoản mở tại Fed. Do đó, những ngân hàng có lượng tiền dư thừa sẽ cho bên thiếu hụt vay để đạt chỉ tiêu.

Trong quá khứ, Fed sẽ điều chỉnh lãi suất này bằng cách mua vào và bán ra trái phiếu Chính phủ. Ví dụ, khi Fed bán trái phiếu Kho bạc, tiền trong hệ thống sẽ trở nên khan hiếm hơn trong khi các ngân hàng vẫn phải đáp ứng yêu cầu về dự trữ và kết quả là giá của các khoản vay quan đêm sẽ tăng, qua đó tác động đến lãi suất liên bang và rộng hơn nữa là chi phí đi vay của toàn nền kinh tế. Quy tắc ở đây rất đơn giản: Fed có thể dễ dàng kiểm soát giá khi đây chính là đơn vị nắm quyền kiểm soát nguồn cung các khoản cho vay liên ngân hàng.

Tuy nhiên, hiện nay Fed không thể sử dụng cơ chế này được nữa. Nguyên nhân là vì kể từ năm 2008, theo chính sách nới lỏng định lượng (QE), Fed đã mua vào khoảng 3.800 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và những loại tài sản khác để kích thích nền kinh tế. Điều này cũng tạo ra nguồn tiền mới, vì vậy ngày nay các ngân hàng đã không còn thiếu hụt dự trữ.

Như vậy, để đẩy tăng lãi suất, Fed cần phải đảo ngược chương trình mua tài sản, nhưng đây là điều mà Fed không muốn làm trước khi lãi suất tăng. Vậy Fed sẽ tăng lãi suất bằng cách nào?

Hiện nay, Fed đang sử dụng hai công cụ để neo lãi suất liên bang ở mức 0 – 0,25%. Thứ nhất là khoản lãi mà Fed trả cho các ngân hàng trên số tiền dôi ra so với yêu cầu, được gọi là lãi suất trên dự trữ dôi ra (IOER). Sẽ không có ngân hàng nào muốn cho vay với lãi suất thấp hơn IOER, vì gửi tiền tại Fed là an toàn hơn so với cho ngân hàng khác vay.

Nhưng một số tổ chức phi ngân hàng (ví dụ như các quỹ thị trường tiền tệ) không có tài khoản tại Fed, do đó họ sẽ sàng cho vay với lãi suất thấp hơn IOER. Bởi vậy IOER không phải là một mức sàn vững chắc cho lãi suất. Hôm qua, Fed đã thông báo nâng lãi suất IOER từ 0,25% lên 0,5%. Nếu lãi suất này tăng, chắc chắn các loại lãi suất khác sẽ tăng.

Công cụ thứ hai chính là các thỏa thuận mua lại đảo ngược (reserve repo). Fed bán chứng khoán cho nhà đầu tư, và đồng ý sẽ mua lại chúng trong tương lai. Fed vay tiền từ nhà đầu tư và lấy số chứng khoán đó làm tài sản đảm bảo. Loại lãi suất này cũng đặt ra mức sàn cho các loại lãi suất, vì nhà đầu tư sẽ không thể cho ngân hàng vay tiền với mức lãi suất thấp hơn lãi suất mà Fed (là cơ quan được chính phủ hậu thuẫn) trả cho họ.

Quan trọng hơn, những nhà đầu tư có thể tham gia vào các hợp đồng mua lại dự trữ qua đêm cũng chính là những người có thể cắt giảm IOER. Khi Fed nâng cả IOER và lãi suất mua lại dự trữ qua đêm, lãi suất liên bang cũng sẽ tăng. Trong lần điều chỉnh này, Fed đã nâng lãi suất trả cho các thỏa thuận mua lại đảo ngược được nâng từ 0,05% lên 0,25%.

Kể từ tháng 9/2013, Fed đã thử nghiệm những công cụ này và thu được những kết quả khá khả quan.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên