MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế ASEAN năm 2010 đạt 5,5%

08-04-2010 - 15:32 PM | Tài chính quốc tế

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhóm nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần kiểm soát tốt dòng chảy vốn ngắn hạn để ngăn làm mất ổn định đà phục hồi kinh tế khu vực.

Ông Naoyuki Shinohara, phó giám đốc điều hành tại IMF, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á cần đưa ra biện pháp ngăn bong bóng giá tài sản.

Tuyên bố trên được đưa ra trong buổi họp báo ngày hôm nay tại thành phố Nha Trang – Việt Nam.

Ông dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2010 có thể đạt 5,5%.

Ông nói: “Thực tế rất cần nguồn tiền vào khu vực, thế nhưng có những trường hợp nguồn vốn ngắn hạn ở mức quá cao có thể khiến việc điều hành kinh tế gặp khó.” Ông cho rằng lựa chọn có thể tính đến trong trường hợp này bao gồm thắt chặt tài khóa, điều chỉnh linh hoạt tỷ gái và tăng dự trữ.

Báo cáo hôm qua của Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo dòng vốn toàn cầu năm 2010 sẽ cải thiện so với năm ngoái khi kinh tế thế giới hồi phục. Ngân hàng Thế giới cho rằng khu vực Đông Á có thể hút được dòng vốn lớn trong năm nay. Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong năm nay, giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng thêm 2,3 nghìn tỷ USD.

Chỉ số MSCI của TTCK châu Á – Thái Bình Dương tăng 5,8%, thị trường chứng khoán Indonexia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam tăng điểm.

Ông Shinohara nhận xét kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng cao, ông cho rằng Việt Nam cần hạn chế thâm hụt ngân sách và thương mại để có thể duy trì được đà tăng trưởng kinh tế.

Nhóm nước Đông Nam Á bao gồm Indonexia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Bruney, Phillippin, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập vào năm 1967, tổng giá trị GDP đạt hơn 1,1 nghìn tỷ USD và tổng dân số là 570 triệu người.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương và nhận định, Việt Nam có thể dễ dàng đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010.

Theo báo cáo, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng đáng khích lệ; mặc dù có tỷ lệ xuất khẩu trong GDP cao và một nền kinh tế mở, Việt Nam đã chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn so với dự kiến. GDP thực tế đã tăng khoảng 5,3% năm 2009, trong đó có đóng góp lớn từ tăng trưởng của ngành Xây dựng.


Ngọc Diệp
Theo Dân Trí/WB,IMF


ngocdiep

Trở lên trên