MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 100 năm câu chuyện cứu thị trường của J.P. Morgan và Warren Buffett

06-10-2008 - 15:05 PM | Tài chính quốc tế

Câu chuyện nhà đầu tư đại tài J.P. Morgan cách đây hơn 1 thế kỷ và Warren Buffett hiện nay cho thấy mọi việc thay đổi trong thế kỷ qua ra sao và điều gì bất biến.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, một nhân vật nổi tiếng của giới kinh doanh Mỹ dùng danh tiếng và tài chính của mình để phục vụ cho lợi ích của công chúng và cho chính bản thân người đó.

 

Thời thế và tính cách của họ cũng khác nhau rất nhiều. Tuy nhiên vai trò của Morgan trong cuộc khủng hoảng năm 1907 cũng có điểm tương đồng như hành động của ông Buffett trong vấn đề khủng hoảng tài chính vừa qua.

 

Ông Richard Sylla, chuyên gia kinh tế, nhà sử học tại Stern School of Business, nhận xét : ” Những gì ông Buffett đang làm hiện nay cũng có phần giống những gì Morgan đã làm năm 1907. Người ta có thể gọi đó là “tư bản ái quốc”.”

 
Ông J.P. Morgan
 

Theo các chuyên gia kinh tế và tài chính, so sánh hai người đàn ông này và quyết định của họ trong thời kỳ thị trường biến động cách nhau đến hơn một thế kỷ cho thấy mọi việc đã thay đổi trong thế kỷ qua ra sao và những điều gì là bất biến.

 

Thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 1907, ông Morgan 70 tuổi đã ở thời kỳ cuối trong sự nghiệp đỉnh cao. Buffett hiện nay 78 tuổi. Ông Robert Bruner, hiệu trưởng của trường kinh doanh Darden thuộc Đại học Virginia, và là đồng tác giả cuốn "The Panic of 1907: Lessons From the Market's Perfect Storm", nhận xét:” Buffett hiện nay là tâm điểm của báo giới và giúp củng cố niềm tin cho thị trường.”

 

Giống JP Morgan, Warren Buffett mạnh dạn đương đầu với khủng hoảng.

 

Chỉ hai tuần qua, Buffett đã cho thấy tầm ảnh hưởng của ông bằng việc đầu tư vào cổ phiếu của hai công ty hàng đầu là Goldman Sachs và General Electric. Ông đã mua được cổ phiếu ở giá thấp và đầu tư với những điều khoản thuận lợi.

 

Buffett gần đây đã nhận được khá nhiều cuộc điện thoại bởi khả năng tài chính, uy tín và khả năng ứng phó nhanh gọn của ông. Ví như việc đầu tư vào GE, chỉ được đưa ra trong một vài giờ, sau khi GE tìm đến Buffett.

 

Tác giả của cuốn “Warren Buffettt and the Business of Life”, bà Alice Schroeder nhận xét:”Trong vài tuần qua, nhiều người đang gặp rắc rối đã gọi cho ông. Bà cũng là một cựu chuyên gia phân tích phố Wall, và là người viết tiểu sử của Warren Buffett đầu tiên nhận được sự hỗ trợ của ông, bà cho biết bà nói chuyện với ông khá thường xuyên.

 
Tỷ phú Buffet và hai con
 

Những công ty ông mua cổ phiếu được hưởng lợi từ uy tín của ông. Thứ 5 tuần trước, một ngày sau khi ông công bố đầu tư vào GE, công ty đã tăng được hơn 12 tỷ USD tiền vốn nhờ vào việc bán cổ phiếu ra công chúng.

 

Buffett cũng là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng Wells Fargo, thứ 6 tuần trước ngân hàng này đã gây ấn tượng trên phố Wall với lời đề nghị mua lại ngân hàng Wachovia với giá 15 tỷ USD. Mức giá cổ phiếu của Wells Fargo đề nghị với Wachovia cao gấp 7 lần so với mức giá của Citigroup.

 

Ông Buffett là một trong những người giàu nhất thế giới. Tổng tài sản của ông theo ước tính của Forbes lên tới 62 tỷ USD. Buffett đã cam kết sẽ giành phần lớn tài sản của ông cho từ thiện.

 

Và không chỉ là tiền, Buffett đã mang theo cả uy tín của ông vào những khoản đầu tư, uy tín của một nhà đầu tư lâu năm, nổi tiếng vì sự nhạy bén và phán xét khôn ngoan.

 

Morgan tiếp sức mạnh vào thị trường tài chính theo cách trực tiếp hơn Buffett, mặc dù tài sản của ông hồi đầu thế kỷ 20 không bằng hai đại gia nước Mỹ là John Rockefeller và Andrew Carnegie.

 

Năm 1907 nước Mỹ không có ngân hàng trung ương. Vào năm này, nỗ lực đầu cơ kim loại đồng thất bại đã đẩy phố Wall vào một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng. Chính phủ Mỹ buộc phải tìm đến sự giúp đỡ của Morgan.

 

Thông qua các chi nhánh mua bán hàng hoá của mình,  Morgan trở thành mũi nhọn quan trọng trong khu vực tư nhân để hoá giải tình thế khó khăn, giúp chính phủ khôi phục niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng. Nỗ lực của Morgan cũng góp phần cổ vũ các quan điểm ủng hộ hình thành ngân hàng trung ương.

 

Ông Ron Chernow, một chuyên gia kinh tế và là tác giả của cuốn "The House of Morgan" , nhận xét năm 1907, Morgan đã không chỉ đầu tư tiền của chính ông mà còn khiến toàn bộ cộng đồng tài chính nhảy vào cứu thị trường. Một trong những lý do người ta lập ra Cục Dữ Trữ Liên Bang vào năm 1913 là người ta hiểu Morgan không thể mãi mãi hỗ trợ thị trường. Morgan mất cùng năm đó, thọ 76 tuổi.

 

Một trong những người viết tiểu sử về ông, Jean Strause đã viết về sự nghiệp của Morgan như sau: "Ông đã tổ chức hệ thống đường sắt khổng lồ và 'niềm tin' với hệ thống doanh nghiệp Mỹ, điều hành việc chuyển giao khối lượng của cải vô cùng lớn từ châu Âu sang Mỹ, và tại thời điểm nước Mỹ chưa có ngân hàng trung ương, ông là người giám sát thị trường vốn và là nguồn tài trợ cuối cùng của hệ thống tài chính."

 

Ngọc Diệp
Theo IHT, Saga

ngocdiep

Trở lên trên