MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hy Lạp cậy nhờ Nga để thoát nợ?

09-04-2015 - 11:52 AM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 8-4 đã đón tiếp và thảo luận với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras về căng thẳng trong quan hệ giữa Liên hiệp châu Âu (EU) với Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Hai bên đã ký bản ghi nhớ về việc tổ chức Năm Nga ở Hy Lạp và Năm Hy Lạp ở Nga vào năm 2016.

Theo hãng tin RIA Novosti, Tổng thống Putin xác nhận lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm do Nga áp đặt nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây đã tác động đến Hy Lạp nhưng Nga không thể làm điều gì ngoại lệ cho riêng Hy Lạp. Theo ông, lối thoát ở đây là thành lập những xí nghiệp chung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Chuyến đi trên thu hút nhiều quan tâm bởi nó diễn ra vào thời điểm Hy Lạp đang thương lượng với EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về gói hỗ trợ tài chính trước khi ngân sách cạn kiệt trong vài tuần tới. Hy Lạp không được nhận thêm tiền cứu trợ từ tháng 8-2014 vì EU và IMF không hài lòng với tiến độ cải cách của nước này. Hy Lạp sẽ phải trả món nợ 448 triệu euro cho IMF vào ngày 9-4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm 8-4 Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm 8-4 Ảnh: Reuters

Một số quan chức Hy Lạp từng công khai nói về khả năng Athens tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Nga hoặc Trung Quốc nếu quá trình đàm phán vay nợ với EU đổ vỡ. Theo báo Kathimerini (Hy Lạp), chính phủ của ông Tsipras đã đề xuất kế hoạch hợp tác 3 năm với Trung Quốc liên quan đến cảng biển, công nghiệp sửa chữa, đóng tàu, tín dụng, cung cấp chuỗi nông nghiệp. Ngoài ra, nhật báo Kommersant dẫn nguồn tin trong chính phủ Nga cho biết nước này có thể chiết khấu giá khí đốt và cấp nhiều khoản vay mới cho Athens.

Dù vậy, một quan chức Hy Lạp ngày 8-4 nói với hãng tin Reuters rằng nước này không tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Moscow, đồng thời muốn giải quyết vấn đề nợ của mình trong nội bộ khu vực sử dụng đồng euro.

Giới phân tích nhận định do kinh tế khó khăn nên bất kỳ sự giúp đỡ nào của Nga dành cho Hy Lạp, nếu có, cũng đều hạn chế. “Đối với Hy Lạp, Nga không phải, và cũng không thể, thay thế EU mà chỉ có thể là lựa chọn bổ sung” - ông Constantinos Filis, chuyên gia tại Viện Quan hệ quốc tế thuộc Trường ĐH Panteion (Hy Lạp) nói với đài BBC.

Về phía EU, một số quan chức lên tiếng cảnh báo Hy Lạp không nên nhận viện trợ tài chính từ Nga để đổi lấy việc Athens ủng hộ Moscow về vấn đề Ukraine. “Hy Lạp đã nhận được nhiều hỗ trợ từ EU. Do đó, chúng tôi đòi hỏi nước này phải đồng thuận với EU và không nên có những động thái đơn phương phá vỡ sự đồng thuận” - Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 7-4, chính phủ Hy Lạp tuyên bố Đức còn nợ nước này gần 279 tỉ euro tiền bồi thường cho thời kỳ Đức Quốc xã xâm lược nước này hồi Thế chiến thứ hai. Đây là lần đầu tiên Hy Lạp đưa ra con số cụ thể về khoản nợ này. Tuy nhiên, Đức cho rằng vấn đề này đã được giải quyết từ nhiều năm trước và thật “ngớ ngẩn” khi kết nối việc trả nợ của Hy Lạp hiện nay với bồi thường chiến tranh.

>>> Ai sẵn sàng cho Hy Lạp vay nợ?

Theo Huệ Bình

PV

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên