MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Indonesia giữa ngã tư đường

24-09-2013 - 10:49 AM | Tài chính quốc tế

Sự thất bại trong nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế của Indonesia giờ đây được phơi bày.

Những người hâm mộ cả loạt phim “Gia đình Simpsons” và tạp chí The Economist đều biết rằng các nhà làm phim hoạt hình đã có lần “nhại lại” tính nghiêm túc của tạp chí kinh tế lừng danh. Trong tập phim "Catch 'Em If You Can", nhân vật Homer cầm tờ Economist trên tay và hỏi vợ “Em có biết rằng Indonesia đang đứng trước bước ngoặt quyết định?” 

Tập phim này được chiếu từ ngày 25/4/2004 nhưng lại trở nên hoàn toàn chính xác và hợp thời trong thời điểm hiện tại. Trong mấy năm gần đây, với dân số 240 triệu người, “gã khổng lồ” của khu vực Đông Nam Á luôn là một trong những nền kinh tế có diễn biến tốt nhất trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng của Indonesia luôn ở mức trên 6%. Câu hỏi duy nhất đối với đất nước này là tại sao Goldman Sachs chưa thêm nó vào danh sách các nước BRICs. 


Thế nhưng, trong một vài tháng vừa qua, tình hình ở Indonesia trở nên khác biệt hoàn toàn. Tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể và nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi đây. Ngày 12/9, NHTW Indonesia phải hạ dự báo tăng trưởng năm 2013 từ 6,2% xuống còn 5,5 – 5,9%. Kể từ đầu năm đến nay, đồng rupiah giảm giá tới 16% so với đồng USD. Chỉ số cơ bản trên TTCK giảm 20% so với mức đỉnh được lập hồi tháng 5. Có phải Indonesia lại đang đứng trước một bước ngoặt khác?


Cũng giống như các nước châu Á khác, chứng khoán và đồng nội tệ của Indonesia lao dốc bởi nỗi lo sợ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc (hoặc chí ít là giảm dần) chương trình nới lỏng định lượng vốn tạo ra thời kỳ tiền tệ giá rẻ. Tuy nhiên, Indonesia (giống như Ấn Độ) bị ảnh hưởng nặng nề hơn với những nguyên nhân sâu xa xuất phát từ nội tại. 


Giá hàng hóa lao dốc (chủ yếu do nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ sụt giảm) có nghĩa là nguồn thu truyền thống của Indonesia (từ than đá, dầu mỏ, khí gas…) phải chịu nhiều sức ép. Trong khi đó, Indonesia đã không thể tận dụng lợi thế về tài nguyên để giải quyết các vấn đề cơ bản như cơ sở hạ tầng yếu kém, tham nhũng tràn lan và các thủ tục hành chính quan liêu. Sự thất bại trong nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế của Indonesia giờ đây được phơi bày. 

Người ta có thể đổ tội cho Tổng thống Bambang Yudhoyono vì đã không thể thực hiện cải cách khi mọi thứ đang tốt đẹp. Tuy nhiên, ông Yudhoyono sẽ rời nhiệm sở vào năm tới và khi đó Indonesia sẽ thực sự ở ngã tư đường. Liệu Indonesia có thể bầu ra một vị Tổng thống vượt trội hơn người tiền nhiệm? Trong quá trình tranh cử, các ứng viên đều đưa ra nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, không có ai vượt trội và có thể tạo ra sự tin tưởng. 

Trong số các ứng viên cho chiếc ghế Tổng thống có một người nổi trội hơn cả: Joko Widodo (thường gọi là Jokowi) – Thống đốc của thủ đô Jakarta. Jokowi mới được bầu vào vị trí này từ năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy nếu ông tham gia tranh cử, ông có nhiều khả năng giành chiến thắng.

52 tuổi, vị Thống đốc của Jakarta đủ trẻ để đại diện cho thế hệ đột phá trong nền chính trị Indonesia. Jokowi không đến từ các “thế lực” truyền thống trong hệ thống chính trị. Ông là người cởi mở, thân thiện, không có scandal và được coi là một người sẵn sàng cho những ý tưởng mới. Jokowi chắc chắn sẽ phải đối mặt với những nhóm lợi ích cản đường. Tuy nhiên, khi Indonesia đang đứng trước bước ngoặt lớn như hiện nay, nhân vật này sẽ có đủ khả năng để tạo nên bước ngoặt cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên