MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hy Lạp khó thoát khỏi vòng xoáy suy giảm dù có được cứu lần 2

03-02-2012 - 16:15 PM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Hy Lạp đang suy thoái đến năm thứ 5 liên tiếp, thâm hụt ngân sách lên gần mức 10% GDP và thất nghiệp khoảng 18%.

Nỗ lực giành được gói giải cứu thứ 2 của Hy Lạp có thể mở ra chương mới trong cuộc chiến để tồn tại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Gói giải cứu, cái mà quan chức chính phủ châu Âu và chủ nợ của Hy Lạp khẳng định sẽ có trong những ngày tới, có bao gồm việc chủ nợ của Hy Lạp phải chấp nhận giảm nợ khoảng 70%. Tổng giá trị các khoản vay có thể vượt mức 130 tỷ euro tương đương 171 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Holger Schmieding thuộc ngân hàng Berenberg Bank khẳng định gói giải cứu mới dù có quy mô lớn cũng sẽ chẳng thể nào ngăn được mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Hy Lạp sẽ vẫn chìm trong nợ nần, tăng trưởng kém và thâm hụt ngân sách quá lớn. Ông nhận định: “Hy Lạp đang gặp rất nhiều rắc rối. Chương trình điều chỉnh của Hy Lạp đang thất bại. Chính sách thắt chặt ngân sách quá mức, năng lực chính phủ hạn chế, bế tắc chính trị đã đẩy kinh tế Hy Lạp vào vòng xoáy suy giảm.”

Hy Lạp hiện vẫn cần hỗ trợ đặc biệt cho đến tận 2 năm sau khi gây ra khủng hoảng nợ châu Âu, thử thách lòng kiên nhẫn của chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu. Tháng 11/2011, khi bàn đến tình hình Hy Lạp, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức lần đầu tiên đã nói đến khả năng Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung.

Việc các nhà lãnh đạo không kiềm chế được những vấn đề tại Hy Lạp đã dẫn đến việc Ireland và Bồ Đào Nha phải xin giải cứu, chi phí lãi vay của Italy và Tây Ban Nha tăng mạnh, Ngân hàng Trung ương châu Âu phải thực hiện chương trình mua trái phiếu gây nhiều tranh cãi và S&P hạ xếp hạng cao nhất của Pháp.

Kể từ khi nhận gói giải cứu 100 tỷ euro vào tháng 5/2010, Hy Lạp đã liên tục không thực hiện được các mục tiêu về ngân sách, lãnh đạo nhiều nước thuộc khu vực đồng tiền chung đe dọa sẽ ngừng hỗ trợ, chính phủ Đức ép trái chủ phải cùng cứu Hy Lạp. Kinh tế Hy Lạp đang suy thoái đến năm thứ 5 liên tiếp, thâm hụt ngân sách lên gần mức 10% GDP và thất nghiệp khoảng 18%.

Chủ tịch Viện tài chính quốc tế (IIF) dự báo thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ sẽ có thể đạt được trong những tuần tới hoặc những ngày tới. IIF đại diện cho khoảng 450 tổ chức tài chính lớn trên thế giới và đại diện cho chủ nợ tư nhân trong các cuộc đối thoại hiện nay.

Đình Hảo

ngocdiep

Reuters

Trở lên trên