MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IMF nên rút khỏi kế hoạch giải quyết khủng hoảng châu Âu

21-07-2011 - 16:35 PM | Tài chính quốc tế

IMF đang tốn tiền mà thực chất chỉ khiến uy tín của quỹ thêm xấu đi và không nhận lại được lợi ích nào.

Và màn kịch tiếp diễn. Hôm nay, quan chức hàng đầu các chính phủ thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ nhóm họp tại Brussels để lại tiếp tục khẳng định cam kết ứng phó với khủng hoảng Hy Lạp của họ đến lần thứ hàng nghìn.

Việc nhóm nước này họp để bàn đến kế hoạch giải cứu thứ 2 và có quy mô lớn hơn nhiều dành cho Hy Lạp, cho đến nay luôn được coi như điển hình để nói đến chính sách lộn xộn, rối rắm của chính phủ các nước châu Âu. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang tiếp tục các cuộc tranh luận lằng nhằng với Bộ trưởng Tài chính các nước châu Âu về vấn đề giải quyết khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và lựa chọn vỡ nợ hay không vỡ nợ.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã “nhảy dù” xuống “mặt trận” châu Âu khi các chương trình giải cứu bắt đầu vào tháng 5/2010. Thời gian gần đây quỹ gặp khá nhiều căng thẳng xung quanh vấn đề từ chức và khủng hoảng,

Bất cứ ai tin rằng IMF là tổ chức có quyền lực tuyệt đối cần nhìn vào thực tế hiện nay và nghĩ liệu IMF có nên rút lui khỏi những vấn đề ở nơi mà rủi ro uy tín của tổ chức chịu tác động xấu lớn hơn lợi ích từ sự hiện diện của tổ chức.

Nhìn vào mặt lợi ích, IMF cũng cần phải tham gia vào giải quyết vấn đề tại Hy Lạp. Điều này phản ánh kỹ năng ngoại giao của cựu Tổng giám đốc cũ, ông Dominique Strauss-Kahn.

Sự tham gia của IMF đồng nghĩa với họ đã vượt qua được thái độ phản đối ngang ngược của chính người châu Âu, trong đó bao gồm ông Jean-Claude Trichet, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, họ muốn tự mình giải quyết vấn đề.

IMF mang đến chuyên môn, tín nhiệm và tín dụng giá rẻ. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng ngay từ ban đầu, Hy Lạp sẽ không bao giờ có thể vực dậy tình hình tài chính công mà không phải tiến hành tái cơ cấu nợ. Thế nhưng dù tái cơ cấu hay không, Hy Lạp vẫn cần phải biến thâm hụt tài khóa thành thặng dư và mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn khi được hỗ trợ bởi IMF.

Thế nhưng khi châu Âu quá tự cao và bởi có quá nhiều nền kinh tế tham gia, IMF đóng góp khoảng chưa đầy 1/3 vào gói giải cứu 110 tỷ euro công bố vào tháng 5/2010; 30 tỷ euro trong khi đó khu vực đồng tiền chung châu Âu đóng góp 80 tỷ euro.

Hiện nay, chính phủ Hy Lạp đang áp dụng chương trình thắt chặt tài khóa và thay đổi cấu trúc khá hợp lý.

Thất bại thực sự nằm ở chính cách hoạch định chính sách của các nhà lãnh đạo châu Âu. Chính sự bất đồng này cũng như mong muốn chính trị thất bại tại Hy Lạp hay triển vọng tái cơ cấu nợ lớn hơn đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp tăng. Và nay, vấn đề rắc rối đang lan sang cả Italy và Tây Ban Nha như một thứ vi rút nguy hiểm.

IMF cũng chẳng muốn giấu giếm sự bực tức khi lãnh đạo châu Âu bận cãi nhau vặt và khả năng quỹ sẽ không còn tham gia vào vấn đề Hy Lạp nữa đang được bàn thảo tại Washington.

Tuần trước, khi IMF đồng ý giải ngân tiền cho Hy Lạp, quỹ đã tuyên bố sẽ chỉ có vụ việc lớn hơn, quy mô ảnh hưởng châu lục hay toàn cầu bắt nguồn từ việc Hy Lạp vỡ nợ mới khiến quỹ tiếp tục cho vay trong tình huống bất ổn như vậy.

Vấn đề không phải ở chỗ Hy Lạp đã thất bại khi làm gì mà liệu nguồn vốn trong trung hạn có được đảm bảo hay không.

Việc ngừng giải ngân theo chương trình cho vay đã cam kết sẽ khiến thị trường choáng váng. Thế nhưng khi phải đưa ra thêm cam kết về chương trình giải cứu thứ 2 dành cho Hy Lạp, IMF cần nhìn vào mớ lộn xộn trong quá trình hoạch định chính sách tại châu Âu và nói: không.

Nếu quỹ từ chối bổ sung thêm tiền vay cho các kế hoạch hiện tại, thị trường sẽ bị gián đoạn, hãy cứ để cho nó như vậy. IMF ở đây để giải quyết vấn đề thanh khoản chứ không phải để bơm tiền cho các chính phủ đã mất thanh khoản vay. Nếu châu Âu muốn tiếp tục với kế hoạch giải cứu ngớ ngẩn của họ, hãy để họ chi tiền.

Việc IMF khăng khăng đảm bảo tài chính dài hạn cho khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể cuối cùng sẽ trở thành hình thực tự bảo vệ. Rõ ràng, chính phủ một số nước tham gia trong các nỗ lực giải cứu của khu vực đồng tiền chung châu Âu, đặc biệt Đức, sẽ phải chấp nhận thiệt hại phần nào đó khi họ tung tiền cứu Hy Lạp.

IMF chắc chắc không chịu thiệt như vậy. Họ đứng ra làm bên cho vay để giải quyết khủng hoảng chứ không phải người bác rộng lượng cho tiền những đứa cháu và họ cần biết chắc rằng họ sẽ nhận lại được tiền.

IMF cần nghĩ một cách nghiêm túc về người đồng hành của mình. Ông Strauss Kahn đã làm một phép tính rủi ro và đẩy quỹ tham gia vào các cuộc giải cứu đầy rủi ro tại Hy Lạp. Người kế nhiệm Christine Lagarde cần phải giúp IMF “rút chân”.

Đình Hảo
Theo FT

duchai

Trở lên trên